Doanh nghiệp địa ốc trước làn sóng Digital Transformation

(ĐTCK) Chuyển đổi kỹ thuật số (Digital Transformation) trong sự lan tỏa của Công nghiệp 4.0 không còn là lựa chọn, mà là hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Doanh nghiệp địa ốc trước làn sóng Digital Transformation

Sức lan tỏa của làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số

"Kỹ thuật số" là một cụm từ không còn xa lạ, mà đã xuất hiện cách đây cả chục năm, với nội hàm thuộc rất nhiều vấn đề. Chính vì vậy, từ trước tới nay xuất hiện khá nhiều định nghĩa dành cho cụm từ "kỹ thuật số", đó có thể là một loại công nghệ, số khác lại nghĩ rằng đó là cách thức mới để tiếp cận khách hàng và cũng có những cách hiểu cho rằng, đó là đại diện của một phương thức kinh doanh mới.

Tuy nhiên, tựu chung lại, nó có một ý nghĩa quan trọng là sự chuyển đổi kỹ thuật số có thể thay đổi hoàn toàn cấu trúc xã hội, từ kinh tế, chính trị đến cả văn hóa - xã hội. Và bất kể doanh nghiệp nào cũng phải thay đổi mình khi sự chuyển đổi kỹ thuật số xảy ra nếu không muốn đào thải khỏi thị trường.

Lấy một ví dụ điển hình nhất về sự chuyển đổi kỹ thuật số mà chúng ta đã từng biết là khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Vào ngày 9/1/2007, Steve Jobs với bộ quần áo giản dị đã bước lên sân khấu và có một trong những bài thuyết trình tuyệt vời.

Ông nói rằng, mình sẽ giới thiệu một chiếc iPod màn hình rộng điều khiển bằng cảm ứng, một chiếc điện thoại di động mang tính cách mạng và một sự đột phá của thiết bị Internet. Tuy nhiên, thứ ông giới thiệu không phải là 3 sản phẩm riêng biệt, mà chỉ có một sản phẩm duy nhất, đó chính là chiếc iPhone.

Rất hiếm có công ty nào có thể làm "cách mạng" cả ngành công nghệ, nhưng Apple đã làm được những hai lần: Máy tính Mac và máy nghe nhạc cá nhân iPod. Với iPhone, đây sẽ là lần thứ ba của họ.

Đầu tiên, họ loại bỏ bàn phím vật lý và bút stylus, những tính năng đã tồn tại trên các máy BlackBerry, Motorola hay Palm ở thời điểm đó. Tiếp đến, Steve Jobs giới thiệu giao diện người dùng có thể tương tác chỉ với đầu ngón tay của mình, cùng với tính năng đa nhiệm cho phép người dùng di chuyển liên tục từ các ứng dụng nghe nhạc, gọi điện, duyệt web và ngược lại.

Đó là những công nghệ hiện đã trở nên phổ biến trong ngành công nghiệp điện thoại di động, nhưng ở thời điểm đó, những gì mà Apple làm được trên iPhone trông như được lấy ra từ phim khoa học viễn tưởng vậy.

Apple cho biết: "iPhone là một sản phẩm mang tính cách mạng và đi trước những điện thoại khác ít nhất là 5 năm. Tất cả chúng ta khi sinh ra đều được sở hữu một "công cụ trỏ" - ngón tay của chúng ta - và iPhone sẽ dùng chúng để tạo nên một giao diện người dùng mang tính cách mạng nhất kể từ khi chuột máy tính ra đời".

Trước năm 2007, các công ty đều thiếu một chiến lược về di động và sau sự xuất hiện của iPhone, họ đã có một chiến lược mới, một chiến lược mà tới nay mọi thứ từ gọi điện, nhắn tin, tra cứu, thanh toán, xử lý công việc…, đều chỉ cần qua chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Tất nhiên, iPhone không phải là toàn bộ của sự chuyển đổi kỹ thuật số, nhưng nó là chìa khóa mở cửa để cả thế giới bước vào sự chuyển đổi kỹ thuật số với sự xuất hiện của mạng xã hội, với sự xuất hiện của Internet kết nối vạn vật, của Big Data và của trí tuệ nhân tạo…

Để bắt kịp làn sóng chuyển đổi số

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN (WEF ASEAN) diễn ra cách đây không lâu tại Hà Nội, Việt Nam không chỉ tham gia với các quốc gia khác để kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, mà còn để thảo luận về những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ làm tăng thôi thúc chuyển đổi số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này còn mang lại niềm vui cho các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Một báo cáo gần đây của Microsoft và IDC mang tên "Mở khóa tác động kinh tế của chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á - Thái Bình Dương" đã chỉ ra rằng, 84% lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Nam Á thừa nhận cần phải chuyển thành "doanh nghiệp số" để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, công nghệ cũng sẽ sắp xếp lại thị trường lao động trong tương lai.

Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Kindsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức sẽ có khoảng 800 triệu người sẽ mất việc.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ dẫn đến sự sự biến đổi kinh tế nói chung và để đảm bảo ứng dụng công nghệ phù hợp, tất cả hãy bắt đầu từ con người. Tất nhiên, từ vấn đề đưa ra khái niệm đến nhận thức và hành động là một quá trình rất dài. Đặc biệt, với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tư duy định hình chiến lược vẫn là một điểm yếu thì bắt kịp với sự chuyển đổi chuyển đổi kỹ thuật số trong sự lan tỏa của công nghiệp 4.0 như thế nào và ra sao vẫn chưa thể nói trước được.

Đối với một lĩnh vực đặc thù như bất động sản, thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã thấy có sự chuyển đổi kỹ thuật số từ thay đổi sang marketing online, đến áp dụng các công nghệ tiêu dùng như Thực tế ảo (VR) và công nghệ phục vụ người sử dụng như Smarthome. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động chuyển đổi số này vẫn chưa thực sự rõ nét và nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay phần nào vẫn bị ảnh hưởng với các tư duy truyền thống thời 1.0 và 2.0, dẫn đến khó thích nghi khi 3.0 và 4.0 đến quá nhanh.

Ngoài ra, nguồn nhân lực dành cho các doanh nghiệp địa ốc để bắt kịp chuyển đổi kỹ thuật số thực sự là không cao. Bởi lẽ, không chỉ đòi hỏi về tư duy, mà nhân lực còn đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng tổng hợp đa ngành, đa nghề bên cạnh những kiến thức cơ bản về kỹ thuật số, chuyển đổi số…

Dẫu vậy, như đã nói ở trên, chuyển đổi kỹ thuật số thời 4.0 không còn là lựa chọn, mà là hướng phát triển tất yếu của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Đặc biệt, hiện nay, xây dựng lòng tin về kỹ thuật số sẽ rất quan trọng, bởi các thách thức về quản trị rủi ro đang gia tăng cùng với việc lĩnh vực bất động sản nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Khi áp dụng các chuẩn mực minh bạch mới, các doanh nghiệp địa ốc sẽ phải xem xét kỹ quá trình quản trị dữ liệu của họ và lựa chọn chiến lược đúng đắn để nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro trong thời đại kỹ thuật số.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Môi giới bất động sản Việt Nam/Fouder King Broker/Co Founder Batdongsan.vn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục