Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) vừa công bố danh sách 10 nhà đầu tư chiến lược tham gia chào mua 30 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, với mức giá tối thiểu 27.000 đồng/CP.
Trong danh sách này có các nhà đầu tư tổ chức như Quỹ VEIL do Dragon Capiatal quản lý (Dragon hiện là cổ đông lớn của NKG), Korea Investment Trust Management Company, Manulife Vietnam, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam.
Theo thông tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, NKG đang chờ đợi tổ chức đầu cân nhắc mua khối lượng lớn hơn trước khi chốt danh sách phát hành cuối cùng, ưu tiên cho tổ chức đầu tư, rồi mới đến cá nhân.
Trên sàn, cổ phiếu NKG gần đây được giao dịch quanh mức 33.000 đồng/CP, giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối thiểu hiện thấp hơn 20% thị giá là mức chiết khấu đáng kể. Tuy nhiên, tại thời điểm xác định mức giá phát hành này, cổ phiếu NKG dao động xung quanh 30.000 đồng/CP và có thời điểm giảm xuống 28.000 đồng/CP khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 không được như kỳ vọng, do ảnh hưởng của giá thép nguyên liệu giảm.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Tổng giám đốc NKG chia sẻ, với thời gian hạn chế giao dịch 1 năm, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ chịu rủi ro nhất định, do giá thép nguyên liệu thường có biến động khó lường. Mặc dù vậy, ngành thép có triển vọng sáng. Riêng 6 tháng cuối năm, do giá thép đã phục hồi, lợi nhuận quý III và quý IV của doanh nghiệp thép sẽ khả quan, nếu giá thép được giữ vững.
Đối với doanh nghiệp ngành tôn thép, việc Formosa bán sản phẩm thép cán nóng ra thị trường là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép mua nguyên liệu của doanh nghiệp này, thay vì mua của Trung Quốc. Bởi lẽ, hầu hết các thị trường đều đánh thuế cao với hàng có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc.
Để đáp ứng điều kiện về xuất xứ, khi chưa có hàng của Formosa, các doanh nghiệp tôn thép cũng nhập khẩu thép cán nóng từ Ấn Độ, tuy nhiên nguồn gốc khó đảm bảo.
Giải quyết được bài toán nguồn gốc xuất xứ là một yếu tố quan trọng để xuất khẩu thép tăng trưởng. Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp tự chủ được nguồn phôi thép vừa cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu thép của Công ty đạt 116.000 tấn, tăng vọt so với con số 12.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của HPG là Mỹ, Canada, Úc, các nước ASEAN như Malaysia, Campuchia, Lào, Philippines. Ngoài thép xây dựng, thép cuộn rút dây, HPG còn xuất khẩu khoảng 27.000 tấn phôi thép.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL), việc thị trường các nước hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc là cơ hội cho sản phẩm ngành tôn thép Việt Nam xuất khẩu.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp thép đã thay đổi khá nhiều trong 2 năm qua. Từ thị trường Indonesia và Malaysia, xuất khẩu thép của doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ và châu Âu, khi các nước này áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc.
Những thuận lợi của thị trường thép cả ở trong nước và nước ngoài là điều kiện quan trọng để nhà đầu tư quyết định đầu tư lâu dài vào cổ phiếu ngành thép. Các quỹ của Dragon không chỉ tăng đầu tư vào NKG trong đợt phát hành lần này, mà còn vừa tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) bằng việc mua thêm 400.000 cổ phiếu vào ngày 29/8, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 5%.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng cổ phiếu HPG nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng của Công ty khi Dự án Dung Quất đi vào hoạt động. HPG vừa hoàn thành đợt huy động 5.000 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu, với giá 20.000 đồng/CP.
Sau khi kế hoạch phát hành này được thông qua, Hội đồng quản trị HPG cam kết sẽ mua toàn bộ số cổ phần nếu cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền mua. Thực tế, dù giá thép nguyên liệu biến động, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận quý II/2017, nhưng đợt phát hành của HPG vẫn thành công do thị giá cổ phiếu ở mức 30.000 đồng/CP, chênh lệch lớn với giá phát hành.
Nhiều ý kiến nhận định, triển vọng của ngành thép trong 3 năm tới khá rõ ràng, nhưng trong ngắn hạn, biến động của giá thép nguyên liệu là rủi ro lớn cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thép. Đó cũng chính là lý do khiến mức định giá cổ phiếu thép luôn ở mức thấp so với mặt bằng chung, dù đa số doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao hàng năm.