Dòng margin khởi sắc theo đà tăng của chỉ số

(ĐTCK) So với thời điểm cuối quý III/2019, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của nhiều công ty chứng khoán trong thời gian qua có xu hướng tăng, song mức tăng không đồng đều và khối công ty ngoại dần chiếm ưu thế. 
Dòng margin khởi sắc theo đà tăng của chỉ số

Margin theo sát dòng tiền thực

Thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực, VN-Index vượt ngưỡng cản 1.000 điểm thành công, khiến không ít nhà đầu tư cá nhân nhìn nhận về thị trường lạc quan hơn, qua đó sử dụng margin để tối đa hóa lợi nhuận trong những nhịp tăng điểm.

Các nhà đầu tư lớn cũng tích cực vay margin, dù bối cảnh chung của thị trường chứng khoán năm nay kém hơn năm trước. Nhiều công ty chứng khoán chấp nhận rủi ro, cho vay nhiều hơn đối với đối tượng khách hàng này.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, trong đợt tăng điểm vừa qua, dòng vốn nội đóng vai trò quan trọng trong việc kéo thị trường. Và trong cơ cấu của dòng vốn nội, dòng tiền margin có đóng góp quan trọng.

Dòng tiền margin cùng nhịp với thị trường và tập trung vào các mã vốn hóa lớn. Tầm quan trọng của margin được thể hiện rõ nét qua một dấu hiệu, đó là khi hết hạn mức margin, giá nhiều mã cổ phiếu chững lại, khiến thị trường chung chững lại.

Đơn cử, trước khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng trong trạng thái hết hạn mức margin, khiến nhóm này chững lại và thị trường chịu áp lực điều chỉnh.

Điểm tích cực là áp lực này không lan tỏa rộng và thị trường có diễn biến xoay trụ khá tốt, khiến việc điều chỉnh diễn ra lành mạnh và sau đó vượt ngưỡng cản thành công.

Dòng margin khởi sắc theo đà tăng của chỉ số ảnh 1

Diễn biến VN-Index, mua - bán ròng của khối ngoại và tự doanh.

Trong đợt tăng điểm vừa qua, thị trường tăng điểm, bất chấp khối ngoại bán ròng. Trong giai đoạn từ đầu tháng 8 đến hết tháng 10/2019, khối ngoại có thời điểm bán ròng lũy kế gần 3.500 tỷ đồng trên HOSE.

Do đó, thị trường tăng rõ ràng là nhờ sự nâng đỡ từ khối nội, trong đó có khối tự doanh của các công ty chứng khoán mua ròng khoảng 500 tỷ đồng các mã trong VN30.

“Từ nay đến cuối năm, với những diễn biến tích cực của thị trường hiện tại, dòng tiền có thể được thu hút vào thị trường trở lại, điều này đương nhiên làm nhu cầu sử dụng margin tăng và dự nợ marign sẽ nở theo chiều tăng của thị trường” ông Huy dự báo.

Tại các thị trường phát triển, dư nợ margin luôn được xem là một trong những chỉ báo tâm lý quan trọng và được công bố rộng rãi. Một cách thông thường, dư nợ margin tăng là điều hiển nhiên, nếu thị trường tích cực.

Cũng khó nói điều này là tốt hay không tốt, đơn giản margin chỉ là một sản phẩm và sản phẩm này giúp nhà đầu tư có cơ hội tối đa hóa lợi nhuận, dù làm gia tăng mức độ biến động của thị trường, tăng nhanh hơn và giảm cũng nhanh hơn.

Dù vậy, rủi ro margin sẽ ở mức cao nếu đạt ngưỡng và thị trường có dấu hiệu không duy trì được đà tăng. Tại Việt Nam, nhà đầu tư có thể tìm hiểu dư nợ margin tại báo cáo tài chính quý của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nên theo dõi thường xuyên mức margin của thị trường chung cũng như các cổ phiếu cụ thể để có thể xác định thời điểm vào - ra chính xác hơn.

Dư nợ margin: Khối công ty chứng khoán ngoại bứt tốc          

Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2019 của khối công ty chứng khoán cho thấy, các công ty có vốn ngoại đang dần bám đuổi các công ty lớn trong nước về thị phần margin và có công ty vượt lên dẫn đầu.

Dòng margin khởi sắc theo đà tăng của chỉ số ảnh 2

Cụ thể, thời điểm cuối quý III/2019, dư nợ cho vay margin của Công ty Chứng khoán Mirae Asset lên tới 6.566 tỷ đồng, cao hơn 2 công ty chứng khoán lớn trong nước là SSI với dư nợ margin 5.310 tỷ đồng và HSC với dư nợ margin 4.670 tỷ đồng.

Trong khi đó, bảng xếp hạng dư nợ margin trong Top 10 ngoài những tên tuổi quen thuộc như VNDIRECT với 2.950 tỷ đồng, Bản Việt (VCSC) với 2.887 tỷ đồng, Chứng khoán MB (MBS) với 2.427 tỷ đồng, còn có sự góp mặt của một số công ty ngoại khác như Chứng khoán KIS với 2.642 tỷ đồng, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) với 1.816 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo KBSV cho biết, dư nợ margin tại Công ty tính đến cuối tháng 10 đạt 2.300 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với cuối tháng 9. Trong đó, gói sản phẩm “KB Super Dream” có mức lãi suất 8,5%/năm, giúp thu hút nhà đầu tư và mang lại hiệu quả cao cho Công ty.

MBKE cho hay, với sự trợ lực của Tập đoàn Maybank, đặc biệt là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, Công ty đã triển khai một số sản phẩm có tính cạnh tranh như sản phẩm margin Smart 12 có mức lãi suất hơn 9%/năm. Hiện dư nợ margin tại MBKE tăng so với thời điểm cuối quý III/2019.

Nhóm công ty chứng khoán ngoại đang được xem là “đối thủ” đang gờm trên sân chơi margin đối với khối nội. Từ kết quả tích cực của mảng margin, nhiều công ty chứng khoán ghi nhận gia tăng hiệu quả kinh doanh tăng vượt trội so với cùng kỳ.

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2019, KBSV đạt doanh thu hoạt động hơn 309 tỷ đồng, tăng 100% và lợi nhuận sau thuế 93 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng quý III/2019, Công ty đạt doanh thu hoạt động 136,4 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu từ hoạt động margin chiếm tỷ trọng không nhỏ. Mirae Asset, MBKE, KIS đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ.

Mỗi công ty chứng khoán có định hướng, chiến lược hoạt động khác nhau, nhưng nhìn xu hướng cho vay margin cho thấy, các công ty đang cẩn thận hơn, chứ không thận trọng, sau “sự cố” với một số mã như FTM, khiến công ty “chạy không kịp” và phải treo một khoản trích lập dự phòng không nhỏ, dẫn tới con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính sụt giảm.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán nội cho rằng, margin là mảng mang lại lợi nhuận chính, nên dù cuộc đua cho vay margin, đặc biệt là các đối thủ ngoại nóng dần, thì các công ty nội vẫn có hướng đi phù hợp để nắm bắt nhu cầu khách hàng.

“Chúng tôi cẩn thận hơn để kiểm soát rủi ro, nhưng không quá thận trọng, nhằm tận dụng cơ hội”, lãnh đạo công ty chứng khoán trên nói.

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận xét, nguồn margin với mức lãi suất thấp của khối ngoại đang là thách thức đáng kể đối với các công ty chứng khoán trong nước, vì có chi phí nguồn vốn cao hơn.

Thực tế, các công ty chứng khoán có vốn ngoại có sự hỗ trợ vốn của tập đoàn ở nước ngoài, được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi, dao động từ 3,5 - 4,5%/năm, cộng thêm mức 1%/năm bảo hiểm tỷ giá, thì lãi suất cũng chỉ khoảng 5%/năm. Do đó, áp dụng lãi suất cho vay margin 8 - 9%/năm vẫn có lãi.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán trong nước huy động nguồn cho vay margin với lãi suất cao hơn nhiều.

Tại ACBS, dư nợ margin gần đây dao động trong khoảng hơn 1.500 - 1.600 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm cuối quý III/2019. Mức lãi suất margin mà ACBS đang áp dụng khoảng 11%/năm. Đây là mức lãi suất phổ biến mà các công ty chứng khoán trong nước cho nhà đầu tư vay.

Nhìn nhận về xu hướng dòng tiền từ nay đến cuối năm, ông Cần cho rằng, thị trường vẫn sẽ “trông chờ” chủ lực ở dòng vốn trong nước và dòng tiền tiếp tục tập trung vào các mã bluechips, bởi hiện tại có nhiều mã cổ phiếu cạn room ngoại.

Cục diện cạnh tranh giữa khối công ty chứng khoán nội và ngoại đang ngày càng quyết liệt. Những công ty có dòng vốn ngoại đang tận dụng lợi thế nguồn dồi dào, giá vốn rẻ để thu hút khách hàng, trong khi các công ty trong nước không không ngừng đầu tư vào hệ thống để nâng chất lượng dịch vụ.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Việt nhận xét, thị trường lình xình trong một thời gian khá dài, bản thân nhà đầu tư thường có xu hướng dùng nguồn vốn tự có hơn là đi vay.

Nhưng khi nhìn thấy cơ hội đầu tư, lãi suất margin là một yếu tố mà nhà đầu tư cân nhắc, nên thường tìm đến các công ty chứng khoán có mức lãi suất ưu đãi.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ