Phố Định Công dài 1,6 km, rộng 6 - 8 m, kéo dài từ đường Giải Phóng tới ngã ba tổ 17 phường Định Công, quận Hoàng Mai. Khi Khu đô thị mới Định Công, Đại Kim hoàn thành, con đường này thường xuyên ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, tình trạng này đến nay còn tồi tệ hơn khi có thêm hàng loạt chung cư cao tầng được triển khai dọc theo tuyến phố này, khiến mặt đường bị xuống cấp, tình trạng ùn tắc diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ngay từ đầu đường Giải Phóng đi vào có hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ đã và đang được cấp tập triển khai.
Chẳng hạn, ngay đầu Giải Phóng vào là Dự án T&T Định Công do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Dịch vụ đường sắt làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên ô đất có diện tích 958 m2, gồm 26 tầng (5 tầng đế, 21 tầng căn hộ) và 3 tầng hầm, với khoảng 300 căn hộ và 32 lô biệt thự liền kề có diện tích 80 - 100m2.
Nằm ngay sát T&T Định Công là Dự án Sky Garden do Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZLand ) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 28 tầng, 1 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái và 2 tầng hầm, bao gồm 360 căn hộ diện tích từ 90 - 124 m2.
Cách không xa 2 dự án này là Dự án Sky Central do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD1 làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên tổng diện tích 13.461,51 m2, gồm 2 tòa chung cư cao cấp 23 tầng và 18 tầng, với 902 căn hộ. Ngay bên cạnh Sky Central là Dự án chung cư cao cấp CT36 Dream Home thuộc Khu đô thị Định Công do Tổng công ty 36 - Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích đất 7.533 m2, quy mô 2 khối nhà cao 25 tầng với tổng số căn hộ 560 căn.
Điểm đáng lưu ý, các dự án bất động sản này đều đang được chào bán với những quảng cáo khá mỹ miều như "vị trí đắc địa tại cửa ngõ phía Nam của thủ đô", "thuận tiện giao thương với các tỉnh phía Nam Hà Nội", "môi trường yên tĩnh không khói bụi"… Tuy nhiên, trái với lời quảng cáo trên, ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản lại cho thấy hoàn toàn khác biệt.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, lòng đường tuyến phố Định Công không những chật hẹp, còn có chợ cóc, cột điện, khiến tuyến đường này nhiều năm liên là điểm nóng ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Không những thế, nước thải của việc giết mổ cá, các loại gia cầm cũng bị các tiểu thương đổ ngay ra đường bốc mùi hôi tanh. Khoảng 11 giờ là lúc chợ tan, thì cũng là lúc những đống rác to nằm “yên vị” dưới lề đường. Vài năm trở lại đây, UBND phường Định Công đã rất nhiều lần tuyên truyền, giải tỏa, nhưng vẫn không thể dẹp được tình trạng chợ cóc.
Trong khi đó, con đường này lại là điểm nối quan trọng từ các khu đô thị Định Công, Đại Kim ra đường Giải Phóng, nên lưu lượng người và xe lưu thông rất lớn, khiến mặt đường bị xuống cấp trầm trọng.
Theo chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một số hộ dân sinh sống dọc tuyến phố này cho biết, mặt đường ở đây như thửa ruộng cày dở, nham nhở, thậm chí có đoạn đã hư hỏng hoàn toàn. Mỗi lần mưa, “ổ trâu", "ổ voi" biến thành những con mương nhỏ trên đường khiến người dân đi lại vô cùng khổ cực và nguy hiểm. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông xảy ra ở trên tuyến đường này.
Để khắc phục sự xuống cấp của mặt đường, người dân sống dọc theo tuyến phố này dùng gạch, đất, sỏi để lấp các ổ trâu, ổ voi. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, thậm chí còn có thể làm tăng thêm sự nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Trực tiếp khảo sát tuyến đường này cuối tuần qua, gặp đúng trời mưa, bản thân phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng gặp khó khăn trong việc di chuyển vì các vũng nước đọng, cộng thêm đường trơn trượt. Chưa kể, việc tránh các xe cộ đi ngược chiều nhau dọc tuyến đường này cũng vô cùng khó khăn.
Mặt đường phố Định Công xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Dũng Minh
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, tình trạng của phố Định Công giống với rất nhiều con đường, tuyến phố khác tại Hà Nội đã từng được phản ánh như Nguyễn Tuân, Lĩnh Nam, Tam Trinh, Minh Khai, hay một số khu vực như Linh Đàm, Trung Hòa, Nhân Chính…
Mặc dù chỉ tiêu dân số được tính toán cụ thể, dựa trên các tiêu chí về hạ tầng, tiện ích công cộng, diện tích sàn sử dụng..., nhưng sau khi được cấp phép xây dựng, nhiều chủ đầu tư các dự án chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, mà quên đi nghĩa vụ phải phát triển hạ tầng xã hội đi kèm. Những tòa nhà chung cư mọc san sát, cao chót vót, nhưng hạ tầng thì không thấy đâu, dẫn đến băm nát quy hoạch.
Ngược lại, các dự án triển khai trong các con phố nhỏ này cũng gặp khó trong bán hàng, bởi xu hướng chọn mua bất động sản không đơn thuần chỉ là một ngôi nhà đẹp, đầy đủ tiện ích, mà còn phải là thuận tiện về giao thông. Nếu không đảm bảo được những điều đó, sẽ rất khó thuyết phục được khách hàng dù có quảng cáo mỹ miều đến đâu.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong tư vấn và lập quy hoạch, không ai lại đưa chung cư cao tầng vào những khu vực nội đô chật hẹp, vì sẽ gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị. Khu vực đường phố nhỏ hẹp có nghĩa nằm trong nội đô cũ, chỉ xây dựng thấp tầng mới phù hợp, nếu gom các khu đất để xây dựng các khu nhà cao tầng, thì không phải là theo quy hoạch, mà xây dựng theo kiểu bột phát.
"Điều đáng lo ngại hơn chính là sự đảm bảo an toàn cho các cư dân tại đây. Nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra, xe cứu hỏa, xe cứu thương sẽ khó tiếp cận các tòa nhà", ông Võ nhấn mạnh và cảnh báo, người mua nhà cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền đối với các dự án chung cư cao tầng trong ngõ nhỏ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com