Qua cơn thăng hoa, doanh nghiệp tôn thép lại lo khó

(ĐTCK) Một số doanh nghiệp thép cho rằng, năm 2018 sẽ không còn nhiều yếu tố thuận lợi như năm 2017.
Mức độ cạnh tranh trên thị trường tôn thép ngày càng nóng Mức độ cạnh tranh trên thị trường tôn thép ngày càng nóng

Kế hoạch lợi nhuận năm 2018 của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho niên độ tài chính 2017-2018 khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng. HSG đặt kế hoạch lãi 1.350 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện của niên độ trước, trong khi mục tiêu doanh thu là 30.000 tỷ đồng, tăng gần 20%.

Lý giải về sự thận trọng này, ông Trần Ngọc Chu, Tổng giám đốc HSG cho biết, các yếu tố thuận lợi như sự tăng giá nguyên liệu đầu vào không còn, thị trường xuất khẩu cũng không thuận lợi như trước.

Cụ thể, giá thép cán nóng đã tăng từ 450 USD/tấn lên hơn 600 USD/tấn vào cuối năm 2017 và giảm nhẹ trở lại khi bước sang 2018. Thị trường xuất khẩu sẽ khó khăn hơn do hai năm qua, các nước liên tục đánh thuế chống phá giá hàng Trung Quốc, tạo nên một khoảng trống cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Nhưng thị trường xuất khẩu luôn có những rủi ro và khoảng trống đó hiện nay cũng không còn nhiều.

Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì nguyên chủ quan tại thị trường nội địa là công suất tôn thép tăng mạnh. “Các doanh nghiệp trong ngành đều tăng sản lượng, và cả những công ty ngoài ngành cũng vào làm tôn thép. Trong khi công suất đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ”, ông Chu nói.

Quả thật, với Hoa Sen thì thách thức trước mắt không là nhỏ. Nếu như trong các năm vừa rồi, HSG đã bỏ qua các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn để gia tăng thị phần thì năm tới HSG sẽ phải đối mặt với Hòa Phát (HPG), đại gia thép xây dựng, tham gia vào thị trường tôn thép với công suất 400 triệu tấn/năm.

Điểm đáng ngại là HPG lại có Khu liên hợp Dung Quất đang đầu tư có sản phẩm đầu ra là thép cán nóng, nguyên liệu chính của tôn thép, trong khi HSG vẫn đang phải nhập khẩu.

Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Thép Nam Kim (NKG) từng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về sản lượng thép cán nóng mà NKG mua của nhà sản xuất trong nước Formosa.

Ở giai đoạn đầu đưa sản phẩm vào thị trường, nhà sản xuất này thậm chí còn bán giá thấp hơn giá nhập khẩu. Nhưng ngay cả khi bằng với giá nhập khẩu thì việc mua trong nước cũng lợi thế hơn việc nhập khẩu vì giá thép cán nóng biến động lên xuống, nhất là ở những thời điểm giá tăng giảm quá sâu.

Việc mua trong nước giúp doanh nghiệp giảm được rủi ro giá khi chờ hàng về. Trong khi NKG định hướng cơ cấu thị trường xuất khẩu và nội địa tỷ lệ 50 - 50 thì HSG với sản lượng lớn hơn lại cơ cấu tỷ lệ 70% nội địa và 30% xuất khẩu.

HSG hiểu rõ vấn đề của mình là phải nối dài chuỗi giá trị, vì vậy, tập đoàn này lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông gần đây về chủ trương xin thủ tục triển khai Dự án thép Cà Ná, Ninh Thuận và xin thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch HSG, ông Lê Phước Vũ, Bình Dương là địa phương rất tốt, nhưng nhà máy khởi đầu của HSG ở đây hiện chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong sản lượng của Công ty. Và Dự án Cà Ná, theo ông Vũ, được chấp thuận đầu tư đến đâu làm đến đấy.

Trước mắt, HSG đang tăng cường mở rộng chuỗi bán lẻ để gia tăng thị phần, chuẩn bị cho gia tăng sản lượng trong tương lai. Điều đó cũng nghĩa là HSG đang chuẩn bị đầu ra cho sản lượng của nhà máy thép cán nóng mà Tập đoàn sẽ đầu tư trong tương lai.

Là doanh nghiệp sản và kinh doanh thương mại đa dạng các mặt hàng thép, trong đó có tôn thép, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Tiến Lên (TLH) lại cho rằng, dù có khó khăn hơn, nhưng kinh tế tăng trưởng tốt thì ngành thép vẫn tăng trưởng. Dù chưa chốt kế hoạch kinh doanh năm 2018 nhưng ông Hà cho hay, doanh thu của TLH nhất định sẽ tăng trưởng. Năm 2017, TLH vẫn chi trả cổ tức khoảng 20% như mọi năm bằng tiền mặt.

Ngoài những doanh nghiệp thép niêm yết, các doanh nghiệp tôn thép tên tuổi khác trên thị trường cũng đang gia tăng quảng bá thương hiệu sau 2 năm liên tục được mùa lợi nhuận vừa qua. Mức độ cạnh tranh trên thị trường tôn thép ngày càng nóng.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục