Cạnh tranh margin: Cục diện nghiêng về khối ngoại

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2019, trong khi lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán nội thuộc tốp đầu suy giảm thì nhóm công ty có vốn ngoại lại tăng trưởng mạnh, nhờ thu nhập từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin).
Cạnh tranh margin: Cục diện nghiêng về khối ngoại

Lợi nhuận 6 tháng: Nội giảm, ngoại tăng

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự giảm mạnh về thanh khoản so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), giá trị giao dịch 6 tháng đạt 441.400 tỷ đồng, giảm 44,8% so với cùng kỳ.

Thanh khoản giảm, thị giá cổ phiếu diễn biến phân hóa, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước hạ nhiệt đã ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh của khối công ty chứng khoán, từ tư vấn, môi giới, tự doanh đến cho vay ký quỹ.

Lợi nhuận của nhiều công ty chứng khoán tốp đầu như Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HCM), Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSI), Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS)… cũng đều suy giảm.

Cạnh tranh margin: Cục diện nghiêng về khối ngoại ảnh 1

Lợi nhuận trước thuế của một số công ty chứng khoán trong nửa đầu năm 2019.

Cụ thể, trong mảng môi giới, báo cáo tài chính riêng quý II/2019 của SSI cho biết, doanh thu nửa đầu năm chỉ đạt 284,8 tỷ đồng, giảm 59,8% so với cùng kỳ năm 2018; riêng quý II, tỷ lệ giảm là 61,5%. Tương tự, tại HCM, doanh thu mảng môi giới 6 tháng giảm 48,4%; tại BSI và MBS, mức giảm lần lượt là 44,4% và 43,6%.

Trong mảng tư vấn, HCM có doanh thu tư vấn 6 tháng đầu năm 2019 giảm 43,3% so với cùng kỳ 2018, dù đây là tổ chức đã tư vấn cho một số thương vụ bán vốn nhà nước nổi bật trong nửa đầu năm nay như Bộ Xây dựng bán vốn tại Công ty cổ phần Viglacera (VGC), hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bán vốn tại Công ty cổ phần Bột giặt NET (NET), Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng mỏ…

Trong mảng cho vay ký quỹ, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FTS) cho biết, lãi cho vay và phải thu trong 6 tháng đầu năm giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại MBS, SSI và HCM, thu nhập từ hoạt động này giảm lần lượt 10,3%, 12,2% và 20%, kéo lợi nhuận chung suy giảm.

Cạnh tranh margin: Cục diện nghiêng về khối ngoại ảnh 2

Kết quả trên không gây nhiều bất ngờ khi đây là lĩnh vực kinh doanh có kết quả hoạt động gắn liền với biến động của thị trường chứng khoán. Diễn biến điểm số, thanh khoản kém tích cực nên lợi nhuận của khối công ty chứng khoán bị ảnh hưởng là dễ hiểu. Tuy nhiên, khối công ty chứng khoán có vốn ngoại chi phối lại có lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đạt lợi nhuận trước thuế 71,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,04 lần nửa đầu năm ngoái; trong đó, lợi nhuận đã thực hiện đạt 67,1 tỷ đồng, tăng 90%. Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đạt lợi nhuận trước thuế 64,9 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đạt lợi nhuận trước thuế 209,4 tỷ đồng, tăng 84,2% so với cùng kỳ.

Khối ngoại có lợi thế margin

Nguyên nhân gì khiến lợi nhuận của khối công ty chứng khoán có vốn ngoại tăng trưởng đột biến? Nhìn vào tình hình kinh doanh của khối công ty chứng khoán có nguồn vốn ngoại thì hoạt động môi giới, tư vấn, tự doanh nhìn chung cũng suy giảm theo xu hướng chung của ngành, nhưng cho vay ký quỹ là yếu tố tạo nên sự khác biệt.

Cụ thể, tại KIS, nửa đầu năm 2019, doanh thu hoạt động môi giới giảm 29,3% so với nửa đầu năm 2018, hoạt động tư vấn, tự doanh và lưu ký có doanh thu tăng trưởng, nhưng tỷ trọng đóng góp vào lợi nhuận không đáng kể, thì thu nhập từ lãi cho vay và phải thu tăng 60,2% so với cùng kỳ, đạt 92,6 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng, xử lý tổn thất và chi phí đi vay tại các khoản cho vay giảm 59%, giúp lợi nhuận tăng trưởng.

Kết quả này có được là nhờ dư nợ cho vay tại KIS tăng mạnh; tính đến 30/6/2019, dư nợ cho vay và phải thu đạt 2.530 tỷ đồng, chiếm 74% tổng tài sản, gần gấp đôi dư nợ cho vay tại thời điểm 30/6/2018.

Tại MAS, đóng góp chủ yếu vào sự bứt phá về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019 là lãi cho vay, phải thu khi các khoản này đạt 222,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2018, bù đắp cho doanh thu môi giới giảm 42,5%, hoạt động tự doanh thua lỗ, còn tư vấn, lưu ký đem về lợi nhuận không đáng kể.

Tại KBSV, lãi cho vay, phải thu 6 tháng đầu năm đạt 82,6 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái; thời điểm 30/6/2019, dư nợ cho vay và phải thu là 2.121 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với thời điểm 30/6/2018.

Cạnh tranh margin: Cục diện nghiêng về khối ngoại ảnh 3

Biến động dư nợ cho vay của một số công ty chứng khoán.

Thực tế, nhìn vào dư nợ cho vay tại đến ngày 30/6/2019 của các công ty chứng khoán nội thuộc tốp đầu thì thấy xu hướng chung là tăng trưởng: dư nợ cho vay tại SSI, HCM, MBS tăng lần lượt 12,6%, 55%, 23,2% so với một năm trước. Tuy nhiên, thu nhập từ cho vay và phải thu lại giảm, thay vì tăng trưởng như nhóm công ty có vốn ngoại. Có 2 nguyên nhân có thể lý giải cho vấn đề này.

Thứ nhất là dư nợ trên báo cáo tài chính chỉ phản ánh tại thời điểm cuối kỳ. Trong nửa đầu năm 2018, điểm số chứng khoán và thanh khoản gia tăng cho đến cuối tháng 4 khiến đây là thời điểm dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán đạt đỉnh. Việc VN-Index giảm 18,2% trong quý II/2018, ghi nhận quý có mức giảm điểm mạnh nhất kể từ quý IV/2008, khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường, kéo theo dư nợ margin đến cuối quý II/2019 sụt giảm.

Trong khi đó, dù thanh khoản suy giảm trong nửa đầu năm nay nhưng có nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn đã đủ điều kiện cho vay ký quỹ, dẫn đến nhu cầu vay thế chấp cổ phiếu tăng. Nhà đầu tư có nhu cầu vay trung hạn hơn là ngắn hạn. Do đó, so sánh với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, dư nợ cuối quý II năm nay của các công ty chứng khoán nội thuộc tốp đầu tăng trưởng, nhưng dư nợ bình quân giữa 2 thời kỳ thực tế không tăng, thậm chí có công ty còn suy giảm.

Ngược lại, dư nợ cho vay thực tế tại nhóm công ty chứng khoán có vốn ngoại như MAS, KIS, KBSV… cho thấy xu hướng gia tăng đều đặn trong một năm trở lại đây, nhờ hoạt động tăng vốn điều lệ mạnh mẽ, giúp dư địa cho vay tăng và tận dụng được dòng vốn margin trên thị trường dịch chuyển khi nhiều mã chứng khoán tốt tại các công ty chứng khoán nội bị chạm hạn mức cho vay tối đa.

Thứ hai là sự khác biệt trong biên lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ. Trong vài năm trở lại đây, xu hướng ổn định của lãi suất ngân hàng khiến mặt bằng lãi suất cho vay tại các công ty chứng khoán tốp đầu khá ổn định, mức lãi suất công bố phổ biến vào khoảng 12 - 14%/năm. Một số trường hợp được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn phải thỏa mãn các điều kiện nhất định như khách hàng có dư nợ lớn, uy tín.

Lãi suất cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán nội từ 12 - 14%/năm, trong khi các công ty chứng khoán ngoại dao động quanh mức 10%/năm.   

Trong khi đó, từ nửa cuối năm 2018 đến nay, các công ty chứng khoán ngoại đẩy mạnh chính sách cho vay ưu đãi để thu hút khách hàng. Nhiều gói margin được quảng bá, mời chào đến khách hàng với mức lãi suất trên dưới 10%/năm. Kết quả, dư nợ cho vay tại các đơn vị này đồng loạt tăng mạnh và tăng đều đặn qua các quý.

Tuy lãi suất cho vay thấp hơn, nhưng không vì thế mà hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán ngoại có biên lợi nhuận thấp hơn. Nguyên nhân là do các công ty chứng khoán trong nước chủ yếu huy động nguồn margin thông qua phát hành trái doanh nghiệp, vay ngắn hạn ngân hàng, còn các công ty chứng khoán có vốn ngoại có sự hỗ trợ vốn của các tập đoàn nước ngoài thông qua các đợt tăng vốn chủ sở hữu ồ ạt trong 1 năm trở lại đây, đồng thời được hưởng lãi suất ưu đãi khi đi vay từ tập đoàn mẹ hoặc bảo đảm vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn VND, dao động từ 3 - 5%/năm.

Chẳng hạn, tại HCM, trong 1.704 tỷ đồng dư nợ đi vay đến cuối tháng 6/2019, mức lãi suất phổ biến trong khoảng 7 - 8%/năm. Tại BSI, mức lãi suất vay ngắn hạn dao động từ 5,5 - 7%/năm (tháng 6/2018, BSI phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn với lãi suất 8,4%/năm, vừa đáo hạn vào tháng 6/2019). Trong đợt phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) tháng 3/2019, mức lãi suất là 9,5%/năm.

Trong khi đó, theo thông tin từ KIS, Hội đồng quản trị thông qua khoản vay 30 triệu USD từ Korea Investment Holdings thời hạn 1 năm với mức lãi suất hơn 4%. Tại MAS, báo cáo tài chính quý II/2019 chưa thuyết minh chi tiết về các khoản vay, nhưng tại thời điểm cuối năm 2018, các khoản vay chỉ có lãi suất từ 2,14 - 4,9%/năm. Yếu tố khiến MAS có mức lãi vay thấp một mặt do phần lớn khoản vay bằng USD, mặt khác là được bảo lãnh bởi công ty mẹ Mirae Asset Securities (HK) Limited và công ty liên quan Mirae Asset Securities (UK) Limited. Lãi suất đầu vào thấp hơn đáng kể là lợi thế cạnh tranh để công ty chứng khoán ngoại hạ lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo được lợi nhuận.

Cạnh tranh thị phần lớn dần

Theo bảng thị phần môi giới cổ phiếu quý II/2019 do HOSE công bố, trong khi nhiều công ty chứng khoán nội đồng loạt giảm thị phần so với quý I/2019 như SSI giảm 1,39%, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) giảm 0,68%, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VND) giảm 0,89%, MBS giảm 1,2%, thì công ty có vốn ngoại là MAS ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với thị phần 3,69% và lọt vào Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất.

Trước đó, trong quý I/2019, thị trường ghi nhận sự bứt phá và xuất hiện tại vị trí thứ 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE của KIS, còn SSI và VCI ghi nhận thị phần giảm so với quý IV/2018. Một số công ty nội khác như FTS, BSI bị đánh bật khỏi Top 10 trong cả 2 quý đầu năm nay.

Rõ ràng, cục diện cạnh tranh trong khối công ty chứng khoán đang thay đổi. Những công ty có dòng vốn ngoại như KIS, MAS đang tận dụng lợi thế nguồn dồi dào, giá vốn rẻ để thu hút khách hàng, không chỉ bằng ưu đãi phí, lãi vay trong giao dịch, mà còn đầu tư vào nhân sự, hệ thống để nâng chất lượng dịch vụ. Với tình hình này, bức tranh thị phần trên thị trường được dự báo sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục