Động thái gọi vốn mới của công ty chứng khoán nội

(ĐTCK) Trước tình trạng phát triển và trường vốn của khối công ty chứng khoán ngoại trong thời gian qua, khối công ty chứng khoán nội đang đẩy mạnh “cuộc đua”.
Động thái gọi vốn mới của công ty chứng khoán nội

Nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời tái cơ cấu các khoản nợ với lãi suất theo hướng ổn định hơn, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 331,5 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian từ nay cho đến tháng 1/2020.

Ðợt chào bán này nằm trong kế hoạch huy động đợt 2 mà Nghị quyết Hội đồng quản trị VCSC đã thông qua với tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.

Trái phiếu có mệnh giá 10 triệu đồng, lãi suất của từng đợt phát hành tùy thuộc vào tình hình hoạt động của Công ty và theo quyết định Ban Tổng giám đốc, nhưng tối đa không vượt quá mức lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV và VietinBank cộng 3%/năm.

VCSC sẽ dùng nguồn vốn 500 tỷ đồng thu về từ hai đợt phát hành trái phiếu để phục vụ hoạt động tự doanh chứng khoán, cho vay giao dịch ký quỹ (margin).

Các nguồn thu để thanh toán lãi và gốc trái phiếu chủ yếu sẽ đến từ hoạt động cấp margin, tự doanh và dịch vụ tư vấn, môi giới.

Công ty Chứng khoán SSI không huy động vốn mới, mà tính đến phương án dùng nguồn lợi nhuận để lại để tăng vốn điều lệ.

Hội đồng quản trị công ty này đang xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 16%. Nếu được thông qua, SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên trên 6.009 tỷ đồng.

Ðộng thái tăng vốn của khối công ty chứng khoán nội diễn ra trong bối cảnh nhóm công ty chứng khoán ngoại liên tục gia tăng quy mô, tạo áp lực cạnh tranh mạnh.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đang hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ từ 4.300 tỷ đồng lên hơn 5.455 tỷ đồng, qua đó sẽ soán ngôi công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường hiện nay.

Xét về quy mô vốn, khối công ty chứng khoán nội vẫn đang chiếm ưu thế. Trong số 18 công ty đang có quy mô vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, số công ty có vốn ngoại có 5 đại diện, đó là Mirae Asset, KB Việt Nam, KIS Việt Nam, Yuanta Việt Nam và Maybank Kim Eng (MBKE).

Ông Vũ Ðức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, khối công ty chứng khoán ngoại phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là về quy mô vốn với chi phí thấp do được “rót” từ công ty mẹ.

Ðiều này tạo ra không ít thách thức đối với khối công ty chứng khoán nội, nhất là trong việc cạnh tranh lãi suất margin.

Các công ty trong nước muốn nâng tầm thì huy động vốn vẫn là điều tất yếu. SHS đã phát hành thêm 101,87 triệu cổ phiếu, gồm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 25%, chào bán ra công chúng tỷ lệ 66,67% với giá 12.000 đồng/cổ phiếu và phát hành ESOP tỷ lệ 4,99%.

Trong đó, với khối lượng nhà đầu tư không đăng ký mua hết, Công ty bán cho 6 cổ đông, mang lại thặng dư gần 200 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán nội đã lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2019 nhưng hiện chưa kịp thực hiện cho biết, sẽ nỗ lực thực hiện vào cuối năm, hoặc đầu năm 2020.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã thông qua phương án phát hành 3 đợt cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.221 tỷ đồng lên 1.743 tỷ đồng, gồm 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.

“Tăng vốn nhằm giúp MBS nâng hạn mức cho vay margin, tăng cường hoạt động đầu tư, kinh doanh trái phiếu, cổ phiếu, đồng thời đáp ứng yêu cầu về vốn và quản trị rủi ro. Công ty đang hoàn tất các thủ tục để tăng vốn vào cuối năm nay, hoặc đầu năm sau”, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS chia sẻ.

Ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Everest (EVS) chia sẻ, vì nhiều lý do, kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng hiện chưa thực hiện được, Công ty sẽ cố gắng thực hiện trong năm 2020.

Thay vì huy động vốn qua kênh phát hành cho cổ đông hiện hữu, EVS dự kiến thay đổi phương án phát hành và sẽ công bố trong thời gian tới.

“Dù hướng đi nào, doanh nghiệp vẫn phải dựa trên nguồn lực về tài chính. Có nguồn vốn sẽ giúp Công ty nâng chất lượng dịch vụ và hiệu quả tư vấn nhằm mang lại lợi ích tài chính bền vững cho khách hàng”, ông Sơn nói.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục