Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán toàn cầu đang có các phiên giao dịch rất hứng khởi, với sóng tăng mạnh kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Diễn biến này trái ngược với thị trường chứng khoán Việt Nam khi giao dịch tuần qua khá yếu.
Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi

Thị trường cổ phiếu Mỹ đã có một tuần tăng giá liên tục, giới đầu tư thậm chí dùng đến những từ có tính biểu cảm mạnh như “cơn thịnh nộ của người mua” hay “thú tính của thị trường” khi mô tả sóng tăng giá kể từ khi ông Trump đắc cử. Điều này có thể hiểu được, bởi kể từ ngày 3/11, chỉ số công nghiệp DOW JONES đã tăng 10,44%, chỉ số S&P500 tăng 8,35% và chỉ số RUSSELL2000 tăng 20,07%. Riêng tuần qua, các chỉ số này tăng tương ứng 3,06%, 3,08% và 5,62%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính, kim loại và khai mỏ dẫn dắt sóng tăng thị trường Mỹ. Chứng chỉ quỹ ETF của State Street Global đầu tư vào nhóm các ngân hàng Mỹ (KRE) đã tăng giá 30,48%, ETF đầu tư vào nhóm kim loại và khai mỏ (XME) tăng giá 29,06%, trong khi ETF của nhóm tài chính (XLF) tăng 21,48% kể từ ngày 3/11 cho tới nay.

Các nhóm cổ phiếu tăng giá tốt kế tiếp là xây dựng nhà ở (XHB + 14.73%); công nghiệp (XLI +13.4%), hàng hóa lâu bền (XLY +9.66%). Các nhóm phòng thủ như hàng hóa thiết yếu (XLP -0.08%) và dịch vụ tiện ích (XLU -0.46%) là kém nhất.

Nhìn vào diễn biến của các nhóm cổ phiếu, chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng giá của chứng khoán Mỹ đang được kích thích bởi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế, song song với tăng đầu tư công và tăng trưởng giá cả. Có thể sự kỳ vọng đang đi xa hơn so với tiến trình thực tế, tuy nhiên đó là thói quen của thị trường chứng khoán.

Tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp trong 2 ngày thứ Tư và thứ Năm (14 - 15/12) theo giờ Việt Nam, thị trường đã kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất lên mức 0,5% - 0,75%, so với mức 0,25% hiện nay. Chỉ số USD (DXY) tuần qua tăng giá 0,92% và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng khiến cho thị trường trái phiếu các kỳ hạn 10 và 20 năm sụt giảm. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm đã chậm đi đáng kể do thị trường đã chuẩn bị cho quyết định của Fed.

Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng có một tuần tăng giá mạnh. Giống như chỉ số công nghiệp DOW JONES, Nikkei 225 đang hướng về ngưỡng 20.000 điểm và xu hướng tăng giá không thể rõ ràng hơn. Yên Nhật tiếp tục yếu so với USD hỗ trợ xuất khẩu và đóng góp vào tăng trưởng GDP của Nhật.

Ở châu Âu, các thị trường bứt phá rào cản tâm lý liên quan đến rủi ro chính trị sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ tiếp tục kích thích kinh tế bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ kéo dài đến tháng 9 năm sau và có điều chỉnh liều lượng.

Tuần qua, chỉ số chứng khoán Đức (DAX) tăng 7,1% và xác lập xu hướng tăng trở lại tính từ đầu năm 2016. Nhìn chung, bức tranh của thị trường cổ phiếu của các nước phát triển cho thấy tâm lý rất lạc quan.

Trở lại với thị trường trong nước, chỉ số chứng khoán của Việt Nam có lúc sụt giảm mạnh, chỉ số VN-Index giảm 2,56%, nhưng sau đó phục hồi trở lại gần mức giá đóng cửa tuần trước. Các cổ phiếu lõi của thị trường, ngoại trừ SAB, như VNM, GAS, VIC, VCB và HPG nhìn chung chưa rõ xu hướng trong ngắn hạn nên dòng tiền vào mua khá yếu.

Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa trung bình như SSI, KDC, DPM, HCM, PVD, TCM, HVG… rõ ràng đang trong xu hướng giảm giá, lượng cung từ phát hành thêm, trả cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP đang tạo áp lực bán rất lớn lên nhiều cổ phiếu. Vì vậy, chỉ số VN-Index có thể phục hồi nhưng chúng tôi thấy phần lớn thị trường thực chất đang đi xuống.

Với độ rộng nghiêng về giảm giá và thanh khoản đi xuống, thị trường nội địa có thể sẽ khó theo kịp xu hướng tăng giá của khu vực và thế giới.

Chiến lược chung cho xu hướng giảm ngắn hạn là tìm cơ hội mua khi thị trường bi quan đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm sau.

CTCK VNDirect

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục