“Chúng tôi không xây dựng nổi luật quản lý vốn nhà nước…”

(ĐTCK) Ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ như vậy tại hội thảo tham vấn cho Dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, do Bộ Tài chính, Ủy ban kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (4/4).
“Chúng tôi không xây dựng nổi luật quản lý vốn nhà nước…”

“Khi còn làm việc cách đây 7-8 năm, tôi cũng đã hình dung về đạo luật này, nhưng vì đây là luật khó, nên chúng tôi không làm nổi…”, ông Tá nói và nhìn nhận, dự thảo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, chưa đáp ứng được mong đợi trong góp phần thúc đẩy cải cách DNNN.

Nhận xét trên của ông Tá cũng là đánh giá của nhiều chuyên gia tham dự hội thảo. Lý do là bởi vấn đề quan trọng nhất mà luật chưa làm rõ được là quan điểm có chuyển từ mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước sang mô hình cổ đông sở hữu hay không. Có nghĩa là ngay cả khi DNNN do nhà nước nắm giữ 100% vốn, thì nhà nước cần ứng xử với tư cách là cổ đông, chứ không phải với tư cách là cơ quan quản lý. Làm rõ quan điểm này, thì mới tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước, đồng thời tạo tính tự chủ cho hoạt động của DNNN, tránh tình trạng nhà nước can thiệp sâu vào hoạt động của DN…

Để đảm bảo tính khả thi cho luật, ông Tá đề nghị dự luật cần quy định chi tiết 4 quyền quan trọng của đại diện chủ sở hữu là: quyền về đề cử nhân sự tham gia hoạt động điều hành DN; quyết định phương hướng sản xuất, kinh doanh; phương thức quản lý vốn và tài sản của nhà nước tại DNNN; quyền kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả làm ăn của DNNN.

“Dự thảo luật chưa quy định chi tiết trách nhiệm giải trình, cũng như nghĩa vụ minh bạch của DNNN, trong khi đây đang là những lỗ hổng đáng quan ngại…”, ông James Colvin, Chuyên gia tư vấn của WB nhìn nhận, đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần khắc phục hạn chế này bằng các quy định cụ thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, tuy dự thảo luật được chuẩn bị cách đây 2 năm, nhưng vì tính chất phức tạp và độ khó của nó, nên còn nhiều ý kiến khác nhau. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện dự thảo, để trình Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 5 tới.

“Mục tiêu cao nhất khi xây dựng Luật này là quản lý, phát huy cao nhất phần vốn nhà nước đầu tư tại DN. Thông qua luật này, nhà nước áp đặt các chế tài cụ thể đối với DNNN…”, ông Hiếu nói và cho biết thêm, cái khó khi xây dựng luật này là phải vừa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tái cơ cấu DNNN từ nay đến năm 2015, đồng thời đáp ứng các đòi hỏi về quản lý một lượng DNNN không nhiều, nhưng sẽ có nhiều thay đổi sau năm 2015… Bởi vậy, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này, Bộ Tài chính mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, để khi luật được ban hành vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, vừa có tính khả thi cao.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục