Bài toán hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hậu dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đối diện với viễn cảnh ảm đạm như hiện nay, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp. 
Bài toán hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hậu dịch Covid-19

Không chỉ là tuân thủ nghĩa vụ

Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đại chúng đã chú trọng hơn tới công tác IR, bởi họ xác định rằng, một doanh nghiệp muốn giữ chân cổ đông hiện tại và thu hút thêm nhiều cổ đông mới không thể lơ là với quan hệ nhà đầu tư. Đây cũng là kênh hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên thị trường.

Nhiều doanh nghiệp không chỉ chú trọng công bố các thông tin tài chính mà còn công bố các thông tin phi tài chính, công bố các thông tin khác ngoài phạm vi yêu cầu của Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Điểm công bố thông tin của khối doanh nghiệp niêm yết đã được cải thiện từ mức đáp ứng 64,5% các tiêu chí về công bố thông tin trong năm 2018 và tăng lên mức 69,4% trong năm 2019.

Tuy nhiên, việc đạt chuẩn về công bố thông tin như các báo cáo thường niên, các báo cáo tài chính, báo cáo tình hình hoạt động quản trị thường xuyên và kịp thời mới chỉ là một phần của điều kiện cần.

Bởi lẽ, trên thực tế, bản chất IR là hoạt động chuyên biệt trong quan hệ công chúng (PR), trong đó nhấn mạnh đến yếu tố tài chính và truyền thông trong việc xây dựng chiến lược cổ đông, công bố thông tin, quảng bá hình ảnh hoạt động doanh nghiệp, qua đó xây dựng thương hiệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ghi nhận các ý kiến trên nhiều diễn đàn về chứng khoán hiện nay, nhiều nhà đầu tư có chung nhận định, có một nguyên tắc ai cũng biết nhưng không ít doanh nghiệp lại không coi trọng đúng mức.

Đó là giá cổ phiếu của một doanh nghiệp luôn do nhà đầu tư quyết định, trong đó thông tin và diễn giải thông tin chính là nền tảng cho mọi quyết định của nhà đầu tư.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường, nhà đầu tư càng cần hơn những thông tin minh bạch, kịp thời từ phía doanh nghiệp về sức khỏe tài chính, ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động của doanh nghiệp hiện tại và tương lai, những kế hoạch, chiến lược “vượt bão” khủng hoảng, thậm chí là những thông điệp trấn an từ người đứng đầu.

Dẫu vậy, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, tại nhiều doanh nghiệp, cổ đông nhỏ chưa được đáp ứng yêu cầu này, thậm chí còn có nhiều bức xúc với cách hành xử thiếu tôn trọng từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tại phiên đại hội cổ đông thường niên 2020 của Vinaconex diễn ra cách đây không lâu, nhiều cổ đông cho biết, không cổ đông nào được chất vấn trực tiếp và các câu hỏi phải được gửi bằng văn bản đến tay chủ tọa đoàn.

Cách điều hành này đã vấp phải sự phản đối từ một số cổ đông, buộc họ phải giơ phiếu biểu quyết để yêu cầu được phát biểu chất vấn ban lãnh đạo. Song, họ đã không được toại nguyện, bao gồm cả cổ đông được ban chủ tọa đại hội ghi “nợ” phần phát biểu từ đại hội năm trước.

Bài toán hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) hậu dịch Covid-19 ảnh 1

Trong khi đó, ở đại hội cổ đông của Sacombank, việc tiếp tục không chia cổ tức một lần nữa lại được cổ đông chất vấn với thái độ khá gay gắt.

Có cổ đông kiến nghị Sacombank cần chia cổ tức để động viên cho cổ đông đã gắn bó với Ngân hàng từ nhiều năm qua. Lại có cổ đông chất vấn, Sacombank là một ngân hàng lớn mà sao giá cổ phiếu lại thấp như vậy…

Ở một trường hợp khác, tại đại hội cổ đông Tổng CTCP Phát triển khu công nghiệp Sonadezi (SNZ, UPCoM), một cổ đông đã phản ánh với Đầu tư Chứng khoán về việc đã gửi email phiếu biểu quyết tới 3 địa chỉ do Công ty cung cấp, bao gồm email của Công ty, email nhân sự phụ trách và nhận được email xác nhận rằng Công ty đã nhận được.

Cổ đông này biểu quyết không đồng ý đối với tất cả các tờ trình. Dù vậy, biên bản Đại hội cổ đông lại vẫn ghi nhận tỷ lệ biểu quyết thông qua là 100% và không ghi nhận các ý kiến chất vấn của cổ đông.

Cổ đông này cho rằng, dù bản thân ông chỉ một cổ đông nhỏ, phiếu biểu quyết của ông không thay đổi việc các tờ trình được thông qua nhưng cổ đông nhỏ cũng cần được tôn trọng…

Những bất đồng, thái độ bức xúc từ cổ đông nhỏ như trên có lẽ sẽ tránh được nếu doanh nghiệp coi trọng việc duy trì đối thoại cởi mở, thẳng thắn với nhà đầu tư.

Một doanh nghiệp làm IR tốt và bền bỉ sẽ tránh được những cú sốc, những khủng hoảng thông tin, gây tổn thương lớn cho doanh nghiệp cũng như cổ đông, nhà đầu tư, đồng thời tạo thêm niềm tin cho cổ đông, thị trường vào doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp tìm được sự đồng thuận, ủng hộ của cổ đông trong các kế hoạch kinh doanh.

Bài toán IR trong bối cảnh mới

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận, hoạt động IR trong vài năm trở lại đây đã có sự phát triển, nhưng nhìn chung công tác quan hệ nhà đầu tư của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Đa số vẫn cho rằng, chấp hành tốt theo khuôn khổ pháp luật là đủ.

Theo ông Hải, doanh nghiệp hay cụ thể hơn là lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết cần đặt mình vào vị thế của nhà đầu tư và từ đó hiểu nhu cầu của họ.

Đơn cử, với giai đoạn hiện nay, càng cần hơn các cổ đông trong chung sức, đồng lòng vượt khó, chứ không thể gây sức ép với cổ đông. 

“Chính trong những giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp nào biết làm IR tốt sẽ có khả năng tạo cho mình lợi thế vượt trội để tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không chỉ cần vốn vào thời điểm này mà cả trong tương lai”, ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Nhật Đức, Giám đốc truyền thông CTCP Công nghệ tài chính Fialda cho rằng, số lượng các doanh nghiệp niêm yết đầu tư vào hoạt động IR ngày càng gia tăng, tuy vậy, cách thức hoạt động hiện tại của đa số doanh nghiệp vẫn còn nhiều thiếu sót.

Thiếu sót đầu tiên là việc hoạt động truyền thông tài chính của các doanh nghiệp niêm yết hiện chưa xác định đủ các nhóm đối tượng.

Các doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào việc truyền tải thông tin tới các nhà đầu tư, mà không ý thức được rằng các quyết định mua bán, đầu tư trên thị trường chịu sự tác động bởi nhiều bên liên quan như cổ đông hiện hữu, chuyên viên phân tích, môi giới (broker), phóng viên tài chính, nhân viên nội bộ công ty, nhà cung cấp, đối tác, khách hàng của doanh nghiệp…

"Từ các nhà đầu tư cá nhân cho đến quỹ đầu tư đều dựa vào những thông tin hợp lý, nhận định, ý kiến của các chủ thể liên quan để ra quyết định. Một hoạt động truyền thông tài chính tốt không thể bỏ qua những đối tượng này" ông Đức nói.

Khuyến nghị được ông Đức đưa ra với các doanh nghiệp, nếu coi những con số trên báo cáo tài chính là thông tin thì người làm công tác IR phải có trách nhiệm diễn giải các thông tin đó, cấu trúc dữ liệu thành một câu chuyện đầu tư đủ sức hấp dẫn về doanh nghiệp.

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục