Luật Đầu tư công là cái phanh kiềm chế đầu tư dàn trải

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư trước khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) vào ngày mai (28/5), TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải do Luật Đầu tư công.

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải do Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, kể từ khi triển khai Luật Đầu tư công (năm 2015) đến nay, không năm nào hoàn thành kế hoạch giải ngân. Ông có thể lý giải tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công?

Phải khẳng định ngay rằng, vốn giải ngân chậm chủ yếu là do nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương. Nguyên nhân chính là lần đầu tiên thực hiện đầu tư công theo quy trình, thủ tục chặt chẽ từ đề xuất chủ trương đầu tư, nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, đến lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai dự án, nên các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong đầu tư công chưa có kinh nghiệm thực tiễn, vẫn làm theo thói quen, thông lệ, kinh nghiệm đầu tư công trước đây.

Luật Đầu tư công là cái phanh kiềm chế đầu tư dàn trải ảnh 1

 TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Rất nhiều công trình, dự án không chấp hành đầy đủ quy định, quy trình, thủ tục của Luật Đầu tư công, nên phải làm đi, làm lại mất rất nhiều thời gian, khiến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Thực tế cho thấy, tuân thủ đầy đủ mọi quy trình, thủ tục được quy định của Luật Đầu tư công mất rất nhiều thời gian và đây cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, thưa ông?

Đầu tư công trình, dự án bằng nguồn vốn nhà nước không chỉ phải thực hiện theo Luật Đầu tư công, mà còn phải đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Ví dụ, với dự án nhóm A, chỉ riêng khâu hoàn thiện hồ sơ xây dựng công trình, dự án mất tối thiểu 26 tháng.

Cụ thể, sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư thì phải có thiết kế công trình. Muốn có thiết kế thì phải tổ chức đấu thầu thiết kế. Muốn tổ chức đấu thầu thiết kế thì phải lập hồ sơ đấu thầu, mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu. Riêng khâu này mất ít nhất 3 - 4 tháng.

Đấu thầu xong, có kết quả lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế, nhà thầu tiến hành thiết kế chi tiết, cơ quan quản lý nhà nước, các loại hội đồng tổ chức nghiệm thu mất ít nhất là 8 tháng.

Xong thiết kế, chủ đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền lập hội đồng tổ chức phê duyệt dự án. Khâu này mất thêm 3 tháng nữa.

Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có nhanh thì một tháng sau mới được phê duyệt dự án, trong trường hợp phải xin ý kiến các bộ, ngành thì thời gian sẽ kéo dài thêm mấy tháng nữa. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, chủ đầu tư lập hồ sơ sơ tuyển nhà thầu thi công công trình, dự án mất thêm 3 - 4 tháng nữa.

Kết thúc khâu sơ tuyển nhà thầu, tổ chức mời thầu, đấu thầu để lựa chọn nhà thầu mất thêm tối thiểu 6 tháng.

Như vậy, riêng khâu thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu đã mất 26 tháng trong trường hợp không gặp trở ngại gì. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm là đương nhiên.

Vậy tại sao trong Báo cáo Thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn nhận định rằng, một trong những tồn tại, hạn chế của năm 2018 là giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Giải ngân vốn đầu tư công đạt chưa tới 76% kế hoạch thì rõ ràng là chậm, nhưng chậm ở đây là chậm so với kế hoạch.

Tôi lấy ví dụ để minh họa. Đầu tuần, phóng viên đăng ký viết 6 bài bởi dự kiến tham dự 4 cuộc họp và gặp gỡ 2 chuyên gia để phỏng vấn, nhưng thực tế, một cuộc họp không cho phóng viên tham dự, một cuộc họp không đủ thông tin để viết bài, một chuyên gia đi công tác, nên không gặp được. Cuối cùng, phóng viên rất cố gắng cũng chỉ viết được 4 bài báo, so với đăng ký đề tài (kế hoạch) thì mới đạt khoảng 67% là do khách quan, chứ không phải do lỗi của phóng viên. Nếu phóng viên cố gắng bằng mọi giá để viết đủ 6 bài, thì tôi dám chắc, 2 bài báo viết thêm chất lượng yếu, thông tin cũ.

Giải ngân vốn đầu tư công cũng vậy, không đạt kế hoạch một phần là do khách quan không lường hết được, phần khác do đặt kế hoạch quá cao.

Như vậy, có thể khẳng định, đầu tư công chậm không phải chỉ như ông nói là “do nhận thức và hành động”, mà còn do quy trình, thủ tục?

Quy trình, thủ tục đầu tư công của Việt Nam được xây dựng khá tương đồng với thông lệ, quy định và chuẩn mực quốc tế. Tiền vốn đầu tư công dù là tiền ngân sách nhà nước, tiền đi vay trong nước (phát hành trái phiếu chính phủ), tiền vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, thì đều là tiền thuế của dân; đầu tư công tác động tới bội chi, nợ công, nên quy trình, thủ tục đầu tư công của tất cả các nước trên thế giới đều quy định rất chặt chẽ.

Nhiều người chỉ nghĩ một chiều rằng, vì quy trình, thủ tục đầu tư công quá chặt chẽ, thậm chí là khắt khe khiến đầu tư công chậm, dẫn đến lãng phí nguồn lực do thời gian thi công kéo dài, công trình, dự án chậm đưa vào khai thác, sử dụng. Nhưng người ta không nghĩ ngược lại là, nếu quy trình, thủ tục không chặt chẽ, năm nào đầu tư cũng đạt kế hoạch, vượt kế hoạch, đầu tư dàn trải, đầu tư khi chưa biết chắc nguồn vốn lấy ở đâu, khiến công trình, dự án dở dang, đầu tư vào công trình, dự án chưa thực sự cần thiết, thậm chí là không cần thiết, thì lãng phí vô cùng lớn.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục