Đối mặt với đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến sự suy giảm và tổn thất lớn trong năm 2020 và triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 vẫn còn bất định, kể cả ở các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, rủi ro địa chính trị, thiên tai địch họa...
Trong bối cảnh khó khăn chung đó, với phản ứng quyết liệt và khá sớm, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được đánh giá là tương đối thành công trong việc kiểm soát Covid-19 và nổi lên như một điểm đến an toàn, hấp dẫn và trở thành tâm điểm của giới đầu tư quốc tế khi họ nhắm đến các thị trường mới nổi.
Các nhà đầu tư ngoại từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tìm kiếm các cơ hội M&A trên thị trường Việt Nam.
Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao và dự báo còn nhiều dư địa phát triển trong trung dài hạn nhờ vào sự điều hành hợp lý của Chính phủ.
Trong khi các nước đang đương đầu với đại dịch, Việt Nam vẫn thể hiện là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh luôn được cải thiện, lạm phát được kiểm soát tốt, các hiệp định thương mại lớn từng bước được ký kết, ngày càng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trạng thái dân số vàng, đời sống người dân đang tăng dần kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng gia tăng.
Tuy nhiên, thực tế quản trị doanh nghiệp và kinh doanh luôn tạo ra những thách thức mới để buộc các nhà lãnh đạo không được giậm chân tại chỗ, mà luôn phải cải thiện về quản trị, tư duy lại về thị trường, thiết kế mới về mô hình hoạt động kinh doanh để đón đầu tương lai.
Với năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh được hun đúc trong nhiều năm, cùng với lợi thế về sự am hiểu thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt trong thời gian vừa qua đã chủ động mở rộng hoạt động kinh doanh theo hướng xây dựng mới hoặc mua lại các doanh nghiệp trong cùng chuỗi giá trị nhằm tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ đa dạng, thương hiệu uy tín, dịch vụ đồng nhất và ưu việt cho khách hàng.
Có thể kể ở đây trường hợp tiêu biểu của Tập đoàn Masan, từ một công ty chuyên ngành hàng thực phẩm gia vị đã phát triển thành tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam sau hàng loạt các thương vụ M&A tiêu biểu trên thị trường trong nhiều năm qua, gần đây nhất là thương vụ sáp nhập CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup.
Một trường hợp khác là REE đã định hình được mô hình tập đoàn với 4 nhóm hoạt động riêng biệt theo từng lĩnh vực: cơ điện lạnh, năng lượng điện, nước sạch, bất động sản thông qua các hoạt động M&A và tái cấu trúc mô hình tập đoàn.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có thể kể đến Tập đoàn Hòa Phát, Thaco Group với những kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng và hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghệ - viễn thông có thể kể đến Tập đoàn Viettel, FPT… Với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có thể kể đến Pan Group, TTC Group…
Hơn thế, các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở hệ sinh thái theo chuỗi giá trị ngành, mà còn khát vọng trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành nhằm chia sẻ tài nguyên khách hàng với nhu cầu đa dạng, chẳng như NovaGroup, Tập đoàn Sơn Kim, Tập đoàn DOJI...
Một minh họa khác trong ngành bất động sản, một số công ty có danh tiếng ban đầu trên thị trường về môi giới bất động sản như Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Đất Xanh, sau đó đã nhanh chóng gia tăng nguồn vốn kinh doanh để mở rộng sang mô hình phát triển dự án bất động sản, phát triển quỹ đất, quản lý bất động sản, thậm chí còn phát triển sang mảng xây dựng dân dụng và ứng dụng công nghệ 4.0 cho toàn hệ thống để làm mới mô hình kinh doanh sao cho hiện đại và hiệu quả hơn.
Trong tiến trình mở rộng và hiện thực hoài bão của mình, các doanh nghiệp Việt đã lựa chọn các phương thức như thuê đơn vị tư vấn bên ngoài về xây dựng và chuyển giao, doanh nghiệp tự mình xây dựng hoặc nhanh nhất là mua để thâu tóm và sáp nhập một đơn vị kinh doanh đã có sẵn nền tảng về thị trường, bí quyết kinh doanh, hệ thống vận hành…
Đặc biệt, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 gây cản trở hoạt động đầu tư và giao thương toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện nhiều thương vụ M&A trong thời gian vừa qua, lấn át vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư ngoại trên thị trường M&A Việt Nam trong những năm trước.
Thách thức về quản trị của mô hình Tập đoàn
Thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt đã theo đuổi và thực thi chiến lược xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Bên cạnh các doanh nghiệp thành công với các bước đi chiến lược đúng đắn nhằm xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh và khép kín, cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt gặp phải sự thất bại, vấp váp trong quá trình phát triển của mình do chiến lược đầu tư thiếu định hướng, dàn trải và cả sự chưa sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực khi hoạt động dưới quy mô tập đoàn.
Vì vậy, tiến trình vươn lên trở thành tập đoàn kinh tế đầu ngành cũng không tránh khỏi những thách thức về nhiều khía cạnh quản trị như: hình thức pháp lý, hệ thống quản trị tập trung, cơ chế báo cáo theo luật định…
Về khía cạnh luật pháp, tập đoàn không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, mà chỉ là tập hợp các công ty gồm có một công ty mẹ sẽ đầu tư vốn vào các công ty con và công ty thành viên nhằm chi phối hoạt động về mặt chiến lược, thương hiệu, công nghệ, thị trường, lợi nhuận…
Theo đó, mỗi công ty có quyền và nghĩa vụ độc lập theo điều 194 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Về quản trị điều hành, tập đoàn với sự gia tăng nhanh về vốn và con người, đòi hỏi công ty mẹ sẽ tổ chức hoạt động, chi phối và kiểm soát các công ty thành viên như thế nào để cỗ máy vận hành nhịp nhàng và tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả hệ thống.
Các nguyên tắc về quản lý vốn, những hướng dẫn về quản trị công ty như quản trị chiến lược, nguồn nhân lực, tài chính, thương hiệu, công nghệ, cơ chế kiểm soát nội bộ, hệ thống quản lý thông tin và văn hóa doanh nghiệp nhất quán sẽ là thách thức cho các nhà lãnh đạo trong vai trò thiết kế các mũi nhọn kinh doanh và hài hòa lợi ích cho mỗi thành viên trong nhóm các công ty trong cùng Tập đoàn.
Về hệ thống báo cáo quản trị, một khi đã có sự gia tăng về mặt quy mô hoạt động và con người, các tập đoàn cần đầu tư cho mình một hệ thống quản trị toàn diện và chuyên nghiệp trên nền tảng số hóa. Có thể tham khảo hệ thống quản trị toàn diện và xuyên suốt dưới đây như sau:
Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp lý quy định việc quản trị, điều hành tập đoàn về mặt thể chế (Điều lệ, Quy chế Quản trị nội bộ, Tổ chức bộ máy, Hệ thống phân cấp - ủy quyền...).
Thứ hai, hệ thống văn bản về quản trị chiến lược, quản trị hoạt động kinh doanh, quản trị tài chính và đầu tư, hệ thống kế toán, hệ thống kiểm soát hoạt động công ty mẹ và các công ty thành viên...
Thứ ba, hệ thống văn bản về quản lý thương hiệu, hệ thống công nghệ thông tin, quản trị nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, nghiên cứu & phát triển...
Riêng về vấn đề báo cáo tuân thủ, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện tại, ngoài các báo cáo tài chính và tài liệu theo luật định, công ty mẹ còn phải lập thêm báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hàng năm của tập đoàn, báo cáo về giao dịch với các bên có liên quan theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP về việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Sự phát triển bền vững luôn đòi hỏi tính đồng bộ và toàn diện. Với bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số trong thập niên mới, các doanh nghiệp Việt Nam với chiến lược và tầm nhìn mới, dễ dàng thu hút được nguồn vốn hơn, "tập đoàn kinh tế" chỉ là hình thái thể hiện sự tập trung về vốn, điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp sẽ sử dụng đồng vốn như thế nào trong việc xây dựng các nguồn lực quan trọng khác như con người, hệ thống, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về tính tuân thủ pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế, các nguyên tắc về phát triển bền vững, xa hơn nữa là đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Với tầm nhìn 2045 Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ trong việc khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân vững mạnh và vươn tầm thế giới. Vì vậy, các tập đoàn Việt cần xác định cho mình một chiến lược kinh doanh bài bản với tầm nhìn dài hạn, xây dựng nội lực vững vàng để vượt qua những thử thách của thập kỷ mới, tận dụng được những cơ hội trên thị trường và ngày càng lớn mạnh.