“Quả bom nhiệt hạch” thả xuống mảng môi giới chứng khoán

(ĐTCK) Thị phần môi giới chứng khoán 2019 cả hai sàn có sự biến động mạnh, diễn biến giống thị trường chứng khoán Thái Lan 2014 khi có "quả bom nhiệt hạch" được thả xuống.
“Quả bom nhiệt hạch” thả xuống mảng môi giới chứng khoán

Nhiều cuộc “đổi ngôi”

Theo công bố về thị phần môi giới năm 2019 do HOSE công bố, Top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, CW lớn nhất đều sụt giảm thị phần.

Tổng cộng, 5 công ty chứng khoán dẫn đầu mất đến 9,56 điểm phần trăm thị phần.

Danh sách Top 10 thị phần trên HOSE có thay đổi lớn khi SHS, ACBS, FPTS, BSC không được xướng tên. Thay vào đó là sự xuất hiện của Mirae Asset (4,47%), VPS (3,94%), BOS (3,13%), KIS (3,08%). Tổng thị phần của 4 công ty chứng khoán mới lên tới 14,62%.

Hai gương mặt nổi bật, có sự bứt phá mạnh là Mirae Asset Việt Nam và VPS; trong đó, Mirea Asset đã có sự tăng vốn khủng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ 2 trên thị trường, chỉ sau SSI.

Trên sàn HNX cũng có những yếu tố bất ngờ trên bảng xếp hạng thị phần quý IV và cả năm 2019.

“Quả bom nhiệt hạch” thả xuống mảng môi giới chứng khoán  ảnh 1

Cụ thể, trong quý IV/2019, ACBS bất ngờ vượt lên vị trí số 1, với thị phần 8,71%. Sự đột biến này được góp phần bởi thương vụ phát hành trái phiếu 1.400 tỷ đồng của CTCP Thương mại Hồng Hoàng để mua 60 triệu cổ phiếu ACB.

Các vị trí tiếp theo thuộc về VNDS, với 8,31% và SSI với 7,40%, trong khi HSC tụt xuống vị trí thứ 7 với 4,86%.

Trong Top 10 xuất hiện 2 cái tên mới là KIS Việt Nam, với 3,88% và SmartInvest, với 3,57%. Trong khi đó, Mirae Asset - công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc vươn lên vị trí thứ 4, với 6,68%.

Ở khối công ty chứng khoán nội, VPS tăng bậc lên vị trí thứ 5. VPS cũng là đơn vị gần như “độc tôn” trên thị trường phái sinh với thị phần lên đến 59,57% trong quý IV/2019, tính chung cả năm lên đến 49,87%.

Tuy nhiên, do đặc thù thị trường niêm yết trên HNX đa số là các mã cổ phiếu có thanh khoản và giá trị vốn hoá thấp, nên tuỳ vào chiến lược và chính sách quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán, có thể không đẩy mạnh cạnh tranh thông qua cho vay margin (vì e ngại rủi ro cao hơn so với nhiều cổ phiếu trên HOSE) để lấy thị phần như trên HOSE.

Dù vậy, tính chung cả năm 2019, SSI vẫn dẫn đầu về thị phần môi giới, ngay sau là VNDS, HSC. Mirae Asset tiếp tục lọt Top 10 thị phần trên HNX và là công ty chứng khoán vốn ngoại duy nhất góp mặt.

Theo thông tin trên thị trường, công ty chứng khoán này sẽ tiếp tục tăng vốn mạnh trong năm 2020, lên 10.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán về vấn đề này, ông Kang Moon Kyung, Tổng giám đốc Mirae Asset Việt Nam cho biết, Công ty thuộc Tập đoàn tài chính hàng đầu Hàn Quốc với tổng tài sản đang quản lý lên tới 369 tỷ USD nên việc tăng vốn hoàn toàn nằm trong khả năng.

Tuy nhiên, cụ thể giá trị tăng lên còn nằm trong lộ trình đầu tư dài hạn. Trong những năm tới, sẽ còn những đợt tăng vốn mạnh từ Tập đoàn và mục tiêu lớn nhất là cung cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Công ty chứng khoán nội đứng trước sức ép thay đổi

Biến động thị phần môi giới của các công ty chứng khoán thời gian qua đã được thị trường lý giải rất nhiều lần là bởi sự thâm nhập mạnh mẽ của các công ty chứng khoán vốn ngoại, đặc biệt là công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc.

Dĩ nhiên, khi sân chơi có thêm “người chơi” mạnh thì miếng bánh thị phần phải được san sẻ. Nhưng câu chuyện nằm ở điểm, ngay cả các “ông lớn” trong ngành cũng mất đi thị phần và thị phần cứ rơi đều hàng quý.

Ðiều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân chính, trước hết là chính sách chiêu mộ nhân sự giỏi, có giao dịch lớn của các công ty chứng khoán ngoại thực sự hấp dẫn.

Một số công ty chứng khoán nội địa trong Top 10 chia sẻ, họ bị mất đi những đội môi giới mang về giá trị giao dịch cao nhất nhì sang công ty chứng khoán ngoại.

Ðiều này đồng nghĩa rằng, nhóm khách hàng được những đội môi giới này chăm sóc cũng di chuyển theo, bởi họ vừa được “người cũ” chăm sóc vừa được hưởng lãi suất margin ưu ái hơn. Ðây là tác động mà các đơn vị đánh giá là rất lớn.

Ngoài ra, cần nhìn nhận rằng, bằng vốn mạnh, khối công ty chứng khoán ngoại đã có sự đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ và chắc chắn là đưa ra các sản phẩm hấp dẫn thông qua phí giao dịch 0%, lãi suất cạnh tranh hơn hẳn so với các công ty chứng khoán nội (vốn phải bổ trợ bằng vốn vay với chi phí đắt đỏ hơn).

Những sự đầu tư và chính sách này, không khó để nhận thấy là đánh trực diện vào nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân - chiếm đến 80% giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Và để chiếm thị phần, tấn công vào phân khúc này là hoàn toàn đúng đắn.

Nhìn lại những năm trước, khi chưa có làn sóng công ty chứng khoán ngoại đổ bộ vào thị trường, hầu như ít thấy các công ty chứng khoán có sự đổi mới vượt trội về công nghệ để gia tăng tiện ích giao dịch cho nhà đầu tư, có chăng chỉ là những đợt nâng cấp hệ thống.

Hoặc, với các sản phẩm về dịch vụ tài chính, lãi suất margin có những năm thường xuyên duy trì 14 - 15%/năm ở hầu hết các công ty dẫn đầu về thị phần, thỉnh thoảng mới có những chính sách riêng biệt về lãi suất margin ở mức 13%/năm.

Giai đoạn này, sự nổi trội nhất thể hiện ở Top 3 với những báo cáo phân tích chất lượng, hệ thống giao dịch ổn định, tư vấn tốt.

Ðây cũng là lý do những công ty trong Top 3 như SSI, HSC, VCSC luôn có được thị phần rất ổn định qua nhiều năm liền, nhờ có tệp khách hàng là các nhà đầu tư tổ chức.

Trong bức tranh mới, dù thị phần có sự sụt giảm, nhưng mặt bằng chung của các công ty chứng khoán này vẫn đang ở vị thế hàng đầu.

Ðiều này thể hiện rõ ở VCSC - vốn được biết đến là công ty chứng khoán có hoạt động IB hàng đầu, theo đó cũng có thị phần môi giới về khách hàng tổ chức lớn. Dù vậy, VCSC cũng chịu tác động rõ ràng ở mảng môi giới cá nhân.

SSI, HSC có thế mạnh về khách hàng tổ chức, nhưng thiên hướng vẫn là khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Ðến nay, hai đơn vị này vẫn đang duy trì được vị thế dẫn đầu trên thị trường cơ sở, mặc dù thị phần sụt giảm nhưng vẫn nằm trong Top 2. Mức độ sụt giảm không đáng kể như HSC là 0,7%.

Còn SSI, do năm 2018, Công ty có một số deal giao dịch lớn khiến thị phần môi giới tăng vọt lên hơn 18%, thậm chí có quý lên đến 23%, đã kéo thị phần cả năm tăng 18,7%. Nếu loại trừ các giao dịch này, sự sụt giảm thị phần năm 2018 của SSI chưa hẳn đã lớn.

Các công ty nội bắt đầu có sự đầu tư mạnh cho công nghệ, trường vốn nên có chính sách cũng cạnh tranh không kém như VPS, TCBS và cả VNDS được thị trường nhìn nhận là đang có những công cụ tiện ích tốt cho nhà đầu tư.

Như vậy, không thể phủ nhận, sức ép cạnh tranh từ các công ty ngoại khiến các công ty chứng khoán nội địa đẩy nhanh tốc độ đổi mới trong chiến lược hoạt động và đầu tư đúng mực hơn về công nghệ.

Một diễn biến đáng chú ý khác cũng tác động đến thị phần tăng nhanh chóng ở các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính mạnh là việc bỏ quy định về mức phí sàn giao dịch chứng khoán, nên các công ty chứng khoán có thể cạnh tranh lẫn nhau từ việc giảm phí dịch vụ.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán, từng có mười mấy năm “lăn lộn” với nghề cho biết, đầu năm nay, ông có qua Thái Lan giao lưu với các công ty chứng khoán tại đây và họ cho rằng, Việt Nam đang tái hiện lại thị trường chứng khoán Thái Lan 2014 khi có “quả bom nhiệt hạch” được thả xuống thị trường.

Ðó là quả bom về mức sàn phí giao dịch về 0. Trước 2014, Top 10 thị phần đang do các công ty nội địa nắm giữ, nhưng sau đó đã diễn ra một làn sóng M&A rất mạnh từ các công ty chứng khoán ngoại.

Việt Nam đang tái hiện lại thị trường chứng khoán Thái Lan 2014 khi có “quả bom nhiệt hạch” được thả xuống thị trường.

Hiện nay, dẫn đầu về vốn hoá trên thị trường chứng khoán Thái Lan là Yuanta, là Maybank… Ðiều này cho thấy, khi bỏ đi mức sàn phí giao dịch thì cấu trúc của ngành chứng khoán thay đổi rất nhiều. Những đối thủ đi sau, để giành được thị phần sẽ tấn công trực tiếp từ phí giao dịch.

Tại Việt Nam, gần đây, một công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc là Pinetree đã đưa ra chương trình giao dịch miễn phí trọn đời, lãi suất cho vay margin cạnh tranh.

Theo vị này, khi thị trường chứng khoán tái cấu trúc lại thì chia các phân khúc, trong đó phân khúc “giao dịch nhiều” chủ yếu là những nhà đầu tư cá nhân sẽ lựa chọn.

Có thể thấy, thị trường đã xuất hiện những Robo - Advisor - những auto tool để hỗ trợ nhà đầu tư trading. Mà thị trường ứng dụng cái này nhiều nhất không phải thị trường cơ sở mà là thị trường phái sinh. Những ngày đáo hạn, những phiên gây sốc cho thị trường rất nhiều đó là do có sự can thiệp của các hệ thống giao dịch tự động. Ðây là điều mà chúng ta phải chấp nhận trên thị trường.

“Tôi với góc độ làm môi giới mười mấy năm thì thấy đây là sự tất yếu phải xảy ra và nhà đầu tư đang được hưởng lợi. Tuy nhiên, hưởng lợi về chi phí giao dịch cũng đổi lại những rủi ro, nhứng cái gì free thì sẽ không được hỗ trợ ở góc độ chuyên nghiệp của các môi giới được đào tạo”, vị này nói.

Có những cổ phiếu, nếu có đội tư vấn chuyên nghiệp thì đã nhìn ra vấn đề của cổ phiếu đó từ vài năm trước, có thể “cash out” giai đoạn đó. Việc sử dụng các công cụ phân tích tự động, chắc chắn không thể tìm được vấn đề sớm như con người làm.

Ðồng quan điểm, ông Kang Moon Kyung cho rằng, việc áp dụng mức phí giao dịch 0 đồng trước mắt rất có lợi cho nhà đầu tư khi mà có thể tiết kiệm được một khoản phí đáng kể.

Tuy nhiên, ông chỉ đánh giá việc này giống như một chương trình marketing để thu hút khách hàng mới vì để lựa chọn công ty chứng khoán, ngoài phí giao dịch, khách hàng cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến giao dịch trong tương lai như nền tảng công nghệ, đòn bẩy tài chính, dịch vụ  tư vấn, chăm sóc khách hàng…

Ðiều này phần nào có cơ sở, bởi các "ông lớn" như SSI, HSC, VCSC vẫn đang có lợi thế riêng về nhân sự, về nghiệp vụ.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi Sở giao dịch chứng khoán nâng cấp hệ thống và có thể áp dụng giao dịch T0 thì cuộc cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn. Lúc đó, tất các các thế mạnh về tài chính, công nghệ, quản trị… đều sẽ phải phát huy hết khả năng.            

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục