IR thay đổi mạnh mẽ hậu dịch

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ rơi vào khủng hoảng khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. 

IR thay đổi mạnh mẽ hậu dịch

Thị trường chứng khoán khắp thế giới phản ứng tiêu cực, thậm chí còn hơn cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1997-1998 và chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà chúng ta nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hơn bao giờ hết. Sẽ là ai nếu không phải là bộ phận IR hay lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp phải đứng lên để làm rõ những thắc mắc của cổ đông, nhà đầu tư về hoạt động của doanh nghiệp: Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào và đâu là giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này? Kế hoạch phục hồi, mức độ bền vững sau đại dịch thế nào? Liệu doanh nghiệp có đủ khả năng để giữ chân được nhân viên, khách hàng?…

Vietnam Airlines là một ví dụ điển hình về việc đẩy mạnh công tác IR thời dịch bệnh. Là ngành nghề ở “tuyến đầu”, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines nhanh chóng tụt dốc khi các tuyến bay quốc tế bị dừng lại từ đầu tháng 3/2020, trong khi tần suất và công suất khai thác các tuyến nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần như ngay lập tức sau đó, các lãnh đạo cấp cao nhất như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, kế toán trưởng… đã liên tục xuất hiện, đưa ra các dự báo ảnh hưởng cả về định tính lẫn định lượng, các kịch bản ứng phó và kế hoạch chuyển dịch kinh doanh trong khủng hoảng. Họ cũng liên tục truyền thông về việc cắt giảm các chi phí không cần thiết, thậm chí cắt giảm mạnh mẽ thù lao của HĐQT, ban lãnh đạo Công ty, tăng cường các buổi đàm phán với đối tác, tổ chức tín dụng, khách hàng… để đạt được các thỏa thuận hỗ trợ.

Đối với cổ đông, Vietnam Airlines đẩy mạnh công tác truyền thông đại chúng, đặc biệt hướng tới các cổ đông cá nhân, về việc hoãn chia cổ tức, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo để vận động các tổ chức tín dụng và cổ đông nhà nước hỗ trợ vay tái cấp vốn, bổ sung vốn điều lệ… nhằm đáp ứng yêu cầu dòng tiền cho kế hoạch phục hồi hậu đại dịch.

Bên cạnh chủ đề và nội dung truyền thông, quy tắc thực hiện truyền thông cũng đã thay đổi trong đại dịch. Trước đây, doanh nghiệp thường chỉ tăng cường công tác IR khi có sự kiện ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động kinh doanh. Hiện nay, với bối cảnh nhiều bất định, tần suất truyền thông liên tục sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, giúp giữ sợi dây liên lạc thường xuyên với thị trường, phát đi tín hiệu “sống sót” của doanh nghiệp và trong nhiều trường hợp sẽ giúp đi trước so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Qua đại dịch lần này, chúng ta cũng nhận thấy hình thức truyền thông trực tuyến (hội thoại, hội thảo video) phát huy hiệu quả. Nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức, công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư… dễ dàng chấp nhận tham gia đại hội cổ đông trực tuyến hay các buổi hội thảo được tổ chức online. Công ty Quản lý quỹ như SSIAM thậm chí còn ký kết hợp đồng huy động vốn thành lập quỹ đầu tư thông qua hình thức trực tuyến - một hoạt động mà chỉ năm trước thôi gần như bắt buộc phải tổ chức gặp mặt trực tiếp.

Mặc dù các hình thức tiếp xúc trực tiếp vẫn tiếp tục được ưu tiên trong tương lai, nhưng chúng ta cũng sẽ không còn bỡ ngỡ trước các hình thức giao tiếp trực tuyến như vậy. Đây là một yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi vừa có thể tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí.

Một khi hình thức trực tuyến lên ngôi thì công tác IR cũng cần phải thay đổi. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp với lãnh đạo có uy tín và minh bạch thông tin sẽ ít bị ảnh hưởng tiêu cực trong đại dịch hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Khi mà các cuộc viếng thăm doanh nghiệp thưa dần thì phong thái của lãnh đạo, nội dung các bài trình bày trực tuyến, chất lượng của phần hỏi đáp… trở thành mấu chốt để đảm bảo thành công cho hoạt động IR.

Covid-19 cũng khiến cộng đồng và doanh nghiệp chú trọng hơn đến phát triển bền vững với trọng tâm là mô hình ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp). Chúng ta đã chứng kiến nền kinh tế - xã hội mong manh như thế nào trước các khủng hoảng do thiên tai, bệnh dịch hay các sự kiện địa chính trị khác. Vì thế, các vấn đề liên quan tới môi trường, sức khỏe khách hàng/cộng đồng, hành động gắn kết xã hội… càng phải là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp và lúc này trở nên cần thiết hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây. Chúng ta có thể nhìn vào Vinamilk, Bảo Việt… như là những điển hình về sự kiên trì thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong suốt vài thập kỷ qua.

Đinh Thiện, Giám đốc Investar Research & Advisory
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục