Sửa Luật Đầu tư công: Đừng luyến tiếc và lo mất quyền

Một trong những điểm mấu chốt trong việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong thực hiện các dự án đầu tư công. Để làm điều đó, quan trọng là “đừng luyến tiếc và lo mất quyền”.
Đê chắn sóng Lạch Giang (Nam Định). Ảnh: Đức Thanh. Đê chắn sóng Lạch Giang (Nam Định). Ảnh: Đức Thanh.

Không để vướng mắc nhiều hơn

Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ cuối tuần qua.

Một quan điểm khá thống nhất từ các thành viên Chính phủ là, Luật Đầu tư công hiện hành đã hoàn thành sứ mệnh là lập lại trật tự trong đầu tư công và chống đầu tư dàn trải, cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật đã nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc.  

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, do lần đầu tiên xây dựng, ban hành và thực hiện Luật Đầu tư công, nên không tránh khỏi những hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn.

Một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ, dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn… 

Đừng luyến tiếc và lo mất quyền khi mở rộng phân cấp, phân quyền về đầu tư công, vì hiện nay, thế giới hay khu vực tư nhân trong nước đầu tư một dự án rất nhanh, còn khu vực nhà nước thì thủ tục quá rườm rà, chậm chạp

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, quá trình thực thi Luật Đầu tư công, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều “than” có những bất cập trong việc thực hiện thủ tục “thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.

Trình tự của thủ tục này cũng rất phức tạp, do hầu hết các dự án đều phải gửi hồ sơ về Trung ương để thẩm định, nên mất nhiều thời gian và lúng túng. Thậm chí, có tình trạng luẩn quẩn kiểu “con gà, quả trứng”, nhiều dự án nguồn vốn đã rõ ràng, nhưng vẫn phải thực hiện thẩm định nguồn vốn, mang tính hình thức, không thực chất...

Từ thực tế đó, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là rất cần thiết. Sau rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi 18 nhóm chính sách, liên quan từ tiêu chí phân loại dự án nhóm A, dự án quan trọng quốc gia, đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các trình tự, thủ tục đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chương trình, dự án…

Các đề xuất này đa phần được các thành viên Chính phủ đồng tình, ủng hộ, đồng thời cũng thống nhất rằng, Luật Đầu tư công sửa đổi chỉ nên tập trung vào điều chỉnh các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, còn các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp, sẽ do các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh và do Thủ tướng quyết định.

“Phải sửa đổi theo hướng không để vướng mắc nhiều hơn”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy và chỉ đạo, cần làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan, tránh chồng chéo, với tinh thần “không để một việc mà phải báo cáo cả 2 bộ hoặc nhiều bộ”. Tất cả là để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư công.

Đừng luyến tiếc và lo mất quyền

Một chỉ đạo quan trọng khác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với việc sửa đổi Luật Đầu tư công là phải phân cấp, giao quyền mạnh mẽ. “Đừng luyến tiếc và lo mất quyền khi mở rộng phân cấp, phân quyền về đầu tư công, vì hiện nay, thế giới hay khu vực tư nhân trong nước đầu tư một dự án rất nhanh, còn khu vực nhà nước thì thủ tục quá rườm rà, chậm chạp”, Thủ tướng chỉ đạo.

Từ yêu cầu tăng cường phân cấp, đi đôi với quyền hạn và tăng cường hậu kiểm, các thành viên Chính phủ nhất trí rằng, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) nên có quy định ủy quyền cho chủ tịch HĐND cấp tỉnh quyết định các dự án đầu tư ở địa phương khi HĐND không họp.

Ngoài ra, cũng có quy định dành một khoản vốn riêng cho chuẩn bị đầu tư các dự án, vì quy định như hiện hành là “một vòng luẩn quẩn, bế tắc”.

Lý do là, có dự án thì mới có vốn chuẩn bị đầu tư, trong khi trên thực tế phải có vốn chuẩn bị đầu tư, thì mới hình thành được dự án. Theo đó, phần vốn dành cho chuẩn bị đầu tư trung hạn trước mỗi nhiệm kỳ sẽ do Thủ tướng quyết định từ cuối nhiệm kỳ trước. 

Xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất các cơ chế phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ.

Chẳng hạn, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương; Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn khác của Trung ương quản lý; còn lại giao HĐND, UBND các địa phương.

Tương tự, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định và giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước cũng sẽ được đổi mới theo hướng tăng cường hậu kiểm, giảm bớt tiền kiểm.

Ví dụ, với kế hoạch trung hạn 5 năm, Quốc hội quyết định tổng mức kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ quyết định và giao tổng mức vốn cho từng bộ, ngành, địa phương.

Trên cơ sở tổng mức vốn được giao, các bộ, ngành, địa phương triển khai đăng ký danh mục dự án trung hạn 5 năm theo đúng các quy định về điều kiện của dự án và nguyên tắc bố trí vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tổng hợp, thông báo lại và theo dõi quá trình thực hiện. 

Còn với kế hoạch vốn trung hạn 3 năm cuốn chiếu và hằng năm, Quốc hội quyết định tổng mức kế hoạch vốn ngân sách nhà nước, Chính phủ quyết định và giao tổng mức vốn cho từng bộ, ngành, địa phương, chứ không giao danh mục dự án cụ thể.

Thay vào đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ đăng ký của các bộ, ngành, địa phương, tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, thông báo danh mục dự án (không kèm theo mức vốn phân bổ chi tiết) và các bộ, ngành, địa phương triển khai phân bổ chi tiết. Sau đó, báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thông báo cho cơ quan kiểm soát chi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Việc đổi mới như trên sẽ giải quyết được vấn đề kế hoạch đầu tư công hằng năm không bị giao chậm, giao nhiều đợt và tránh được sự hiểu lầm khi cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan phân bổ vốn cho các dự án.

Với quy định rõ ràng như vậy, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương sẽ được tăng cường và việc phân bổ vốn chi tiết cho các dự án nhanh hay chậm là do các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, quy định cũng giúp tháo gỡ một số rào cản về phân bổ kế hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm kế hoạch”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục