Công ty chứng khoán nội loay hoay tìm hướng cạnh tranh

(ĐTCK) Với sự tham gia ngày một mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, ông chủ của các công ty chứng khoán (CTCK) nội đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn. 
Áp lực cạnh tranh đang đè nặng lên các công ty chứng khoán nội. Áp lực cạnh tranh đang đè nặng lên các công ty chứng khoán nội.

Cạnh tranh bằng dịch vụ tài chính: cán cân không tương xứng

Với cuộc đổ bộ ồ ạt của dòng vốn ngoại vào nhóm các CTCK thời gian gần đây, quy mô vốn CTCK ngoại đang ngày một lớn so với tương quan các CTCK nội.

Đứng đầu thị trường về quy mô vốn là CTCK Sài Gòn - SSI (vốn chủ sở hữu đạt 9.148 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng tính đến 30/6/2018). Thế nhưng, SSI có tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên tới hơn 51% - mức sở hữu có thể coi là một CTCK ngoại.

Ở nhóm các CTCK quy mô vốn nhỏ hơn, khối CTCK ngoại đang dần chiếm vị thế, trong đó CTCK Mirae Asset Việt Nam là một trong những cái tên đáng chú ý nhất khi vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng.

Quy mô vốn điều lệ lớn và đặc biệt là tận dụng được dòng vốn giá rẻ từ cổ đông mẹ, hoặc từ nhà đầu tư nước ngoài khác, trong 8 tháng đầu năm 2018, nhất là trong những thời điểm thị trường tăng trưởng mạnh, khi đa số các CTCK nội thuộc nhóm trên bị kẹt vốn cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ, thì nguồn vốn mới chảy vào ồ ạt đã giúp các CTCK ngoại "bung lụa".

Trong khi đó, những CTCK quy mô nhỏ lại ở trong thế khó, khi cổ đông không khuyến khích đầu tư, môi giới ít khách và đặc biệt, có vốn nhưng khó cho vay, phải chấp nhận gửi ngân hàng vì vướng quy định giới hạn về quy mô cho vay theo từng mã và từng khách hàng.

Diễn biến này đang dần khiến con đường kinh doanh của các công ty chứng khoán nhỏ trở nên ngày một khó khăn hơn, dù thị trường chứng khoán tăng trưởng.

Thống kê diễn biến thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho thấy, cả năm 2016 và năm 2017, nhóm 10 CTCK có thị phần lớn nhất chiếm tương ứng 64,45% và 70,74% tổng thị phần.

Đến quý II/2018, con số này đã tăng lên mức 73,41%. Đáng chú ý, Mirae Asset Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tại đây.

Với diễn biến này, có ý kiến cho rằng, ngay cả những CTCK trong TOP 20 thị phần môi giới còn gặp khó khăn, chứ chưa nói tới các CTCK ngoài nhóm này, sức ép tồn tại đang ngày một lớn. 

Chọn hướng đi riêng hay… bán mình?

“Ngay từ đầu năm 2018, chúng tôi đã xác định hướng cạnh tranh khác, không đẩy mạnh dịch vụ tài chính", ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) nói.

Trên Báo cáo tài chính bán niên 2018, số dư cho vay của HSC đã giảm từ mức hơn 4.501 tỷ đồng hồi đầu năm, về gần 3.042 tỷ đồng tại ngày 30/6/2018. Tuy nhiên, HSC vẫn duy trì được thị phần môi giới khá ổn định, ở mức 11,26% trong quý II/2018.

Và điểm đáng lưu ý là, so với cùng kỳ năm trước, doanh thu nghiệp vụ môi giới 6 tháng đầu năm nay của HSC vẫn tăng rất mạnh, từ mức 210 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 462 tỷ đồng.

Đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) có lẽ là một trong những bí quyết giúp HSC đạt được mục tiêu kinh doanh mà không cần quá sa đà vào cuộc chạy đua dịch vụ tài chính, nhất là trong bối cảnh các CTCK nội đang ngày một bất lợi trước đối thủ ngoại.

Ở những CTCK nội khác, không có được lợi thế hoạt động sẵn có như HSC, việc tìm đâu ra con đường kinh doanh riêng biệt là câu hỏi rất lớn. Với nhóm CTCK trực thuộc ngân hàng, tư vấn phát hành trái phiếu và các dịch vụ có liên quan được xem là một hướng đi phù hợp.

Với nhóm CTCK có nhóm cổ đông là các tổ chức, doanh nghiệp lớn, việc hoạt động như một công cụ riêng cho cổ đông cũng được phát huy tối đa, nhất là trong vai trò kết nối đầu tư, huy động vốn và làm dịch vụ tài chính khác.

Thế nhưng, với những CTCK còn lại, việc loay hoay chọn tăng vốn để đủ sức cạnh tranh, hay chấp nhận “bán mình” được nhiều lần đặt lên bàn cân tính toán của các cổ đông.

Tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều ông chủ đang xác định đây là cơ hội để thoái vốn khỏi ngành, khi bản thân hoạt động kinh doanh hiện tại không mang lại hiệu quả, nhưng mức độ quan tâm của nhà đầu tư ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày một tăng, với giá bán CTCK ở mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

“Sau giai đoạn thị trường chứng khoán khủng hoảng trước đây, các CTCK  đã thận trọng hơn trong việc tự doanh hoặc cho vay sai quy định.

Nhưng ở hoàn cảnh này, cơ hội sống bằng dịch vụ đối với các CTCK cũng ngày một thấp đi.

Tôi cho rằng, chuyện các CTCK ngoài TOP 20 tìm cách bán cho nhà đầu tư ngoại, hoặc cho các ông chủ lớn trong nước thời gian tới đây sẽ diễn ra nhiều hơn, bởi môi trường kinh doanh hiện tại không có chỗ cho các CTCK không có thế mạnh đặc biệt’, chủ tịch một CTCK thuộc TOP 5 thị phần môi giới lớn nhất nhận xét.              

Phan hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ