“Quản” bancassurance bằng phí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) gặp khủng hoảng, sau giai đoạn phát triển nóng với những thương vụ hợp tác độc quyền bảo hiểm - ngân hàng.
Nhiều ngân hàng từng có nguồn thu lớn từ việc phân phối bảo hiểm Nhiều ngân hàng từng có nguồn thu lớn từ việc phân phối bảo hiểm

“May” vì chưa hợp tác độc quyền!

Những năm trước đây, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chạy đua hợp tác độc quyền với ngân hàng để phân phối sản phẩm bảo hiểm, sẵn sàng chi ra hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nếu ngân hàng đó có lượng khách hàng lớn, mạng lưới chi nhánh rộng khắp. Ngược lại, ngân hàng cũng nỗ lực để được công ty bảo hiểm lựa chọn hợp tác, bởi nguồn thu từ hoa hồng bảo hiểm rất hấp dẫn, trong khi không phải đầu tư nhiều, chủ yếu tận dụng mạng lưới, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực có sẵn. Vì thế, danh sách các công ty bảo hiểm và ngân hàng hợp tác độc quyền ngày càng dài thêm.

Về phía công ty bảo hiểm, hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp chưa có tên trong danh sách hợp tác độc quyền như Cathay Life Việt Nam, Fubon Việt Nam, Chubb Life Việt Nam… Chính việc chưa ký hợp đồng với ngân hàng về việc phân phối độc quyền bảo hiểm đã giúp các công ty bảo hiểm không chịu ảnh hưởng trực tiếp về hoạt động kinh doanh bởi các sai phạm từ phía ngân hàng dẫn tới cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân vào thị trường bảo hiểm trong thời gian qua.

Tại một số ngân hàng, nguồn thu từ hoa hồng bán bảo hiểm ở mức cao được cho là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nhân viên ngân hàng tư vấn sản phẩm bảo hiểm không đầy đủ, không rõ ràng nhằm gia tăng sức hấp dẫn của sản phẩm, thậm chí khiến người mua nhầm tưởng đây là một sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng; có những trường hợp tự ý khai khống thông tin khách hàng, đặc biệt là người đến vay vốn ngân hàng bị “ép” mua thêm bảo hiểm như một điều kiện “ngầm”.

Các hiện tượng trên không chỉ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp bảo hiểm, mà lan ra toàn ngành, bởi niềm tin người tiêu dùng suy giảm.

Tổng giám đốc Chubb Life, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mỗi thành viên trên thị trường đều chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô và diễn biến trên thị trường, dù mức độ có thể khác nhau tùy theo quy mô kênh phân phối và hình thức hoạt động. Trong năm 2023, Công ty không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng niềm tin của người dân vào kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, nhưng các kênh phân phối truyền thống chịu tác động gián tiếp.

“Xét ở khía cạnh tích cực, tốc độ giảm doanh số khai thác mới của Chubb Life thấp hơn mức giảm khoảng 38% của toàn thị trường. Với tôi, kết quả này cộng hưởng của khả năng ứng biến linh hoạt trong ngắn hạn với sự kiên định theo đuổi chiến lược kinh doanh thận trọng và vững chắc được ban lãnh đạo doanh nghiệp thống nhất từ khi tham gia thị trường bảo hiểm cách đây 18 năm”, ông Sơn cho hay.

Trong những năm qua, Chubb Life đã gặp gỡ, thương thảo hợp tác với không ít ngân hàng, nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận một điều, doanh số từ kênh bancassurance có triển vọng lớn, nhưng rủi ro tiềm ẩn không nhỏ.

“Chúng tôi giữ vững lập trường không chạy đua về giá, không bằng mọi cách có hợp đồng độc quyền, cũng như không để hào quang của doanh số hay thị phần làm xao nhãng các cam kết về chất lượng và sự chuẩn mực”, vị CEO Chubb Life chia sẻ.

Chưa có đối tác ngân hàng độc quyền phân phối sản phẩm, nhưng Chubb Life vẫn mang lại sự thuận tiện cho nhiều khách hàng tiềm năng thông qua các kênh phân phối đại lý bảo hiểm tổ chức và đội ngũ hơn 40.000 đại diện kinh doanh. Nhờ hợp tác với các đơn vị hoạt động theo mô hình “one-stop shopping” (cung cấp giải pháp tài chính từ nhiều doanh nghiệp), kênh phân phối của Chubb Life thời gian tới kỳ vọng sẽ đa dạng hơn nữa.

Với Fubon Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Tài chính Fubon (Đài Loan, Trung Quốc), sau nhiều năm âm thầm tìm kiếm ngân hàng để ký kết hợp tác bancassurance độc quyền, có thời điểm muốn “đấu” với một công ty bảo hiểm lớn để giành quyền hợp tác, nhưng đến nay vẫn chưa chọn được đối tác.

Một nguồn tin cho biết, Fubon tại thị trường Đài Loan có doanh thu bằng doanh thu của cả thị trường bảo hiểm Việt Nam cộng lại, nên câu chuyện về chi phí phải bỏ ra để mua kênh bancassurance không phải là vấn đề, mà là do sự thận trọng.

Tương tự, Cathay Life dù âm thầm tìm kiếm đối tác ngân hàng nhưng hiện vẫn chỉ có kênh đại lý bảo hiểm truyền thống.

Quản lý chặt hơn kênh bancassurance

Những vụ “lùm xùm” trên kênh bancassurance đã kéo giảm niềm tin của người dân vào thị trường bảo hiểm nhân thọ xuống mức thấp kỷ lục.

Các vụ “lùm xùm” trong kênh bancassurance khiến doanh thu bảo hiểm nhân thọ dần tăng trưởng chậm lại rồi suy giảm. Theo đó, không chỉ các công ty bảo hiểm có kênh bancassurance, mà ngay cả những doanh nghiệp chưa liên kết với nhà băng nào cũng phải lên kế hoạch điều chỉnh, cải thiện hệ thống, phát triển nguồn nhân lực, bổ sung kênh phân phối, củng cố năng lực tài chính… nhằm ứng phó trước các khó khăn của thị trường có nguy cơ kéo dài.

Thực tế, một số thị trường bảo hiểm trong khu vực trước đây từng xảy ra biến cố trước khi đạt được sự ổn định như hiện nay. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn thị trường bảo hiểm có năm đạt 40% (giai đoạn 2001 - 2005), nhưng việc các doanh nghiệp chạy theo doanh số trong khoảng 10 năm sau đó khiến thị trường rơi vào suy thoái và mất không ít thời gian để hồi phục.

Tại Việt Nam, từ năm 2017, nhiều bài viết đã cảnh báo chi phí cho kênh bancassurance bị đẩy lên cao, báo hiệu nguy cơ mất kiểm soát ở kênh này trong tương lai. Khi đó, chi phí bán bảo hiểm qua ngân hàng bao gồm hoa hồng cho đối tác và các loại chi phí liên quan khác ở mức cao, nhất là các hợp đồng độc quyền được ký giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng, chiếm tới hơn 50% doanh thu phí sản phẩm, trong khi mức hoa hồng tối đa theo quy định của Bộ Tài chính đối với kênh đại lý là 40% (chi phí hoa hồng bảo hiểm được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu phí bảo hiểm gốc, 40% trong năm đầu tiên và từ 5 - 20% trong các năm tiếp theo).

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP, trong đó có các quy định nhằm quản lý chặt hơn kênh đại lý, đặc biệt là kênh bancassurance.

Cụ thể, tỷ lệ hoa hồng tối đa dành cho đại lý bảo hiểm năm đầu tiên giảm từ 40% xuống 30%, áp dụng kể từ ngày 1/7/2024. Việc điều chỉnh giảm tỷ lệ hoa hồng này là chưa từng có tiền lệ trước đây.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm liên kết đầu tư, Thông tư 67 bổ sung yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm.

Ngoài ra, Thông tư 67 yêu cầu, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua để giúp người mua bảo hiểm dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin, hiểu rõ hơn về sản phẩm, quyền và nghĩa vụ trước khi quyết định giao kết hợp đồng.

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục