Sau 4 phiên liên tiếp tăng trần kể từ khi chào sàn do thiếu cung, trong phiên sáng nay, khi tiếp tục tăng trần và vượt qua mức giá 170.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu SAB túc tắc được bán ra và đây là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch cuối tuần trước khá tích cực nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn như VNM, GAS, VCB…, đặc biệt là SAB tiếp tục duy trì đà tăng trần liên tiếp kể từ ngày chào sàn.
Chào sàn ngày ngày 6/12 với mức giá tham chiếu 110.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức giá 160.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC, cổ phiếu SAB nhanh chóng tạo sức hút khi lực cầu đua mua giá trần được tung vào. Tuy nhiên, với mức giá thấp hơn giá trên thị trường OTC trước khi chào sàn, không ai nhà đầu tư nào dại để ra hàng, chưa kể phần lớn cổ phiếu đang do Nhà nước sở hữu. Trong 4 phiên giao dịch của SAB chỉ có một số lệnh bán ra nhỏ giọt để giúp SAB xác định được mức giá khớp lệnh trong ngày và dĩ nhiên đó là mức giá trần.
Trong hàng triệu cổ phiếu được đặt ở mức dư mua trần và ATO, hay ATC, có nhiều lệnh mua của nhà đầu tư nước ngoài, với kỳ vọng mua được mặt hàng tốt này.
Trong phiên giao dịch sáng nay, mức giá trần của SAB là 172.800 đồng, tức cao hơn 8% so với mức giá trên thị trường OTC trước ngày chào sàn, nên đã có một số nhà đầu tư tranh thủ hiện thực hóa lợi nhuận, giúp thanh khoản SAB cải thiện hơn đôi chút so với 4 phiên trước đó và cũng tạo điều kiện để khối ngoại có được mặt hàng chất lượng này trong danh mục.
Cụ thể, sáng nay, SAB được khớp 32.690 đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua vào 26.280 đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,92 triệu đơn vị.
Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, cổ phiếu BHN đang giảm 2,48%, xuống 126.000 đồng/cổ phiếu và cũng chỉ được giao dịch nhỏ giọt với 4.700 cổ phiếu được sang tay.
Ngoài SAB, sàn HOSE cũng có thêm một số mã lớn khác duy trì được đà tăng như GAS, MSN, DPM, PVD, KDC và đôi lúc là ROS, giúp VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, sau đó, ROS quay đầu giảm giá, MSN chỉ có mức tăng nhẹ, trong khi VNM, VCB, VIC, BID, CTG đều giảm giá, khiến VN-Index quay đầu.
Trong đó, VNM dù được khối ngoại mua ròng khá tốt, nhưng vẫn giảm 1,34%, xuống 133.900 đồng/cổ phiếu với hơn 0,94 triệu cổ phiếu được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 0,46 triệu đơn vị.
ROS giảm 6,38%, xuống 104.100 đồng với 2,13 triệu cổ phiếu được khớp, thậm chí có lúc mã này đã giảm xuống mức sàn 103.500 đồng.
Các mã lớn khác như VCB, VIC, BID, CTG, BVH… cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không quá lớn. Không chỉ các mã lớn, sắc đỏ hiện cũng xuất hiện ở hàng loạt mã khác trên bảng điện tử.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1,59 điểm (-0,24%), xuống 661,48 điểm với 63 mã tăng và 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52 triệu đơn vị, giá trị 1.164,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8 triệu đơn vị, giá trị 209,5 tỷ đồng.
Trên HNX, nhóm dầu khí cũng đang có diễn biến tích cực, hỗ trợ cho HNX-Index có sắc xanh ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, đà giảm tại ACB, VCG, SHB, PHP, LAS khiến chỉ số này cũng quay đầu giảm điểm.
Đóng cửa phiên sáng, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,42%), xuống 79,27điểm với 33 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 23,49 triệu đơn vị, giá trị 184 tỷ đồng; giao dịch thỏa thuận gần 0,9 triệu đơn vị, giá trị 20,5 tỷ đồng.
Trong số các mã thị giá nhỏ, trong khi cặp đôi HNG-HAG đang có sắc xanh tốt, thì đà số các mã khác đều đang giảm giá, trong đó HQC tiếp tục có phiên dư bán sàn hơn 70 triệu đơn vị. HAR cũng đóng cửa ở mức sàn 2.860 đồng với 2,33 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn 1,68 triệu đơn vị. Các mã khác cũng chủ yếu giảm giá.
Trên HNX, KLF dù có lực cầu khá tốt, nhưng vẫn không thắng nỗi áp lực chốt lời đang rất mạnh, nên tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp và phiên giảm thứ 6 liên tiếp sau chuỗi 10 phiên tăng trần trước đó. Đóng cửa, KLF xuống 2.500 đồng/cổ phiếu, khớp 6 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 1,46 triệu đơn vị. Dù có chuỗi giảm sàn 5 phiên, nhưng so với điểm xuất phát của đợt sóng trước đó (19/11), mức giá này hiện vẫn cao hơn gần 39% (mức giá 18/11 là 1.800 đồng).
Trong khi đó, DST lại âm thầm bứt phá với phiên tăng trần thứ 15 trong 16 phiên giao dịch gần nhất. Chốt phiên sáng nay, DST lên mức giá trần 34.300 đồng với 61.500 đồng được khớp và còn dư mua trần.
Như vậy, cùng có điểm xuất phát đợt sóng từ 19/11, trong khi KLF đã bị chốt lời mạnh trong 6 phiên qua, thì DST chỉ nghỉ chân 1 phiên và đã có chuỗi nổi sóng với mức tăng hơn 300% (kể cửa chia tách cổ phiếu).