Giao lưu trực tuyến: Công cụ “ngon, bổ, rẻ” cho hoạt động IR

(ĐTCK) Trong những ngày đầu tháng 9/2008, giá cổ phiếu Apple đã trải qua một đợt sụt giảm đáng chú ý. Tuy nhiên, giới phân tích không cho rằng điều này đến từ tình hình tài chính của Apple hay chiến lược phát triển kinh doanh có vấn đề, mà được cho là bởi CEO Steve Jobs trông ngày một gầy đi trong những lần xuất hiện công khai.
Giao lưu trực tuyến: Công cụ “ngon, bổ, rẻ” cho hoạt động IR

Ðợt suy giảm cổ phiếu của Apple liên quan đến Steve Jobs lần đó là một bài học lớn đối với những người làm trong lĩnh vực quan hệ nhà đầu tư - Investor Relations (IR), một hoạt động không đơn giản chỉ là công bố các thông tin như báo cáo thường niên, tài chính, hay tổ chức các sự kiên đối thoại, gặp gỡ nhà đầu tư, cổ đông, mà còn phải cung cấp cả những thông tin có thể gây bất lợi, nhưng nó luôn cần thiết, nhờ tạo ra sự công bằng trong định giá chủ quan cổ phiếu của nhà đầu tư.

Từ IR truyền thống tới những thay đổi trong lịch sử

IR được cho rằng ra đời tại Mỹ sau Thế chiến II, với sự bùng nổ của nền kinh tế đã tạo ra thu nhập lớn hơn trong dân chúng, biến họ trở thành những nhà đầu tư đầy tiềm năng và các công ty bắt đầu cạnh tranh mạnh mẽ, với mong muốn giành được sự lựa chọn của dòng vốn ngày càng tăng lên này.

Một trong những ví dụ nổi tiếng đi tiên phong và hình thành cấp độ ban đầu của IR là Ralph Cordiner - Chủ tịch General Electric, vào năm 1953 đã tạo dựng một bộ phận nhân lực chuyên trách tất cả các thông tin liên lạc của cổ đông.

Cho tới nay, IR được xác định có 3 giai đoạn, gắn liền với sự thay đổi căn bản của các phương tiện truyền thông và cách thức sử dụng chúng để tiếp cận với cổ đông, nhà đầu tư.

Giao lưu trực tuyến: Công cụ “ngon, bổ, rẻ” cho hoạt động IR ảnh 1

Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử đã tổ chức hơn 50 buổi giao lưu trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng

Ðầu tiên là giai đoạn 1950-1970, được gọi là “kỷ nguyên truyền thông” với hình thái cơ bản đơn thuần là cung cấp thông tin một chiều thông qua báo chí, radio, những bức thư tín trên thềm nhà và một số ít trên nền tảng truyền hình.

Giai đoạn 2, 1970-2000, “kỷ nguyên tài chính”, với trọng tâm là sự thay đổi về cách thức công bố thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng sang các cuộc họp riêng với các nhà đầu tư, cổ đông, nhà phân tích tài chính, qua đó, cho phép thông tin hai chiều được khơi thông và diễn giải đầy đủ từ cổ đông đến doanh nghiệp và ngược lại.

Tuy nhiên, kết quả của những lần gặp gỡ, trao đổi hiếm khi được sử dụng để sửa đổi các hoạt động của công ty.

Thay vào đó, nó lại được sử dụng để tạo ra những thông điệp thuyết phục hơn về mặt tài chính, mà trọng tâm là giá trị cổ phiếu với mục tiêu là tối đa hóa giá cổ phiếu càng cao càng tốt. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này, hoạt động IR vẫn được giới chủ nhiều doanh nghiệp đánh giá khá thành công.

Hiện nay, IR đang trong giai đoạn 3 (từ năm 2000) được gọi là “kỷ nguyên sức mạnh tổng hợp” với mục tiêu là cải thiện sự hiểu biết về doanh nghiệp trên thị trường, và thay đổi quan trọng hơn cả là những phản hồi từ phía nhà đầu tư được tích cực tìm kiếm, nghiên cứu, phân tích ở cấp cao nhất và kết quả được sử dụng trong việc ra quyết định và hoạch định chiến lược của doanh nghiệp. IR không còn là hoạt động hành chính đơn thuần nữa.

IR "thăng hoa" cùng Internet

Thông thường, phương thức giao tiếp duy nhất với các nhà đầu tư sau khi doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng là các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính, đại hội đồng cổ đông…

Tuy nhiên, sự thật đã được chứng minh rằng phần lớn các phương thức này thiếu hiệu quả, chủ yếu do số lượng tham dự thấp, hạn chế về mặt thời gian, tần suất mỏng cũng như các vấn đề hậu cần cần xử lý tương đối lớn.

Ngày nay, cùng sự cất cánh của Internet, với khả năng tiếp cận thông tin 24/24 và toàn cầu hóa đầu tư, các nền tảng mạng xã hội, blog, website tương tác hai chiều phát triển đã cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư ngày một xích gần lại, thấu hiểu nhau hơn.

Sự dịch chuyển công cụ thực hiện IR tại Việt Nam

Hoạt động IR tại Việt Nam còn rất mới và phần lớn bị coi là một phần mở rộng của quan hệ công chúng - PR (Public Relations) do có điểm tương đồng lớn là tạo ra truyền thông hai chiều.

Tuy nhiên, PR vốn có đặc tính quảng bá một nửa sự thật hay không đúng hoàn toàn sự thật, có thể khiến cộng đồng đầu tư bị mất niềm tin và điều này không được phép xảy ra trên thị trường cạnh tranh vốn.

Giao lưu trực tuyến: Công cụ “ngon, bổ, rẻ” cho hoạt động IR ảnh 2

Các buổi giao lưu trực tuyến do Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử tổ chức được nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đánh giá cao.

Do đó, hiểu và thực hiện IR là một thách thức, bởi như đã đề cập, nó chứa cả những sự thật có thể gây bất lợi đối với doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, IR không phải là hoạt động với mục đích tô vẽ nên một bức tranh huy hoàng giả tạo mà bản chất là cung cấp cho nhà đầu tư một cái nhìn hợp lý, chính xác về thực trạng cũng như triển vọng của doanh nghiệp và nói đến cổ phiếu không phải là giá trị cao, mà là giá trị hợp lý của chúng.

Ðể nhìn thấy hiệu quả thì IR phải là hoạt động liên tục, nhưng nếu mỗi doanh nghiệp đều làm như Ralph Cordiner, tạo ra một phòng ban chuyên trách thì nguồn nhân lực và chi phí tốn kém không ít, trong khi đó đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều là những doanh nghiệp nhỏ, kể cả đối với gần 2.000 công ty đại chúng đã đăng ký. Thách thức này là rất lớn.

Bởi vậy, việc tổ chức những sự kiện lớn như roadshow hay nhỏ hơn là giao lưu gặp gỡ, chia sẻ cơ hội với nhà đầu tư đã nằm ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp, bởi rào cản chi phí cao, cùng với những hạn chế nhất định đã nêu như số lượng tham dự, thời gian bị đóng khung, nhiều vấn đề hậu cần và tần suất mỏng…

Nhận thấy vấn đề này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn kênh giao lưu trực tuyến qua báo điện tử để thực hiện công tác IR.

Trong đó, Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử (www.tinnhanhchungkhoan.vn) là tờ báo đầu tiên kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư qua hình thức giao lưu trực tuyến.

Tại các buổi giao lưu trực tuyến thông qua Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử, hàng loạt vấn đề thắc mắc của nhà đầu tư đã được doanh nghiệp giải đáp, từ đó mang lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Ðặc biệt, việc giao lưu trực tuyến triển khai cùng lúc với nhiều doanh nghiệp, nên chi phí thực hiện được san sẻ, thấp hơn rất nhiều so với việc doanh nghiệp tự tổ chức roadshow hay sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư.

Chẳng hạn, để tổ chức một buổi roadshow hay gặp gỡ nhà đầu tư tại TP.HCM và Hà Nội, doanh nghiệp phải mất cả tỷ đồng chi phí, từ thuê địa điểm, chi phí hậu cần, nếu có thêm livestream trên facebook còn tốn thêm chi phí.

Trong khi đó, thực hiện giao lưu trực tuyến thông qua Báo Ðầu tư Chứng khoán, con số này thấp hơn rất nhiều và như đề cập ở trên, lượng nhà đầu tư tiếp cận với doanh nghiệp sẽ rất lớn do lượng độc giả của Báo Ðầu tư Chứng khoán lên tới cả triệu độc giả.

Chính nhờ tính hiệu quả đó, từ năm 2007 tới nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp tham gia các buổi giao lưu trực tuyến do Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử tổ chức.

Giao lưu trực tuyến: Công cụ “ngon, bổ, rẻ” cho hoạt động IR ảnh 3

Các buổi giao lưu trực tuyến của Báo Đầu tư Chứng khoán thu hút hàng triệu độc giả quan tâm.

Thậm chí, trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của mình, BIDV và Vietcombank đã chọn Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử để tổ chức roadshow trực tuyến.

Trong các sự kiện này, hàng nghìn câu hỏi của nhà đầu tư đã được gửi về và được lãnh đạo các ngân hàng, đơn vị tư vấn trả lời, giải đáp, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về tiềm năng của ngân hàng, qua đó góp phần giúp các cuộc IPO thành công.

Tính đến nay, sau 12 năm vận hành, Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử đã tổ chức hơn 50 cuộc giao lưu trực tuyến, giúp kết nối hàng trăm doanh nghiệp với hàng vạn nhà đầu tư, độc giả trên khắp cả nước.

Không chỉ kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư, các cuộc giao lưu trực tuyến của Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử còn giúp kết nối cơ quan quản lý (Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước) với các thành viên thị trường, đặc biệt tại những thời điểm thị trường có biến động, hoặc chính sách mới được ban hành.

Qua đó, giúp cơ quan quản lý truyền tải được thông điệp chính xác tới nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư, thị trường an tâm, phát triển ổn định.

Các buổi giao lưu trực tuyến đáng chú ý được Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử triển khai có thể kể tới như nhận diện cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán các quý trong năm, giao lưu với các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết hàng đầu (năm 2007), “Ðiểm nóng” cổ phiếu ngân hàng (2007), Chiến lược mới của các doanh nghiệp niêm yết (2008), Cơ hội từ nới room 2016…

Không chỉ trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, Báo Ðầu tư Chứng khoán cũng tổ chức giao lưu trực tuyến trong lĩnh vực bất động sản, kết nối nhiều doanh nghiệp bất động sản với nhà đầu tư, khách hàng…

Có thể nói, sau 12 năm ra đời, Báo Ðầu tư Chứng khoán điện tử (www.tinnhanhchungkhoan.vn) đã đồng hành cùng với thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư và trở thành kênh truyền thông hàng đầu được doanh nghiệp lựa chọn để kết nối với nhà đầu tư.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục