“Quản trị DN bảo hiểm cũng giống như chăm chút một đội bóng”

(ĐTCK) Vừa trở về từ Hội nghị các Giám đốc tài chính trong ngành bảo hiểm châu Á lần thứ 7, diễn ra ở Hồng Kông, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Khối quản lý tài chính Tập đoàn Bảo Việt, chia sẻ với Báo ĐTCK về ấn tượng đặc biệt sau chuyến đi.
“Quản trị DN bảo hiểm cũng giống như chăm chút một đội bóng”

Ông Phong khẳng định “Quản trị DN cũng giống như việc chăm chút cho nhiều vị trí khác nhau của 1 đội bóng đá. Nếu các vị trí hậu vệ và thủ môn không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì kết quả thi đấu của đội bóng sẽ không được như ý, thậm chí thất bại, dù cho các vị trí tiền đạo có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Quản trị DN bảo hiểm cũng giống như chăm chút một đội bóng” ảnh 1

Ông Lê Hải Phong: "Đã đến lúc chúng ta cần có những thay đổi và nhìn nhận đúng đắn hơn, quan trọng hơn về vai trò của quản trị rủi ro"

Chủ đề chính của Hội nghị lần này là “Vai trò của giám đốc tài chính (CFO) trong việc ngăn ngừa rủi ro kinh doanh”. Phải chăng, vai trò của CFO ở các doanh nghiệp bảo hiểm đang nổi lên trong giai đoạn hiện nay?

Đây là chủ đề mới nhưng một số nội dung có sự kết nối từ những hội nghị trước. Chủ đề lần này diễn ra trong bối cảnh:

Thứ nhất, các nền kinh tế đều có sự biến động thời gian qua và kéo dài đến hiện tại, khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm chịu nhiều rủi ro.

Thứ hai, sự ấm lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và môi trường đang ngày càng đe dọa hoạt động kinh doanh nói chung và trực tiếp là ngành bảo hiểm vì đây là ngành kinh doanh rủi ro.

Thứ ba, sản phẩm, kênh phân phối bảo hiểm ngày càng đa dạng do yêu cầu của khách hàng và mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp bảo hiểm - ngân hàng - quỹ đầu tư và quản lý tài sản... để cùng liên kết tạo hiệu quả cho nhau. Do vậy, nếu không có những chiến lược tốt thì sẽ chịu rủi ro về phát triển kinh doanh.

Thứ tư, trước sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày càng nhanh cùng với tính hiệu quả của các mạng truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng di động, điện toán đám mây, khai thác cơ sở dữ liệu..., cần có sự chuyển mình của ngành bảo hiểm để tạo sự thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Vì vậy, các thách thức đổi mới đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp bảo hiểm ngày càng nhiều.

Thứ năm, yêu cầu về quản lý ngành bảo hiểm ngày càng cao để tránh sự đổ vỡ dây chuyền, trong đó có các yêu cầu về vốn, tài sản, tài chính doanh nghiệp bảo hiểm và sức mạnh tài chính (thể hiện qua mức độ xếp hạng tín dụng) ngày càng được chú trọng quan tâm.

Tất cả những rủi ro nói trên cần sự đối mặt vững chắc và tự tin của doanh nghiệp bảo hiểm và do đó, vai trò của giám đốc tài chính là hết sức quan trọng, vì giám đốc tài chính luôn phải tham gia vào những công việc này.

 

Có sự khác biệt nào trong nhóm rủi ro kinh doanh được đưa ra tại Hội nghị với rủi ro kinh doanh tại thị trường Việt Nam hay không?

Dưới góc độ quản trị tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, các khía cạnh rủi ro được đưa ra bàn thảo ở Hội nghị lần này có những điểm giống và khác với thực trạng của Việt Nam .

Điểm giống là việc cần quản trị tốt các tài sản đầu tư tài chính - bộ phận đem lại lợi nhuận lớn nhất, gắn liền với hoạt động bảo hiểm của doanh nghiệp để đảm bảo cân đối giữa rủi ro và lợi nhuận ở mức hợp lý và xây dựng các chương trình tái bảo hiểm bảo vệ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm và về chiến lược sản phẩm và kênh phân phối.

Điểm khác là ở nhiều thị trường tiên tiến trong khu vực, công tác quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp đã có nhiều bước tiến lớn so với những gì chúng ta đang có.

 

Cụ thể của những bước tiến đó là gì, thưa ông?

Chẳng hạn, việc chú trọng nhiều đến các nội dung về "vốn dựa trên rủi ro – risk based capital (RBC)" để đảm bảo trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; về mô hình phân bổ tài sản trong doanh nghiệp bảo hiểm và chiến lược đầu tư, quản lý tài sản; về Solvency II (Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của Solvency I: chú trọng đến biên khả năng thanh toán nhưng chưa chú trọng nhiều đến quản trị rủi ro và minh bạch hóa thông tin, quản trị doanh nghiệp như yêu cầu khắt khe hơn của Solvency II); về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế về hợp đồng bảo hiểm (IFRS 4) - Giai đoạn II - đối với những yêu cầu rất chi tiết và khắt khe của việc tách biệt về tài sản, trách nhiệm trong những cấu phần của hợp đồng bảo hiểm; về phân tích, lượng định rủi ro và gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; về công tác nâng cao năng lực tài chính thông qua cấn đối giữa Tài sản nợ -Tài sản có (ALCO) và xếp hạng quốc tế về sức mạnh tài chính doanh nghiệp.

 

Ngăn ngừa rủi ro trong kinh doanh thật không dễ, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Theo ông, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt nói chung và CFO doanh nghiệp bảo hiểm Việt nói riêng phải làm gì để vượt qua khó khăn đó?

Quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro tài chính nói riêng là phục vụ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quản trị rủi ro cần có khung quản trị rủi ro, mô hình quản lý rủi ro, chương trình quản lý rủi ro, hệ thống quản trị rủi ro doanh nghiệp, khẩu vị rủi ro (risk appetite) và mức độ chịu đựng của doanh nghiệp (stress testing), các chương trình bảo vệ doanh nghiệp thông qua tái bảo hiểm và các mô hình bảo vệ trong trường hợp rủi ro thảm họa (động đất, sóng thần, lũ lụt...).

Nhìn chung, để quản trị rủi ro, cần có rất nhiều công việc phải làm trên cơ sở những nghiên cứu điều tra, thống kê hết sức tỷ mỉ, thận trọng, cùng các mô hình hỗ trợ phù hợp trên phạm vi quốc gia và khu vực, có khi cả trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, cần có sự kết hợp giữa những yếu tố định tính và định lượng; giữa tính độc lập, khách quan của người làm công tác quản trị rủi ro và mối quan hệ phù hợp với quản lý và hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Do vậy, việc quản trị rủi ro là một công việc khá khó khăn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam , kể cả dưới giác độ về nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm về công tác này.

Để có thể vượt lên những khó khăn đó, theo tôi, có những cách sau: trước hết là "nhập khẩu" công nghệ từ các đối tác, các tổ chức tư vấn có uy tín quốc tế và khu vực thông qua các hợp đồng tư vấn và chuyển giao năng lực; sau đó các doanh nghiệp phải tự đào tạo từ trong nước và ngoài nước nguồn nhân lực về quản trị rủi ro (đây là một chương trình dài hơi liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhân tài); và đặc biệt là cần phải có sự thấu hiểu, quan tâm sát sao, nhận thức đúng tầm của các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp về tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của quản trị rủi ro doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm - tổ chức kinh doanh rủi ro - nói riêng.

Cũng giống như trong một đội bóng có nhiều vị trí khác nhau, nếu các vị trí hậu vệ và thủ môn không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì kết quả thi đấu của đội bóng sẽ không được như ý, thậm chí thất bại, dù cho các vị trí tiền đạo có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đã đến lúc chúng ta cần có những thay đổi và nhìn nhận đúng đắn hơn, quan trọng hơn về vai trò của quản trị rủi ro để có sự chuyển biến về chất lượng quản trị doanh nghiệp và có được những rào chắn chắc chắn hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Hội nghị các giám đốc tài chính trong ngành bảo hiểm châu Á là sự kiện sinh hoạt nghề nghiệp hàng năm của các cá nhân làm việc trong lĩnh vực tài chính của ngành bảo hiểm với nhau và với các bên có liên quan, gồm: các hiệp hội về bảo hiểm, các hiệp hội về Actuary (chuyên gia định phí bảo hiểm), các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm, các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, các tổ chức tư vấn, các tổ chức quản lý quỹ và tài sản - đầu tư, các tổ chức đào tạo, các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp, các tổ chức kiểm toán độc lập, các cơ quan thông tin đại chúng... trong khu vực châu Á và một số nước có liên quan như: Hoa Kỳ, Úc, Vương quốc Anh, Đức, một số nước châu Phi.

Kim Lan thực hiện.
Kim Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục