Quản trị dữ liệu là thách thức lớn của doanh nghiệp

(ĐTCK) Quản trị dữ liệu đang là một thách thức của nhân loại trong thời đại công nghiệp 4.0. Nếu kiểm soát được dữ liệu tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững nhưng ngược lại nếu dữ liệu không chất lượng sẽ dễ có những tác động tiêu cực. 
Nếu kiểm soát được dữ liệu tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững Nếu kiểm soát được dữ liệu tốt, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Quản trị dữ liệu – Thách thức vượt tầm công nghiệp 4.0 vào ngày 13/12 do Công ty Orchestra Network Việt Nam và Tổ chức Smart-up.org đồng tổ chức.

Quản trị dữ liệu là một lĩnh vực rất mới ở châu Á cũng như Việt Nam, trong đó, thách thức đầu tiên là làm sao để các doanh nghiệp, tổ chức… hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị dữ liệu trong sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Pierre Bonnet, Giám đốc vận hành Orchestra Networks, Giám đốc điều hành công ty Orchestra Networks Việt Nam - một trong ba công ty trên thế giới có cung cấp giải pháp quản trị dữ liệu MDM (Master Data Management) cho biết, dữ liệu biết nhiều về chúng ta hơn chúng ta biết về dữ liệu và chúng phát triển nhanh đến mức chúng ta đang phải “vật lộn” để theo sát được quá trình đó. Nếu sử dụng đúng cách, chúng có thể hỗ trợ làm tăng khả năng trí tuệ của con người. Tuy nhiên, nó có mặt trái khó lường khi quản trị không tốt dữ liệu. 

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Học viện AI Việt Nam cho biết, AI (trí tuệ nhân tạo) đang hiện hữu mọi ngóc ngách của cuộc sống con người, thậm chí nó có thể thay đổi cả chính sách kinh doanh và phát triển của một doanh nghiệp, nó có thể tối ưu mọi thông tin, thay con người nghe, đọc, nhìn, đưa ra chiến lược, cách tiếp cận vấn đề...

Khi sử dụng dữ liệu mà không có kiểm soát, chính dữ liệu sẽ quay lại bủa vây chúng ta 

Mặc dù AI rất khó khái niệm cụ thể, nhưng hiện nay, cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào AI, và nó được ví như một thứ “dầu mỏ” mới. Một ví dụ đơn giản nhất là khi chúng ta sử dụng mạng xã hội facebook, AI tự động nhận dạng người trong ảnh và tự gắn tên người đó trong các bức ảnh, tài liệu có người đó. Để làm được việc này, AI phải có dữ liệu, càng nhiều dữ liệu càng tốt và đặc biệt phải là dữ liệu có chất lượng. 

Theo ông Hoài, khi có nhiều dữ liệu có chất lượng, doanh nghiệp đó sẽ chiến thắng, ngược lại nếu dữ liệu không chất lượng, khi AI nhận dạng hoặc đưa ra kết luận có sự nhầm lẫn thì lúc này rất khó đổ lỗi cho ai. Còn khi sử dụng dữ liệu mà không có kiểm soát, chính dữ liệu sẽ quay lại bủa vây chúng ta, thậm chí có thể dẫn tới một sự phát triển không bền vững.

Chính ông Pierre Bonnet cũng thẳng thắn nhìn nhận con người phải quản lý được dữ liệu, nếu không quản lý được đồng nghĩa với việc không quản lý được doanh nghiệp của mình.

Trong kho dữ liệu sẽ có dữ liệu xấu, dữ liệu giả cần được phân tích và kiểm soát để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội, nếu không kiểm soát được dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.

“Ranh giới giữa ứng dụng tích cực hoặc tiêu cực của Big Data và AI rất mong manh. Một mặt, xã hội tiếp tục tăng trưởng chóng mặt để đáp ứng nhu cầu của mình bằng cách loại bỏ các ảnh hưởng từ bên ngoài, và Big Data và AI được sử dụng để theo đuổi một sự phát triển không bền vững cho hành tinh này. Mặt khác, xã hội sử dụng Big Data và AI để thúc đẩy tăng trưởng tương thích với một hành tinh bền vững, phục vụ tất cả mọi người như nhau, và tận dụng lợi thế của việc quản lý kiến thức tốt hơn”, CEO Orchestra Network Việt Nam khẳng định.

Theo các chuyên gia công nghệ, sự thiếu sót trong công nghiệp 4.0 hiện nay đó là rất khó quản lý dữ liệu vì hiện dữ liệu có mặt khắp mọi nơi, chưa có sự kết nối dữ liệu với dữ liệu, dữ liệu với con người, cách phân biệt dữ liệu thật hay giả... Điều này cần phải được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp... đặc biệt chú trọng trong hiện tại và tương lai.

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quản trị dữ liệu để thúc đẩy tăng trưởng 

Để khuyến khích phát triển bền vững, các nhà chính trị gia và quản lý cấp cao phải nhận thức hệ thống thông tin một cách chiến lược. Sự thịnh vượng của một doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng quản lý thông tin như một tài sản thực thụ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, diễn giả đã cùng trao đổi đưa ra các giải pháp phù hợp trong quản trị dữ liệu.

Bà Tyna Giang Huỳnh – CEO Biophap đã xây dựng một hệ thống thông tin mà nhà sản xuất có thể cập nhật thông tin sản phẩm minh bạch, từ đây kiến tạo môi trường chia sẻ và kết nối, tăng niềm tin và thay đổi hành vi tiêu dùng bền vững cho khách hàng và kéo theo đó là việc hình thành chuỗi giá trị bền vững cho xã hội. BioPhap đã áp dụng quản lý dữ liệu từ trang trại đến tay người tiêu dùng, giúp khách hàng tiếp cận với thông tin minh bạch và công bằng.

Lựa chọn quản trị dữ liệu một cách thông minh phù hợp với định hướng doanh nghiệp sẽ đảm bảo cho sự ổn định và hữu ích của hệ thống, hay nói cách khác đảm bảo cho việc phát triển “lành mạnh”.

Sự kiện đã cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những kiến thức, thông tin thiết thực về quản trị dữ liệu cùng những áp dụng các công nghệ mới của AI, Blockchain, iOT trong quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Đồng thời đưa ra các trường hợp cụ thể về quản trị dữ liệu để người dùng nắm bắt được những mối nguy hại, hệ quả của dữ liệu kém chất lượng, từ đó đưa ra định hướng tốt hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục