Nhóm cổ phiếu chứng khoán quý IV: Những ẩn số bất ngờ

(ĐTCK) Thị trường đang tiến về những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016 với những biến động bất thường. Dự báo các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ có một mùa kết quả kinh doanh, thị phần nhiều thay đổi.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán quý IV: Những ẩn số bất ngờ

Thanh khoản tiếp tục tăng

Tính đến ngày 8/12, VN-Index đã tăng 13,79%, trong năm có thời điểm chạm mức 690 điểm - vượt qua mức đỉnh cao nhất 9 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thị trường có xu hướng xấu đi về cuối năm, chỉ số VN-Index đã giảm 4,3% so với mức tăng 18,9% đến hết quý III. Thanh khoản bình quân của quý IV chỉ đạt 2,921 tỷ đồng/phiên, giảm 5,2% so với mức bình quân trong 9 tháng đầu năm, nhưng vẫn cao hơn 8,81% so với quý IV/2015. Thanh khoản tốt giúp doanh thu mảng môi giới của các CTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại nhóm các CTCK top đầu thị phần giao dịch.

Mảng tư vấn thuận lợi, nhưng không đột biến

Với hàng loạt quyết định, thông tư thúc các công ty đại chúng lên sàn, trong 10 tháng đầu năm, đã có 20 doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), gần 100 công ty đăng ký giao dịch mới trên sàn UPCoM.

Hàng loạt cổ phiếu chào sàn, đấu giá, IPO giúp doanh thu mảng tư vấn của 7 CTCK niêm yết top đầu tăng trưởng gần 19%. Dù không đóng góp nhiều trong tỷ trọng doanh thu nhưng đây là đầu mối quan trọng để CTCK thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp và tăng doanh thu từ các dịch vụ khác, đặc biệt là môi giới, từ đó thúc đẩy thị phần.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán quý IV: Những ẩn số bất ngờ ảnh 2

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là một minh chứng khi có doanh thu tư vấn thuộc nhóm lớn nhất và luôn dẫn đầu thị phần toàn thị trường. Việc lên sàn của các tổng công ty lớn như Habeco (UPCoM), Sabeco (HOSE), Công ty cổ phần Xây lắp điện 1(PC1), thương vụ thoái vốn lớn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), hay hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục IPO, đấu giá,…mảng tư vấn của các CTCK kỳ vọng sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan trong quý IV.

Tự doanh dự báo khó khăn

Từ đầu quý IV, thị trường diễn biến theo chiều hướng xấu dần, nhiều nhóm cổ phiếu đã sụt giảm từ 15 - 30% so với mức đỉnh hồi cuối quý III, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí, mía đường.

Có thể thấy rằng, nếu không có đóng góp của cổ phiếu ROS, hay sự lên sàn của Sabeco (SAB), mức sụt giảm của chỉ số VN-Index có lẽ không chỉ dừng lại ở 4,3%.

Do vậy, mảng tự doanh của các CTCK trong quý IV được dự báo khó đạt được hiệu quả, thậm chí thua lỗ, bởi theo diễn biến hàng năm, vào thời gian nửa cuối của tháng 12, thị trường thường không có đột biến.

Cơn bão margin càn quét

Cho vay ký quỹ (margin) luôn là mảng có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào doanh thu - lợi nhuận của các CTCK. Mặt bằng lãi suất cho vay của năm 2016 tương đối ổn định so với năm trước, nhưng hoạt động vay ký quỹ có phần sôi động hơn nhờ thanh khoản thị trường gia tăng và diễn biến chỉ số thuận lợi, thu hút nhà đầu tư tích cực sử dụng dịch vụ này.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán quý IV: Những ẩn số bất ngờ ảnh 3

Tính đến hết quý III, dư nợ cho vay margin của 7 CTCK kể trên đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 20,26% so với số dư nợ đầu năm. Theo đó, lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng 38,66% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Từ đầu quý IV, thị trường đã chứng kiến nhiều câu chuyện cổ phiếu bất thường lao dốc không phanh như Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư (BII) giảm sàn 18 phiên liên tiếp, mất gần 90% giá trị (tương đương mất hơn 1.200 tỷ đồng vốn hóa); Công ty cổ phần Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) mất 72% giá trị ngay sau khi được đưa vào danh mục ký quỹ từ ngày 6/10 và hàng loạt cái tên khác trong tình cảnh tương tự như Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC), Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu NHP (NHP)...

Gần nhất là cổ phiếu HQC của Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Quân (HQC) đang trải qua chuỗi phiên sàn liên tục với dư bán có phiên hàng chục triệu đơn vị. Với chuỗi giảm như vậy, các hợp đồng cho vay ký quỹ của CTCK rơi vào tình trạng đã chạm ngưỡng xử lý và bán giải chấp không có ai mua, đến khi cổ phiếu được “giải cứu” thì không ít tài khoản đã âm nặng. Nếu nhà đầu tư bỏ của chạy lấy người hoặc gặp khó khăn trong việc thỏa thuập nộp thêm tiền thiếu hụt, các CTCK sẽ phải trích lập dự phòng cho khoản nợ chưa biết bao giờ có thể thu hồi và chắc chắn lợi nhuận trong kỳ sẽ ảnh hưởng đáng kể.

Cho đến nay, tuy chưa có CTCK nào lên tiếng về việc tài khoản bị “cháy” margin, nhưng với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn bất thường, bức tranh lợi nhuận trong quý IV sẽ có những biến động mạnh.

Nóng cuộc chiến thị phần

Nhìn vào thị phần công bố hàng quý của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. HCM có thể thấy, nếu như top 5 CTCK có thị phần lớn nhất ít có biến động với những cái tên quen thuộc thì từ top 5 đến top 10 lại thường xuyên xáo trộn.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, có khi chỉ cần làm được 1 “thương vụ” lớn là thị phần của các công ty sẽ tăng trưởng vượt bậc và một số công ty, dù doanh thu mảng môi giới có tăng trưởng nhưng cũng vẫn bị đánh bật khỏi top 10 do không theo kịp mức tăng đột biến của những công ty khác.

Năm 2016 chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận lớn của các quỹ, tổ chức thoái vốn tại GMD, VHC, FPT,… hay gần nhất trong quý IV là MSN, VSH. Tính đến ngày 7/12, tổng giá trị giao dịch thỏa thuận tăng 57,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa cuối tháng 12, bên cạnh kỳ cơ cấu của 2 quỹ ETF, thị trường chờ đợi kết quả thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại VNM, quy mô ước tính gần 19.000 tỷ đồng. Những thương vụ lớn có thể khiến thị phần quý IV xáo trộn mạnh trong nhóm dẫn đầu.

Với những diễn biến từ đầu quý IV đến nay, kết quả kinh doanh của nhóm các CTCK được dự báo sẽ có một quý đầy khó khăn và bất ngờ. Liệu vẫn là những cái tên quen thuộc đằng sau các thương vụ lớn, top thị phần, hay sẽ có sự xuất hiện của ngôi sao mới? CTCK nào sẽ lộ diện việc “mất lái” khi bị cơn bão margin nhấn chìm trong thời gian qua, là những chủ đề được quan tâm nhất đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán hiện nay.

Nền kinh tế vĩ mô năm 2017 dự báo tăng trưởng ổn định. Với các quy định thúc doanh nghiệp lên sàn và đẩy mạnh lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, năm 2017 được đánh giá là năm thuận lợi cho thị trường nói chung và các CTCK nói riêng tìm kiếm nguồn thu qua môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh, tư vấn hay các thương vụ thỏa thuận lớn.

Tuy nhiên, để thực hiện các thương vụ lớn này,  đòi hỏi CTCK phải có tên tuổi, uy tín, năng lực tài chính và nhất là phải có mối quan hệ sâu rộng để kéo khách hàng về. Ngay cả khi các nghiệp vụ trên đều tích cực, nếu không quản trị rủi ro tốt, CTCK vẫn có thể “chết đứng” trong những cơn lốc như margin vừa qua. Nghề môi giới, những tưởng trải đầy hoa hồng khi ở giữa hưởng doanh thu, nhưng không phải lúc nào cũng thu về quả ngọt.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục