Cơ hội ở thị trường vốn ASEAN
Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mang đến rất nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho các DN Việt Nam, đặc biệt là DN niêm yết và sự cạnh tranh trên thị trường vốn của khu vực. QTCT là từ khóa cần được quan tâm nếu DN mong muốn thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 31/12/2015, AEC chính thức được hình thành, trở thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có hơn 285 triệu lao động, thu hút dòng vốn FDI lên đến 125 tỷ USD, GDP khoảng 2.400 tỷ USD.
Với dòng vốn được chu chuyển tự do và khả năng thu hút vốn từ các NĐT trong và ngoài khu vực tăng cao, các DN nếu tận dụng tốt cơ hội này sẽ tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, giúp giảm chi phí huy động vốn và hưởng một lợi thế vốn trên thị trường.
TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình cao họcquản trị kinh doanh Maastricht MBA -Đại học Bách khoa TP. HCM,chuyên gia QTCT khu vực ASEAN
Vậy DN cần làm gì để tận dụng những cơ hội ở thị trường vốn ASEAN? Các nghiên cứu cho thấy, những DN thực hiện tốt và hiệu quả các biện pháp QTCT thường hấp dẫn NĐT hơn. Trong quan điểm của các NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài, rủi ro là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến quyết định đầu tư.
Họ thường đề cao yếu tố QTCT vì QTCT tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư dài hạn. Phân tích điểm QTCT cho các DN niêm yết tại thị trường Việt Nam từ dữ liệu Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN trong 3 năm vừa qua đã chứng minh rằng, việc cải thiện tình hình QTCT giúp gia tăng giá trị cổ phiếu của DN trên thị trường.
DN niêm yết có quản trị tốt sẽ có thị giá cổ phiếu cao hơn các DN khác. Hình 1 cho thấy, điểm QTCT (CG score) cao hơn sẽ giúp thị giá cổ phiếu (tỷ số M/B) cao hơn.
Nâng cao QTCT
Theo kết quả của Dự án Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN trong những năm qua (Hình 2), điểm số về chất lượng QTCT của mỗi quốc gia đều có sự tiến bộ qua từng năm. Đây là tín hiệu tốt cho thấy những nỗ lực không ngừng của tất cả các nước tham gia trong việc quảng bá về QTCT và cải thiện tình hình thực thi QTCT trong cộng đồng DN.
Tuy nhiên, có thể thấy Việt Nam hiện vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giúp nâng cao nhận thức của các DN niêm yết về tầm quan trọng của QTCT trong sự phát triển bền vững của DN, nhằm thu hẹp khoảng cách với mức yêu cầu chung của khu vực và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia ở thị trường chung ASEAN.
Chất lượng QTCT thường được đánh giá dựa trên các chuẩn mực được xây dựng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN, một trong những dự án thẻ điểm uy tín được công nhận trên toàn thế giới, được thiết kế dựa trên 5 nguyên tắc QTCT cấp độ DN của OECD là: quyền của cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đối xử bình đẳng đối với cổ đông; vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; công bố thông tin và tính minh bạch; trách nhiệm của HĐQT.
Trong đó, trách nhiệm HĐQT có trọng số điểm cao nhất vì trong khuôn khổ QTCT, HĐQT đóng vai trò trung tâm với nhiệm vụ đề ra định hướng, xây dựng tầm nhìn chiến lược, kiểm soát rủi ro trong DN và giám sát bộ máy điều hành. Tuy nhiên, theo kết quả của dự án QTCT khu vực ASEAN trong 4 năm qua, đây cũng là chuẩn mực gặp nhiều khó khăn nhất ở hầu hết các nước trong khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam.
Vai trò của HĐQT trong QTCT được nhìn nhận ở các khía cạnh như năng lực của các thành viên HĐQT, tính độc lập của HĐQT, cơ cấu của HĐQT, vai trò và trách nhiệm của HĐQT, chính sách thù lao, lương thưởng của các cán bộ chủ chốt. Cơ cấu HĐQT với đại diện cân đối các thành phần chủ chốt sẽ cho phép phát huy hiệu quả năng lực lãnh đạo, hoạch định chiến lược, giám sát và kiểm soát rủi ro.
Gánh trên vai trách nhiệm xây dựng chiến lược, định hướng và kiểm soát công tác quản lý, cũng như đưa ra quyết định về những vấn đề trọng yếu của DN, một HĐQT hiệu quả cần có chuyên môn sâu và rộng, kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và có mối quan hệ tốt với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.
Vì vậy, năng lực của HĐQT là một trong những tiêu chí then chốt đánh giá vai trò của HĐQT. Để NĐT có thể đánh giá được năng lực của các thành viên HĐQT, các DN cần tăng cường công bố thông tin về kiến thức, kinh nghiệm và các giá trị đặc biệt có được, đồng thời công bố các tiêu chuẩn lựa chọn và quy trình bổ nhiệm thành viên HĐQT. Tính đa dạng hóa thành phần HĐQT như đa dạng về chuyên môn, kinh nghiệm, giới tính, tuổi tác…, cũng cần được quan tâm.
Để đảm bảo liên tục nâng cao năng lực của HĐQT, rất cần những chương trình đào tạo thường niên về QTCT, bên cạnh các nội dung bồi dưỡng kiến thức, cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề, các diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, qua đó nâng cao kiến thức và kỹ năng lãnh đạo.
Tính độc lập của HĐQT và các tiểu ban
Trong việc nâng cao năng lực quản trị phục vụ lợi ích của cổ đông và các bên hữu quan của DN, tính độc lập của HĐQT là một trong những tiêu chí quan trọng. Sự hiện diện của thành viên độc lập trong HĐQT được xem là thông lệ tốt cho DN và cổ đông.
Với vai trò chất vấn, giám sát và kiểm soát, thành viên này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao quản trị, kiểm soát đảm bảo tính khách quan của những quyết nghị được đưa ra bởi HĐQT và góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các cổ đông. Thông tin cung cấp về tính độc lập của HĐQT rất cần thiết đối với NĐT, cho phép đánh giá khả năng ra quyết định khách quan, công bằng, cũng như khả năng giám sát và ngăn ngừa các xung đột lợi ích.
Kết quả đánh giá QTCT cho thấy, phần lớn DN chưa xác định rõ danh tính của thành viên HĐQT độc lập, hoặc nếu có cũng không khẳng định tính độc lập của thành viên này đối với Ban điều hành và các cổ đông lớn. Tiêu chuẩn chung của khu vực ASEAN đặt ra tỷ lệ 50% HĐQT là thành viên độc lập, nhưng đây là một thách thức lớn cho các DN vì cho đến nay hầu hết các DN niêm yết Việt Nam tham gia đánh giá đều chưa đạt được tỷ lệ 1/3 thành viên HĐQT độc lập như yêu cầu của Thông tư 121/2012/TT-BTC.
Bên cạnh đó, các tiểu ban trực thuộc HĐQT cần được thành lập nhằm hỗ trợ HĐQT quản lý tốt hơn các công tác chuyên môn và nâng cao hiệu quả của HĐQT trong việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Ngoài các tiểu ban nhân sự và lương thưởng, tiểu ban kiểm toán nội bộ, HĐQT có thể có các tiểu ban chuyên trách như tiểu ban quản lý rủi ro, tiểu ban hoạch định chiến lược. Hiện mới chỉ có một số ít DN Việt Nam xây dựng các tiểu ban chuyên trách trong HĐQT.
Có thể nói, với trách nhiệm giám sát, kiểm soát rủi ro của HĐQT, vai trò chuyên trách về kiểm toán, kiểm soát rủi ro, nhân sự, thù lao cần được thực thi bởi các tiểu ban chuyên trách, với người đứng đầu (chủ tịch tiểu ban) là các thành viên độc lập.
Chính sách thù lao và lương thưởng cho HĐQT và cán bộ điều hành chủ chốt cũng là vấn đề được NĐT quan tâm. Trước đây, các thông tin này được xem là nhạy cảm, nhưng đến nay theo các yêu cầu công bố thông tin, DN đã cải thiện đáng kể việc công bố chính sách đãi ngộ dành cho HĐQT và Ban điều hành. NĐT quan tâm về sự phù hợp của chính sách thù lao với lợi ích dài hạn của DN và toàn thể cổ đông, sự phù hợp cho phép phát huy vai trò, trách nhiệm, mức độ cam kết, cũng như tính độc lập của các thành viên HĐQT.
Một số DN đã tiên phong trong việc nêu cụ thể mức lương thưởng của từng thành viên HĐQT, cán bộ điều hành chủ chốt trong báo cáo thường niên, nhưng nhìn chung, các DN cần nỗ lực hơn nữa trong việc công bố những chính sách này.
Chuẩn mực của khu vực ASEAN yêu cầu chính sách lương thưởng tốt cho Ban điều hành cần bao gồm biện pháp khuyến khích trong ngắn hạn, trong dài hạn và gắn với hiệu quả hoạt động kinh doanh; chính sách thù lao tốt cho HĐQT đảm bảo tính cam kết, trách nhiệm và tính khách quan của các thành viên HĐQT.
Với vai trò trung tâm trong hệ thống QTCT, trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của HĐQT là điều kiện đủ cho quá trình phát triển bền vững của DN. Thông qua kết quả đánh giá của dự án Thẻ điểm QTCT khu vực ASEAN những năm vừa qua, các vấn đề liên quan đến cơ cấu và năng lực, trách nhiệm và tính cam kết của HĐQT cần nhận được sự quan tâm hơn nữa từ các DN niêm yết để nâng tầm năng lực quản trị và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường vốn ASEAN.