Phiên sáng 31/10: VN-Index chưa thể khuất phục được đỉnh cũ

(ĐTCK) 2 mã cổ phiếu thị trường là DLG và FLC, vốn đang thu hút nhà đầu tư những phiên gần đây đã có những diễn biến trái chiều đầy thú vị trên bảng điện tử. Với diễn biến chung, do thiếu động lực, nên VN-Index chưa thể khuất phục được mức đỉnh cũ trên 1.004 điểm.
Phiên sáng 31/10: VN-Index chưa thể khuất phục được đỉnh cũ

Trong phiên hôm qua, sau ít phút giằng co khi mở cửa, VN-Index đã dần leo lên lên 1.000 điểm nhờ sự hỗ trợ của VIC, VCB, VHM, VRE…Tuy nhiên, lực cầu yếu khiến VN-Index không thể giữ được mốc điểm này sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu đã gia tăng, VN-Index theo đó cũng được kéo lên mức đỉnh 1.004 điểm. Nhưng thêm một lần, chỉ số lại yếu đà vào những phút cuối, nhưng may mắn là mốc 1.000 điểm vẫn được bảo toàn khi đóng cửa.

Theo nhận định của PHS, tín hiệu vượt 1.000 điểm chưa thực sự ấn tượng khi khối lượng sụt giảm so với phiên trước, và không đóng cửa gần mức cao nhất phiên.

Tuy nhiên, tín hiệu cũng không quá tiêu cực khi bóng nến không quá dài. Thị trường sẽ cần tiếp tục cần thêm hai phiên cuối tuần tằng tốt để phát tín hiệu breakout hoàn toàn ngưỡng kháng cự này.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 31/10, ngay khi mở cửa không lâu, chỉ số VN-Index đã tăng nhanh để lấy lại mức đỉnh cũ trên 1.004 điểm, mặc dù sau đó, chỉ số đã yếu đà đôi chút sau hơn 1 giờ giao dịch bởi áp lực từ VNM.

Cổ phiếu lớn MSN là một trong những điểm tựa của chỉ số, khi tăng khá từ sớm, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 tăng mạnh với lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông ở trong quý III/2019 đạt 2.228 tỷ đồng, tăng 197,8% so với cùng kỳ và lũy kế 9 tháng từ đầu năm đạt 4.110 tỷ đồng, tăng 8,7%.

Bên cạnh MSN, một số bluechip khác cũng đang cho tín hiệu tích cực là BVH, HDB, FPT…để hỗ trợ thị trường.

Ngược lại, việc VNM giảm điểm đang là tác nhân chính cản đường chỉ số, cùng ROS, VJC, VRE…

Trên bảng điện tử, DLG tiếp tục tạo “sóng”, sau phiên hôm qua bùng nổ với thanh khoản khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị và tăng hết biên độ, thì sang phiên sáng nay còn ấn tượng hơn với gần 12 cổ phiếu được sang tay chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch và tiếp tục vươn lên sắc tím từ sớm tại 1.670 đồng/cổ phiếu và trắng bên bán.

Trái lại, FLC với 5 phiên trước đều tăng với 2 phiên tăng trần đã gặp áp lực chốt lời rất mạnh từ sớm và giảm xuống mức giá sàn rất nhanh ở 4.750 đồng/cổ phiếu, và khớp hơn 19,3 triệu đơn vị và gần như không có lệnh mua.

Đây cũng là 2 mã penny được giao dịch lớn nhất thị trường sau nửa đầu phiên.

Sau khi bắt đầu yếu đà vào giữa phiên, chỉ số VN-Index lùi dần và có thời điểm chớm đỏ, nhưng vào những phút cuối đã hồi trở lại, mặc dù chỉ nhích không đáng kể. Mặc dù vậy, độ rộng thị trường đang bị số mã giảm chiếm áp đảo đang là tín hiệu cần lưu ý, trong khi rổ VN30 sắc xanh cũng không quá vượt trội.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,09%), lên 1.001,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 129,5 triệu đơn vị, giá trị 2.072,1 tỷ đồng, tăng hơn 41% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 12,8 triệu đơn vị, giá trị 290,3 tỷ đồng.

Xuyên suốt phiên sáng, thị trường nhận được sự hỗ trợ từ các cổ phiếu lớn, bluechip như MSN +1,2% lên 74.900 đồng; BVH +2,1% lên 72.300 đồng; HDB +1,9% lên 29.450 đồng; POW +1,5% lên 13.150 đồng, cùng với sắc xanh khác tại VIC +0,3%; VHM +0,7%; VCB +0,3%; SAB +0,2%; BID +0,3%; CTB +0,4%; CTG +0,4%...

Trái lại, VNM là gánh nặng chính, khi mất 1,3% xuống 130.300 đồng; ROS -1,2% xuống 25.000 đồng; HPG -0,7% xuống 21.850 đồng, và các mã giảm khác như GAS, VJC, NVL, HVN….

Trong số kể trên, ROS vẫn là cổ phiếu được giao dịch mạnh tay nhất với hơn 13,7 triệu đơn vị khớp lệnh. HDB có 2,8 triệu đơn vị; HPG có 2,66 triệu đơn vị; VNM có 1,31 triệu đơn vị; VRE có hơn 1,1 triệu đơn vị. Theo sau là các cổ phiếu ngân hàng như MBB, CTG, STB, TCB và có trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trên bảng điện tử, nhóm họ FLC tiếp tục nằm trong top các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn và đồng loạt giảm sâu.

Trong đó, FLC về mức giá sàn với áp lực bán lan rộng, -6,9% xuống 4.750 đồng, khớp hơn 20,2 triệu đơn vị, cao nhất HOSE và dư bán sàn gần 8,4 triệu đơn vị.

AMD và HAI tuy thoát được mức giá sàn, nhưng kết phiên vẫn giảm sâu, lần lượt -5,7% và -5,8% xuống 1.640 đồng và 1.780 đồng. AMD khớp hơn 3,2 triệu đơn vị, còn HAI khớp 2,8 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có diễn biến trái ngược với mức tăng tốt có DLG +5,7% lên 1.660 đồng; HSG +2,7% lên 7.300 đồng; TLD +4,5% lên 4.890 đồng. Trong đó, DLG khớp lệnh gần 13,5 triệu đơn vị; HSG khớp 4,69 triệu đơn vị và TLD khớp 1,25 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tiêu cực hơn, khi HNX-Index chỉ giữ được sắc xanh nhạt trong nửa đầu phiên, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và giao dịch trong sắc đỏ đến hết phiên.

Nhóm cổ phiếu gây áp lực là ACB -0,4% xuống 24.200 đồng; PVS -1,1% xuống 18.600 đồng; DGC -0,8% xuống 25.800 đồng; MBG -6,9% xuống 40.500 đồng; TNG -0,6% xuống 15.500 đồng. Đáng chú ý còn có 2 mã SCI và C69 giảm mạnh xuống mức giá sàn, trong khi đó, VCR cũng mất 2,8% xuống 17.200 đồng.

Các cổ phiếu còn tăng, tạo điểm tựa để chỉ số không giảm sâu có VCS +0,5% lên 85.800 đồng; VCG +0,4% lên 26.700 đồng; SHB +1,5% lên 6.700 đồng; SHS +1,2% lên 8.200 đồng.

Cổ phiếu nhỏ HUT tăng khá +4,2% lên 2.500 đồng, trong khi KLF lại giảm sàn -7,1% xuống 1.300 đồng.

Khớp lệnh cao nhất sàn là SHB với hơn 2,1 triệu đơn vị; KLF có 1,7 triệu đơn vị; HUT có 1,55 triệu đơn vị; ACB có 0,7 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 29 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,23%), xuống 105,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,16 triệu đơn vị, giá trị 120,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,05 triệu đơn vị, giá trị 36,2 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự HNX, khi chỉ số UpCoM-Index không giữ được sắc xanh lâu, và giao dịch trong sắc đỏ đến khi hết phiên.

Cổ phiếu được giao dịch với thanh khoản chiếm gần một nửa trên UpCoM là BSR với 2,24 triệu đơn vị, tăng 2,1% lên 9.800 đồng.

Cùng có được mức điểm tăng còn có VGI, LPB, MSR, SIP, NHH, ACV, QNS...trong khi đó GVR, VEA, HTM giảm.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%), xuống 56,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,27 triệu đơn vị, giá trị 92,25 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 47.000 đơn vị, giá trị 5,95 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ