Ngoại trừ phiên 26/11, thị trường hoảng loạn do xuất hiện tin đồn sẽ thanh tra các giao dịch tại các mã có giao dịch lớn, đà giảm điểm của VN-Index tuần qua chủ yếu bắt nguồn từ việc các quỹ ngoại thoái vốn khỏi GAS, PVD và một số mã lớn trước khi đóng quỹ.
Ngoài ra, thông tin về giá dầu thế giới giảm mạnh khiến nhóm cổ phiếu năng lượng trên thế giới lao dốc và dĩ nhiên cũng phần nào ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu dầu khí đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, dù số mã tăng giá chiếm thế áp đảo, nhưng VN-Index không thể có được sắc xanh cũng là do sức nặng của GAS, PVD.
Theo đánh giá của ông Dương Văn Chung, Giám đốc môi giới CTCK MB, các quỹ sẽ kết thúc việc thoái vốn vào 4/12 tới đây. Khi cổ phiếu GAS, PVD hồi phục, chắc chắn thị trường sẽ hồi phục theo.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay, sắc xanh vẫn chiếm thế chủ đạo trên bảng điện tử và khi GAS và PVD hãm đà rơi, thậm chí có thời điểm chuyển sắc xanh, VN-Index trở về đúng sắc màu của mình, dù chì là sắc xanh nhạt.
Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, VN-Index giảm 0,36 điểm (-0,06%), xuống 566,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,74 triệu đơn vị, giá trị 39,8 tỷ đồng. HNX-Index có sắc xanh ngay khi mở cửa, sau đó đảo chiều đi xuống và rất nhanh chóng quay đầu tăng trở lại.
Sự thận trọng của nhà đầu tư không chỉ diễn ra khi bước vào phiên giao dịch sáng nay, mà đã xuất hiện ở 2 phiên cuối tuần trước, nhất là khi VN-Index vẫn đang chịu sức ép lớn từ GAS và PVD.
Tâm lý thận trong tiếp tục được duy trì khi bước vào đợt giao dịch khớp lệnh liên tục trên HOSE. Các giao dịch diễn ra nhỏ giọt, ngay ở cả các mã vốn có thanh khoản lớn thời gian qua.
Dù lực bán giá thấp gần như đã được tiết giảm, giúp số mã tăng giá được nâng lên hơn 100 mã, nhưng do lực mua còn dè dặt, nên đà tăng của các mã này phần lớn không mạnh, chỉ trên mức tham chiếu 1 - 2 bước giá.
Về cuối phiên, GAS đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1.000 đồng, trong khi PVD cũng về được giá tham chiếu. Chính sự hồi phục của 2 mã này đã giúp VN-Index duy trì sắc xanh và có được phiên tăng điểm đầu tiên sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 3,76 điểm (+0,66%), lên 570,34 điểm với 115 mã tăng và 68 mã giảm. VN30-Index cũng tăng 4,18 điểm (+0,68%), lên 615,33 điểm Với 21 mã tăng và 9 mã đứng giá, không có mã giảm giảm giá.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,62 triệu đơn vị, giá trị 1.085,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 26,4 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,44 điểm (+0,50%), lên 87,86 điểm với 81 mã tăng và cũng có 68 mã giảm. HNX30-Index tăng tốt hơn với 1,12 điểm (+0,64%), lên 176,32 điểm với 14 mã tăng, 5 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,12 triệu đơn vị, giá trị 528,84 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 1 triệu đơn vị, giá trị 5,34 tỷ đồng.
Ngoài GAS và PVD, nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng tốt, hỗ trợ cho thị trường là nhóm bất động sản. Sau khi 2 sắc luật quan trọng của thị trường địa ốc được thông qua, trong đó có nhiều điểm mới, mà điểm nổi bật chính là việc mở rộng cho đối tượng người nước ngoài và Việt kiều mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích đều cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ tạo sóng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu này chưa thể bứt phá, mà lình xình gần tham chiếu, kể cả VIC với thông tin bán hàng tốt tại Dự án Vinhomes Central Park.
Kết thúc phiên, FLC đứng ở mức tham chiếu 11.700 đồng với 14,48 triệu đơn vị được khớp, HQC, ITA, KBC cũng tương tự khi đứng ở tham chiếu, nhưng thanh khoản thấp hơn rất nhiều. Trong khi đó, mã lớn nhất trong nhóm là VIC cũng chỉ còn giữ được mức tăng 200 đồng, lên 48.500 đồng. Cổ phiếu tăng tốt nhất trong nhóm là VPH tăng trần lên 10.800 đồng sau thông tin thoái vốn thành công khỏi CTCK Sen Vàng. Tiếp đó là DHC với mức tăng 600 đồng (+2,51%), lên 24.500 đồng và SJS với mức tăng 500 đồng (+1,96%), lên 26.000 đồng.
Trong khi đó, nhóm vận tải lại tăng vọt khi giá dầu sụt giảm mạnh, đem lại kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực cho nhóm này. Nhiều mã trong nhóm này tăng trần như PJT, SBC, VNA, VOS, VST. Trong đó, với phiên tăng trần này, SBC đã nâng số phiên tăng trần của mình lên co số 11 phiên liên tiếp.
Trên HNX, các cổ phiếu dầu khí lớn như PVS, PVC hiện đang có đà tăng tốt, giúp HNX-Index duy trì đà tăng vững chắc. Tuy nhiên, về cuối phiên, một số cổ phiếu lớn khác như ACB, AAA, KLF lùi về tham chiếu, khiến đà tăng của HNX-Index bị hãm bớt.
KLF vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX, nhưng chỉ còn khớp hơn 4 triệu đơn vị. Tiếp đó là PVX với 3,7 triệu đơn vị, nhưng có được mức tăng nhẹ 100 đồng.