Quan hệ nhà đầu tư: Trăm nghe không bằng một thấy

(ĐTCK) Những cách làm mới mẻ, sáng tạo trong công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) giúp doanh nghiệp niêm yết “ghi điểm” với cổ đông, công chúng đầu tư.
Hội thảo gặp gỡ chuyên gia phân tích của POW gây chú ý với tên gọi giống tựa đề một bộ phim.

Sáng tạo không ngừng

Ba năm trở lại đây, định kỳ vào tháng 7 hàng năm, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) tổ chức hội thảo gặp gỡ các nhà đầu tư, nhà phân tích chứng khoán với chủ đề “Chuyện của POW”. Sự kiện này gây ấn tượng không chỉ vì tên gọi rất giống tựa đề một bộ phim điện ảnh nổi tiếng, mà còn vì có sự xuất hiện của cả dàn lãnh đạo chủ chốt, từ Chủ tịch Hội đồng quản trị cho tới Ban Tổng giám đốc.

Riêng tại sự kiện gặp gỡ chuyên gia phân tích năm 2022, ngoài việc cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm, PV Power còn tổ chức cho nhà đầu tư đi tham quan, tìm hiểu hoạt động của Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, khu thực địa triển khai Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Tất cả các thắc mắc của nhà đầu tư đều được lãnh đạo Công ty lắng nghe, giải đáp. Lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ cởi mở những câu chuyện trong quản lý, những khó khăn trong quá trình thu xếp vốn cho Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và các yếu tố tác động đến doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm 2022.

Thời gian gần đây, hoạt động IR của Tổng công ty IDICO (mã IDC) cũng được cộng đồng nhà đầu tư nhận xét là “sáng tạo mà gần gũi”. Mở đầu sự kiện Analyst Tour 2022, IDICO đã mời các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích, quỹ đầu tư đi tham quan các khu công nghiệp do Tổng công ty đầu tư, như Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Khu công nghiệp Phú Mỹ 2 - Phú Mỹ 2 mở rộng và Khu công nghiệp Nhơn Trạch, nơi đã thu hút nhiều nhà doanh nghiệp lớn trên thế giới như Heineken, Posco, Hwaseung đến thuê đất.

Một nội dung không thể thiếu trong các buổi gặp gỡ định kỳ này là lãnh đạo IDICO chia sẻ về định hướng phát triển của Tổng công ty ở tầm nhìn xa hơn, từ năm 2022 - 2026, đồng thời giải đáp nhiều thắc mắc của nhà đầu tư về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, quản trị, kế hoạch huy động vốn cho các dự án, kế hoạch phát triển các lĩnh vực hoạt động, lợi thế cạnh tranh của các khu công nghiệp...

Việc đưa nhà đầu tư, chuyên gia phân tích đi tham quan dự án, nhà máy, để họ được tận mắt thấy tai nghe hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Không riêng PV Power hay IDICO, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã và đang nỗ lực xây dựng kênh thông tin hai chiều với chuyên gia phân tích và nhà đầu tư.

Việc đưa nhà đầu tư, chuyên gia phân tích đi tham quan dự án, nhà máy, để họ được mắt thấy tai nghe hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, bên cạnh những buổi hội thảo, gặp gỡ chuyên gia phân tích, nhà đầu tư.

Từng được tham gia nhiều cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Trần Văn Khoa, nhà đầu tư tại Hà Nội đánh giá, hoạt động IR của nhiều doanh nghiệp gần đây phát triển mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp gần gũi hơn với nhà đầu tư.

“Chính các cuộc gặp giữa doanh nghiệp và cổ đông giúp nhà đầu tư được chính thức mục sở thị doanh nghiệp, tăng sự kết nối và gắn bó của nhà đầu tư với doanh nghiệp”, ông Khoa nói và đánh giá cao công tác IR của một số doanh nghiệp như PAN, HDG, HPG… vì chất lượng thông tin mà các công ty cung cấp ngày càng đảm bảo tính xác thực, giúp nhà đầu tư ra quyết định kịp thời.

IR tốt, doanh nghiệp “ghi điểm” với nhà đầu tư

IR là một hoạt động rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Thông qua IR, doanh nghiệp có thể mang nhiều thông tin đến cho cổ đông, nhà đầu tư, ngoài những thông tin phải công bố theo luật định, từ đó tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. IR không có nghĩa là doanh nghiệp chỉ đưa ra những thông tin tích cực của doanh nghiệp, mà là thông tin một cách chính xác, minh bạch, kịp thời đến cổ đông, nhà đầu tư.

Có cơ hội được tham gia nhiều hội nghị gặp gỡ chuyên gia phân tích tại nhiều doanh nghiệp niêm yết, bản thân người viết cũng nhận thấy hoạt động IR đã diễn ra sôi nổi hơn, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức bộ phận IR để thực hiện việc này một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh sự tự thân của doanh nghiệp thì nhiều công ty chứng khoán cũng cung cấp thêm dịch vụ IR để cùng hỗ trợ doanh nghiệp mang hình ảnh, thông tin của mình đến nhà đầu tư một cách hiệu quả hơn.

Thông qua hoạt động IR, tính minh bạch thông tin của thị trường ngày càng được nâng cao. Thông thường, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính sẽ đầu tư một cách bài bản cho hoạt động này. Có thể lấy ví dụ nhiều cổ phiếu trong rổ VN30, nhóm doanh nghiệp bất động sản hay các ngân hàng… và dường như doanh nghiệp có quy mô càng lớn càng chuyên nghiệp hơn trong công tác IR.

“Doanh nghiệp chú trọng tới việc triển khai công tác IR như một phần trong kế hoạch kinh doanh. Điều đó đã nâng cao hình ảnh, giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư”, ông Bùi Anh Quân, nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét.

Bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp gần như chưa quan tâm tới hoạt động này. Nhiều công ty thường chỉ tập trung vào kinh doanh và triển khai theo hình thức đáp ứng công bố thông tin theo luật định. Điều này khiến nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân rất khó tiếp cận được thông tin minh bạch và đầy đủ từ doanh nghiệp niêm yết.

Điều đó làm cho nhiều doanh nghiệp không được nhà đầu tư biết đến nên thanh khoản hạn chế. Ngoài ra, nhà đầu tư không có đủ niềm tin nắm giữ cổ phiếu khi thị trường biến động mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút vốn của doanh nghiệp trên thị trường vốn. Đơn cử, vào website của một số doanh nghiệp xây dựng, một số doanh nghiệp thuộc nhóm Sông Đà… sẽ thấy thông tin sơ sài, thiếu cập nhật về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp chưa đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư để hiểu nhu cầu của họ. Việc quyết định nắm giữ cổ phiếu lâu dài hay không cũng ít nhiều phụ thuộc vào tính minh bạch của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết cần có cái nhìn xa hơn trong hoạt động IR, bởi nếu IR hiệu quả còn hơn nhiều lần công tác quan hệ công chúng (PR) của doanh nghiệp”, ông Quân cho biết.

Hiện trên thị trường vẫn có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chú trọng công tác IR, có thể xuất phát từ tư duy chưa thực sự cởi mở của họ. Nhiều doanh nghiệp lại lấy lý do phải tốn thêm kinh phí, hay chưa có nhân sự phù hợp… nên không mấy mặn với công tác này. Dĩ nhiên, hệ quả là doanh nghiệp thiếu sự gắn kết của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Tạ Minh Tuyến, Giám đốc Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, việc triển khai IR tốt đem đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như nâng cao giá trị hình ảnh thương hiệu, nâng cao tính đại chúng cho doanh nghiệp, dẫn tới dễ dàng thu hút vốn và nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu khi hiểu rõ giá trị doanh nghiệp.

“Nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn cho những giá trị vô hình mà công tác IR đem lại”, ông Tuyến chia sẻ.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục