Một số ý kiến quan ngại việc phân bổ vốn đầu tư của Nhà nước vào sản xuất - kinh doanh, nhất là vào khu vực DNNN hiện vẫn dàn trải, thiếu chặt chẽ, nên hiệu quả đồng vốn đầu tư của Nhà nước chưa cao. Ông có mối lo ngại tương tự?
Việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước như thế nào cho hiệu quả là một bài toán khó. Vấn đề này phải được giải quyết ở tầm vĩ mô, bởi phải định ra quyết sách rõ ràng về việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào ngành, khu vực nào sao cho mang lại hiệu quả cao nhất.
Với mục tiêu như vậy, theo cảm nhận của tôi, Dự thảo luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN được xây dựng nhằm cố gắng khắc phục hiện trạng phân bổ nguồn lực đầu tư của Nhà nước dàn trải, thậm chí không đúng đối tượng, cũng như tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan, không hiệu quả như thời gian qua, dẫn đến bộc lộ sự lúng túng trong quản trị đồng vốn đầu tư của Nhà nước vào DN… Đó là chưa kể quy trình phân bổ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vẫn chưa chuẩn, thiếu chặt chẽ. Kết cục là việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại các DN không có cơ sở tốt để quản trị, nên kém hiệu quả.
Vậy theo ông, Dự thảo luật đã đưa ra các cơ chế đủ hữu hiệu để khắc phục những hạn chế trên hay chưa?
Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra là có quy định cụ thể về đầu tư vốn nhà nước, thì dự thảo luật này lại chưa đáp ứng được. Đó là quy định rõ chức năng của nguồn vốn nhà nước theo hướng nó làm việc gì, làm với quy mô ra sao, có gì khác nhau giữa các giai đoạn phát triển…
Chúng ta đi lên từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, trong đó Nhà nước việc gì cũng làm. Đà này vẫn còn mạnh, nên khi chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, có lúc Nhà nước chưa muốn chia việc cho các khu vực ngoài Nhà nước thực hiện. Điều này có thể xuất phát từ lý do nhiều cơ quan quản lý còn có tâm lý cho rằng, khu vực ngoài Nhà nước còn kém quá, hoặc e ngại họ sẽ là đối thủ cạnh tranh bất lợi, nên vẫn muốn “ôm” nhiều việc. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho việc sử dụng đồng vốn đầu tư của Nhà nước chưa cao.
Để khắc phục tình trạng trên, Dự thảo luật cần mạnh dạn đề xuất các quy định theo hướng bám sát đặc trưng vận hành của cơ chế thị trường, nhằm góp phần thúc đẩy cấu trúc lại hệ thống kinh doanh; trong đó, Nhà nước chủ yếu làm công việc hỗ trợ thị trường, chứ không phải đi kinh doanh. Việc Dự thảo luật định ra các luật chơi minh bạch, sòng phẳng trong phân bổ, sử dụng đồng vốn đầu tư của Nhà nước sẽ mang lại lợi ích kép. Đó là vừa giúp nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư của Nhà nước, vừa khắc phục tình trạng “chèn lấn” của DNNN lên khu vực DN tư nhân như hiện nay.
Thực tế, vì sự “chèn lấn” này mà khu vực DN tư nhân đang thiếu cơ hội để phát triển. Hệ quả là trong khu vực DN này xuất hiện không ít lực lượng “ăn theo”, thiếu chiến lược phát triển bài bản, dài hơi, để có thể lớn mạnh nhanh hơn.
Ngoài hạn chế chưa định rõ được chức năng của đồng vốn nhà nước, theo ông, Dự luật còn “bỏ qua” những điểm quan trọng nào?
Khi không định rõ được chức năng của đồng vốn nhà nước, thì rất khó quy trách nhiệm cho các bên liên quan đến quá trình quyết định đầu tư, cũng như tổ chức sử dụng các khoản vốn đầu tư. Hàm ý trách nhiệm ở đây có hai khía cạnh. Thứ nhất là Nhà nước giao trách nhiệm cho các đối tượng cụ thể. Thứ hai, tương ứng với những việc được giao ấy là trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể đi kèm.
Trong khi đó, Dự thảo luật mới chỉ đặt nặng giao việc cho các đối tượng là đại diện phần vốn nhà nước làm gì, còn họ làm việc này tốt hay không tốt, thì Dự thảo lại chưa quy định rõ sẽ được khen thưởng hoặc chịu các hình thức xử lý nào. Đây là vấn đề ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý, bởi luật chơi thị trường rất rành mạch giữa trách nhiệm và quyền lợi.
Nếu Dự luật không khắc phục được tình trạng trên, thì sẽ khó giải quyết được một “căn bệnh” tồn tại suốt thời gian dài là tuy Nhà nước giao việc cho các DNNN, nhưng khi có chuyện xảy ra, thì do cơ chế kiểm soát trách nhiệm còn lỏng lẻo, nên khó truy trách nhiệm đến các địa chỉ cụ thể.