Bất cập Dự luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

(ĐTCK) Dự kiến, hôm nay (17/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN. Tuy nhiên, ngay ở “cửa” Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dự luật này đã bị chỉ ra nhiều bất cập.
Bất cập Dự luật đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Có vẻ như sự chưa rõ ràng trong các quy định, giải thích về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, sự mơ hồ trong việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu vẫn là những tồn tại khá lớn trong Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thẩm định Dự án luật tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây cho rằng, phạm vi điều chỉnh về khái niệm vốn đầu tư nhà nước được đưa ra trong Dự thảo còn khá mơ hồ, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau. Từ đó, một mặt dẫn tới sự chồng chéo với luật khác, nhưng mặt khác lại không đủ bao quát để quy định đầy đủ phạm vi mà Luật điều chỉnh.

Theo ông Ngô Quang Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cách quy định và giải thích không rõ ràng khái niệm vốn đầu tư nhà nước trong Dự án luật sẽ dẫn tới sự chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, vốn cũng quy định về đầu tư của Nhà nước và các chương trình, dự án đầu tư công. Trong đó, vốn đầu tư công được hiểu là vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn trái phiếu chính phủ, các nguồn tín dụng khác.

Ở góc độ khác, bà Hoàng Thị Tư, đại diện Ủy Ban kinh tế Trung ương lập luận, phạm vi điều chỉnh được quy định tại Dự luật là quá hẹp, không đủ bao quát để điều chỉnh các loại vốn của Nhà nước.

“Tuy phạm vi điều chỉnh là vốn đầu tư nhà nước vào DN và vốn đầu tư nhà nước tại DN, song phần giải thích từ ngữ không nói rõ khái niệm vốn đầu tư nhà nước vào DN như thế nào. Trong vốn của Nhà nước tại DN không chỉ có vốn đầu tư mà còn có vốn lưu động hoặc các loại vốn khác thì cũng phải có sự quản lý. Do đó, nếu chỉ giới hạn phạm vi điều chỉnh là vốn nhà nước đầu tư tại DN thì sẽ không bao quát hết được các loại vốn của nhà nước tại DN”, bà Tư nói.

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Saigon Coop Mart cho rằng, Dự thảo luật nên có hướng tiếp cận một cách đơn giản, thực chất và đúng mục đích, tránh phức tạp hóa. Theo ông Hòa, giới hạn phạm vi điều chỉnh cần hiểu đơn thuần là Nhà nước có một khoản vốn đầu tư vào DN, và vấn đề đặt ra là quản lý khoản vốn đó như thế nào cho hiệu quả. Với cách tiếp cận đó, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại DN nên được xây dựng để giải quyết 2 vấn đề: Nhà nước đầu tư vốn vào đâu và quản lý như thế nào?

Đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam lại cho rằng, việc Dự thảo luật chỉ giới hạn phạm vi đối tượng các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết hiện nay. Hiện vẫn còn lỗ hổng lớn trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào đối tượng là DN mà Nhà nước nắm giữ cổ phần, các DN có vốn nhà nước đầu tư theo  hình thức kết hợp công tư, cũng như chưa có quy định việc giám sát, quản lý đại diện vốn nhà nước trong các DN cổ phần - vốn là một yếu tố rất quan trọng hỗ trợ thực hiện lộ trình cổ phần hóa các DNNN. Do đó, dự luật này rất cần bổ sung phạm vi, đối tượng điều chỉnh là tất cả các DN có vốn nhà nước để tạo hành lang pháp lý và cơ sở điều chỉnh bằng luật, giúp quản lý, bảo vệ phần vốn nhà nước trong các DN loại hình này.

Cũng bị đánh giá là còn tù mù, khái niệm đại diện chủ sở hữu trong Dự thảo gần như thiếu hẳn việc định nghĩa chuẩn xác. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về đại diện chủ sở hữu chỉ giải thích, Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu là không đủ. Nói Nhà nước, Chính phủ là đại diện chủ sở hữu thì phải giải thích rõ được Nhà nước, Chính phủ ở đây là ai, không thể chỉ giải thích một cách chung chung là Chính phủ như trong Dự thảo.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất, cần làm rõ khái niệm ai là chủ sở hữu, là Chính phủ, là các cơ quan được Chính phủ ủy quyền hay phân cấp? Nếu là phân cấp quản lý và đại diện chủ sở hữu thì cần làm rõ cấp độ nào thuộc Chính phủ, cấp độ nào phân cấp cho bộ ngành, cho UBND địa phương. Bởi có phân cấp rõ ràng mới tách được chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành và các cấp quản lý.

Mặt khác, Dự thảo luật lại quy định, cơ quan chủ sở hữu phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để thẩm định, quyết định việc bỏ vốn nhà nước đầu tư vào đâu và thực hiện như thế nào lại càng gây ra cách hiểu nhập nhằng. Quy định này nếu được ban hành sẽ không khắc phục được tình trạng Nhà nước bỏ vốn đầu tư vào DNNN theo kiểu cha chung không ai khóc, không ai quản lý được khoản vốn đầu tư. Và hệ lụy nguy hại của nó là khi xảy ra vấn đề gì thì không quy được trách nhiệm cho ai cả.

“DN tư nhân tự bỏ tiền ra thì lời ăn lỗ chịu, còn DNNN nếu không có sự xác định đại diện chủ sở hữu rõ ràng để có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thì rất khó có thể kiểm soát đồng vốn”. Bởi vậy, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, cần hình thành một cơ quan quản lý chịu trách nhiệm ở mức cao nhất, chịu trách nhiệm đúng sai trong việc ra quyết định đầu tư và kiểm soát sử dụng đồng vốn nhà nước tại DN.

“Hiện đã có mô hình của SCIC nhưng trong Dự luật lại không thấy đề cập, vậy thì liệu có tồn tại mô hình SCIC sau khi luật này ra đời hay không”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục