Ngày 8/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của một số bị cáo trong vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Sagri) thừa nhận tội danh đã truy tố. Tuy nhiên, bị cáo Hùng xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại hành vi Tham ô tài sản, bởi bị cáo đã dùng tiền cá nhân để hoàn trả, khắc phục thất thoát tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri. Bị cáo cũng cho biết, hiện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mong tòa giảm nhẹ hình phạt.
Theo bị cáo Hùng, ông đã thực hiện đúng theo thẩm quyền, không vụ lợi, không tác động, không phải là chủ mưu xuyên suốt.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cự Phó chủ tịch UBND TP.HCM) đồng ý với tội danh nhưng cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo nhiều vấn đề.
Điển hình như dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) không phải do ông phụ trách. Khi nhận được tờ trình của Sagri xin chuyển nhượng dự án ông đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực Ủy ban và UBND TP HCM. Nhưng đây là do sơ suất, chứ bản thân không có vụ lợi, không phải biết sai mà vẫn làm.
“Bị cáo không vụ lợi mà chỉ sai do sơ suất, bị cáo không phải biết sai mà vẫn làm, đây có thể coi là tai nạn nghề nghiệp của bị cáo, nếu bị cáo chặt chẽ hơn thì mọi chuyện sẽ khác”, ông Tuyến khẳng định và mong HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo. Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM xin giảm án để sớm đi thi hành án.
Trước đó, trong đơn kháng cáo, ông Tuyến đề nghị cấp phúc thẩm xem xét bối cảnh dẫn đến sai phạm tại thời điểm xảy ra vụ án năm 2016. Bị cáo cũng cho biết sức khỏe đang không tốt do bị gãy xương đùi, đi lại khó khăn; huyết áp cao... nên xin không bị cách ly khỏi xã hội.
Cũng trong phiên xét xử phúc thẩm, ông Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) kêu oan, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan. Bị cáo cho rằng đã áp dụng đúng các quy định pháp luật để tham mưu cho Thành phố, bản thân không vụ lợi và không có chuyện nể nang.
Theo nội dung bản án sơ thẩm trước đó, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Các bị cáo được giao trực tiếp quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản Nhà nước đối với Khu đất tại dự án, diện tích hơn 3,6 ha, tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP.Thủ Đức), TPHCM.
Mặc dù biết việc chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường để đưa ra đấu giá nhưng các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đầy đủ các quy định trên, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, trên 672 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Lê Tấn Hùng còn chỉ đạo cấp dưới ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài để tham ô 13,3 tỷ đồng của Sagri.
Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Tấn Hùng 25 năm tù cho 2 tội danh “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến và ông Trần Trọng Tuấn mỗi bị cáo bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Các bị cáo còn lại phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, bị phạt từ 3 năm tù cho hưởng treo, đến 20 năm tù.