Thị trường vẫn loay hoay khi tiến vào vùng thử thách khó 995-1.000 điểm. Trong phiên sáng nay 29/7 cũng không ngoại trừ, ngay khi tiếp cận ngưỡng 995 điểm, áp lực bán gia tăng đã khiến chỉ số VN-Index trở nên rung lắc và bị đẩy lùi về mức giá thấp nhất khi chốt phiên.
Việc để mất mốc 990 điểm đã khiến lực cầu được kích hoạt ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, giúp VN-Index bật ngược đi lên. Mặc dù áp lực bán vẫn khá lớn nhưng sự hồi phục ở một số trụ đỡ đã kéo chỉ số này vượt qua mốc tham chiếu sau khoảng 45 phút giao dịch.
Bất chấp sắc đỏ chiếm chủ đạo, thị trường vẫn tiếp tục tiến bước khi các mã lớn này đều tìm đến mức giá đỉnh trong ngày, đã kéo VN-Index thẳng tiến qua mốc 995 điểm và leo lên mức cao nhất.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 193 mã giảm và chỉ 109 mã tăng, chỉ số VN-Index tăng 4,59 điểm (+0,46%) lên mức 997,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,82 triệu đơn vị, giá trị 3.552,7 tỷ đồng, giảm 3% về lượng và 14,51% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (26/7). Giao dịch thỏa thuận đạt 34,44 triệu đơn vị, giá trị 803,38 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, bộ 3 trụ đỡ chính giúp thị trường khởi sắc là VIC, GAS, VCB.
Trong đó, sau phiên nghỉ ngơi hôm qua, VIC đã tiếp tục trở lại trường đua và xác lập mức đỉnh mới khi kết phiên hôm nay tăng 1,88% lên 123.800 đồng/CP; tương tự, cổ phiếu lớn ngành ngân hàng là VCB cũng tìm được mức đỉnh mới tại 81.000 đồng/CP, tăng 3,18%. Còn GAS tăng 2,78% và cũng kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 111.000 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã lớn khác như VHM, MSN, VJC, NVL cũng có được sắc xanh nhạt.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ VCB bùng nổ, các mã khác vẫn giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu như CTG giảm 1,2% xuống 20.950 đồng/CP, BID giảm 0,8% xuống 35.500 đồng/CP, STB giảm 1,3% xuống 11.000 đồng/CP…
Cổ phiếu HPG chịu thêm sức ép từ nhà đầu tư ngoại khi bị bán ròng hơn 0,6 triệu đơn vị, đã chính thức quay đầu giảm sau 2 phiên tăng nhẹ cuối tuần trước. Kết phiên, HPG giảm gần 2% xuống 22.100 đồng/CP và là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với 6,95 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip phân hóa thì nhóm vừa và nhỏ chịu áp lực bán khá mạnh khi hầu hết các mã quen thuộc đều đứng dưới mốc tham chiếu như FLC, SCR, DLG, HAG, ASM, KBC…
Trên sàn HNX, áp lực bán khá lớn khiến thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ.
Kết phiên, HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,05%) xuống 105,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,66 triệu đơn vị, giá trị 310,39 tỷ đồng, giảm 12,68% về lượng nhưng tăng 12,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (26/7). Giao dịch thỏa thuận đạt 4,59 triệu đơn vị, giá trị 44,48 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tạo sức ép với ACB giảm 1,71% xuống 23.000 đồng/CP, NVB giảm 1,2% xuống 7.900 đồng/CP, SHB giảm 1,44% xuống 6.900 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng gia tăng gánh nặng như PVS giảm 2,2% xuống 22.200 đồng/CP, PVI giảm 1,89% xuống 36.400 đồng/CP, VCS giảm 2,98% xuống 74.900 đồng/CP…
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm PVS với hơn 4,1 triệu đơn vị được khớp lệnh, KLF khớp 2,5 triệu đơn vị, SHB khớp 1,48 triệu đơn vị, ACB và Ceo cùng khớp hơn 1,2 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến cũng khá rung lắc trong phiên chiều, tuy nhiên nhờ lực đỡ từ một số mã lớn đã giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,62%) lên 59,18 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,84 triệu đơn vị, giá trị 214,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 95 tỷ đồng.
Cổ phiếu GVR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 1,4 triệu đơn vị được giao ịch thành công và kết phiên tại mức giá 14.900 đồng/Cp, tăng hơn 2%.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VGI tăng 1,95% lên 31.400 đồng/CP, ACV tăng 1,2% lên 83.000 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có hợp đồng nào được giao dịch ở phiên này.
Ngược lại, hợp đồng phái sinh VN30 giao dịch khá tích cực, trong đó mã VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 81.725 đơn vị được giao dịch thành công, khối lượng mở 21.003 đơn vị. Trong 4 hợp đồng phái sinh VN30 thì có 3 hợp đồng giảm điểm và chỉ duy nhất VN30F1912 tăng nhẹ.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 2 chứng quyền tăng và 14 chứng quyền giảm. Về thanh khoản, CVNM1901 tiếp tục dẫn đầu với 22.879 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMWG1903 với 20.753 đơn vị.