Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May: Đã là thị trường, luôn có doanh nghiệp sống, doanh nghiệp chết

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào dệt may chưa bao giờ lớn như hiện nay, đồng nghĩa doanh nghiệp FDI là đối tượng hưởng lợi vượt trội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đầu Xuân 2016, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) về vị thế của doanh nghiệp nội trước làn sóng FDI.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas)

Thưa ông, năm 2015, dòng vốn FDI vào dệt may Việt Nam lên tới 2 tỷ USD, cao kỷ lục. Ông bình luận gì về con số này?

Dệt may vốn là một thị trường không có yêu cầu giới hạn đặc biệt gì, ai muốn đầu tư đều có thể đầu tư. Đây không phải là ngành nghề đầu tư giới hạn, nên đương nhiên, dòng chảy của đầu tư do sự đánh giá về tương lai của thị trường quyết định.

Chúng ta có kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng nếu ngành nghề đó, lĩnh vực đó không có có tiềm lực, không có tương lai thì cũng chẳng nhà đầu tư nào vào cả. Đổi lại, không cần kêu gọi nhiều, nếu ngành nghề đó có tương lại kinh doanh sáng sủa, thì tự khắc doanh nghiệp họ sẽ vào đầu tư. Số vốn đầu tư FDI vào dệt may Việt Nam thời gian qua thực sự đã nói lên điều đó.

Nhưng như vậy, ngôi hạng giữa DN FDI và DN nội sẽ càng có sự phân chia rõ rệt, bởi DN FDI đang sở hữu yếu tố thuận về thị trường, công nghệ sản xuất, chuỗi giá trị hơn hẳn các DN nội...

Đương nhiên, DN FDI có lợi thế lớn so với Việt Nam. Trước hết là quy mô vốn, thị trường vốn đem từ các quốc gia rẻ hơn vào Việt Nam. Họ cũng đang được hưởng nhiều lợi thế về đầu tư trả chậm khi vào đầu tư, do đó càng có lợi thế hơn về bài toán vốn trong những năm đầu mới vào thị trường Việt Nam.

"Ngành dệt may hiện có khoảng 6.000 DN, nhưng DN ngoại chỉ vài trăm, còn lại hơn 5000 DN nội. Khi liên kết hiệu quả, chắc chắn sẽ năng lực cạnh tranh của DN nội sẽ được nâng cao".

Thêm đó vào, các DN này vào Việt Nam đều là những DN đang nắm thị trường tương đối tốt. Họ vào đây là dịch chuyển từ nước khác hoặc vào đầu tư mở rộng thêm. Họ mạnh hơn hẳn so với DN Việt Nam về điều này.

Trong khi đó, DN nội đã eo hẹp về vốn thì lại kém hơn về công tác nắm bắt thị trường tức là nắm chặt khách hàng cấp 1. Nhưng không thể đưa ra luật cấm DN FDI. Chính sách thì phải bình đẳng và DN nội phải tự tìm thị trường ngách, tìm phương án đầu tư của riêng mình để cạnh trạnh.

Theo ông, bài toán cạnh tranh của các DN dệt may nội, đặt trong bối cảnh DN FDI chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng quyết định tới gần 70% giá trị xuất khẩu nằm ở đâu?

Như tôi đã nói, DN FDI trong ngành dệt may vốn rất lợi thế, mạnh về vốn, thị trường…Ở đây đặt ra bài toán là phải chấp nhận cạnh tranh.

DN Việt Nam có thuận lợi là tâm lý người Việt nói chung thích làm cho DN Việt, nhất là trong ngành dệt may. Hai nữa là gần gũi về văn hóa, các chế độ chính sách của DN VN, nhất là DN lớn là tốt hơn so với DN FDI. Đó là những điểm chúng ta có thể khai thác.

Tiếp đến là nếu DN Việt Nam biết liên kết tốt thì tự nhiên đã đỡ yếu rồi. Ngành dệt may hiện có khoảng 6.000 DN, nhưng DN ngoại chỉ vài trăm, còn lại hơn 5000 DN nội. Khi liên kết hiệu quả, chắc chắn sẽ năng lực cạnh tranh của DN nội sẽ được nâng cao.

Ông có ngại về sự tụt lại của DN nội trong làn sóng đầu tư dồn dập, trường vốn của DN FDI?

Quan điểm của tôi là không. Cạnh tranh luôn là động lực cho phát triển. Đã gọi là thị trường thì luôn luôn có doanh nghiệp sống, doanh nghiệp chết, có DN thành lập mới, có DN đóng cửa. Đó là quy luật đào thải của thị trường.

Vấn đề là DN trong nước cần xác định đâu là sản phẩm cạnh tranh thế mạnh của mình để đầu tư trọng điểm, từ đó khai thác lợi thế vượt trội để tránh cạnh tranh trực diện với các tập đoàn đa quốc gia.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục