Phiên giao dịch sáng 20/1: Chưa thoát được đà giảm điểm

(ĐTCK) Sự đảo chiều ngoạn mục của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường có những phút le lói xanh. Tuy nhiên, áp lực bán còn khá cao trong khi lực cầu chưa đủ mạnh khiến hai chỉ số trở lại đà giảm điểm.
Phiên giao dịch sáng 20/1: Chưa thoát được đà giảm điểm

Sự hồi phục mạnh cổ phiếu bluechip cùng dòng vốn đầu cơ hoạt động tích cực giúp thị trường có phiên hồi mạnh ngày 19/1. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa trở lại trạng thái cân bằng khiến dòng tiền tham gia còn hạn chế, thanh khoản vẫn ở mức khá thấp.

Các yếu tố tiêu cực bên ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dừng như thông tin vừa công bố, GDP Trung Quốc trong tháng 12/2015 tăng trưởng thấp nhất kể từ khủng hoảng toàn cầu năm 2009, trong khi giá dầu thô vẫn còn nhiều bất ổn.

Trong khi đó, dòng vốn ngoại vẫn không ngừng đẩy mạnh bán ròng. Phiên 19/1, khối ngoại đã bán ròng gần 85 tỷ đồng, gấp tới gần 5 lần so với phiên trước đó.

Với những thông tin không mấy tích cực trên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (20/1), áp lực chốt lời nhanh chóng xuất hiện đầu phiên kéo Vn-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 2,96 điểm (-0,55%) xuống 532,81 điểm. Thanh khoản cũng chỉ nhúc nhắc với khối lượng giao dịch đạt 2,74 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 31,34 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, áp lực bán tiếp tục được đẩy lên cao trong khi tâm lý bất an tiếp tục khiến dòng tiền tham gia hạn chế, thanh khoản không mấy cải thiện.

Hầu hết các cổ phiếu bluechip trong các nhóm lớn như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí đã trở lại giao dịch trong sắc đỏ sau phiên hồi phục tích cực hôm qua (191/). Đặc biệt, các “ông lớn” như VNM, MSN, PVD, GAS là gánh nặng chính của thị trường.

Sau hơn 2/3 thời gian giao dịch, thị trường bất ngờ khởi sắc bởi sự hồi phục ngoạn mục của các cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm khiến Vn-Index thiếu động lực để tăng mạnh, trong khi đó, áp lực bán có phần chiếm ưu thế khiến thị trường nhanh chóng đảo.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,02 điểm (-0,56%) xuống 532,75 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ so với phiên sáng qua đạt tổng khối lượng giao dịch 63,65 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 997,32 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực đạt hơn 9 triệu đơn vị, trị giá 290,79 tỷ đồng, với sự đóng góp của 1,46 triệu cổ phiếu VNM, trị giá hơn 175 tỷ đồng và 4 triệu cổ phiếu CII, trị giá 90,8 tỷ đồng.

Tương tự, nhận được tín hiệu xanh từ sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng le lói sắc xanh trong thời gian cực ngắn và đã đảo chiều giảm điểm trong 30 phút giao dịch cuối. HNx-Index giảm 0,41 điểm (-0,55%) xuống 73,89 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 20,71 triệu đơn vị, trị giá 198,18 tỷ đồng.

Trong khi các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán đã lấy lại cân bằng khi nhiều mã như VCB, MBB, SSI đã trở lại mốc tham chiếu hay BID, EIB, STB chỉ còn giảm nhẹ 1 bước giá thì các cổ phiếu lớn trong nhóm dầu khí vẫn trong vòng xoáy giảm sâu.

Cụ thể, PVD giảm 4,88% xuống 19.500 đồng/CP, GAS giảm 1,88% xuống 31.300 đồng/, PVS giảm 2,94% xuống 13.200 đồng/CP, PVC giảm 3,42% xuống 11.300 đồng/Cp, PVB giảm 3,51% xuống 22.000 đồng/CP…

Bên cạnh đó, các ông lớn như BVH, VNM, BID với sắc đỏ khá đậm nét cũng tác động khiến thị trường suy giảm.

Sau khi xác lập lại mức giá thấp nhất từ khi chào sàn, HAG đã hồi nhẹ, tuy nhiên, đà giảm vẫn còn khá sâu. Chốt phiên, HAG giảm 300 đồng (-3,13%) xuống mức 9.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công hơn 4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thị trường FLC vẫn duy trì mức giá 6.400 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp đạt 7,81 triệu đơn vị.

Trong khi đó, tình trạng trống bên bán vẫn tồn tại ở JVC. Chốt phiên, JVC giữ sắc tím với khối lượng khớp hơn 0,88 triệu đơn vị và dư mua trần 0,7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ còn xuất hiện điểm sáng là KSA. Lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp KSA bứt phá từ mức giá đỏ lên thẳng trần với mức tăng 300 đồng (+5,36%) đứng giá 5.900 đồng/Cp, cùng thanh khoản sôi động đạt 2,82 triệu đơn vị.

Tình trạng thanh khoản suy yếu tiếp tục tiếp diễn trên HNX. Trong hơn 300 mã giao dịch, chỉ có 3 mã thị trường SCR, KLF và TIG có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục