Tuổi 20, TTCK có thể hiện thực hóa đề xuất T+0

(ĐTCK) Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, cơ chế giao dịch cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày (còn gọi là T+0) đang được VSD tích cực phối với các thành viên triển khai, phấn đấu áp dụng ngay sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng, dự kiến trong năm 2020. 
Thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai T+0 Thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai T+0

Cơ chế giao dịch trong ngày quy định tại Thông tư số 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đang được triển khai đến đâu, thưa ông?

Cơ chế giao dịch cho phép vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày (còn gọi là T+0) là một trong những cơ chế giao dịch mới, cho phép nhà đầu tư mua chứng khoán và bán luôn trong ngày giao dịch, hoặc bán chứng khoán sau đó mua hoặc vay chứng khoán để thực hiện, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, đây là cơ chế giao dịch tương đối phức tạp, đặc biệt liên quan đến vấn đề xử lý rủi ro.

Tuổi 20, TTCK có thể hiện thực hóa đề xuất T+0 ảnh 1

Ông Nguyễn Sơn

Mặc dù cơ chế giao dịch trong ngày đã được quy định tại Thông tư 203/2015/TT-BTC, song để triển khai, cần thiết lập được hệ thống vận hành, văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm giảm thiểu rủi ro thanh toán cho nhà đầu tư cũng như cho toàn thị trường. Để triển khai cơ chế này, ngoài việc sử dụng cơ chế vay và cho vay chứng khoán, còn phải sử dụng cơ chế mua bán chứng khoán cưỡng chế (sell out, buy in).

Ngay từ khi Thông tư 203/2015/TT-BTC ra đời, VSD đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là về cơ chế phòng ngừa rủi ro cho giao dịch vừa mua vừa bán chứng khoán trong ngày. Trong năm 2018, VSD đã nghiên cứu xây dựng bài toán nghiệp vụ cụ thể cho cơ chế giao dịch này để tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường.

Năm 2019, VSD tập trung xây dựng các quy trình, quy chế hướng dẫn, lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho thành viên, phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch, thành viên thị trường, ngân hàng thanh toán thực hiện kiểm định hệ thống để có thể sẵn sàng triển khai cơ chế giao dịch này sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới của thị trường được đưa vào sử dụng dự kiến trong năm 2020.

Tuy nhiên, do đây là cơ chế giao dịch mới, tiểm ẩn không ít rủi ro về thanh toán, nên để triển khai thành công, bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức hạ tầng thị trường bao gồm VSD, các sở giao dịch chứng khoán, thì tiến độ triển khai còn phụ thuộc vào tiến độ của các thành viên thị trường, đặc biệt trong vấn đề thiết lập cơ chế kiểm soát rủi ro và xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán. Theo tôi, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để cơ chế giao dịch trong ngày được triển khai thành công.

Hiện vẫn có các trường hợp công ty chứng khoán phải sửa lỗi sau giao dịch. Hiện tượng này ảnh hưởng thế nào đến việc triển khai giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày?

Những năm gần đây, kỷ luật thanh toán đã được các thành viên tuân thủ khá tốt, rất ít trường hợp thành viên phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán do thiếu tiền thanh toán (trong giai đoạn 2015 - 2018, chỉ có 1 trường hợp phải sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán).

Tuy nhiên, thống kê hàng năm của VSD cho thấy, vẫn có các trường hợp phải sửa lỗi sau giao dịch, xử lý lỗi, thậm chí phải lùi thời hạn thanh toán, hoặc loại bỏ thanh toán do kiểm soát không tốt ký quỹ của khách hàng. Các trường hợp nói trên không loại trừ đối với các công ty chứng khoán lớn hiện nay.

Cụ thể, năm 2018, có 342 giao dịch phải sửa lỗi, 17 giao dịch xử lý lỗi, 1 giao dịch phải lùi thời hạn thanh toán và 15 giao dịch phải loại bỏ không thanh toán do thành viên vi phạm kỷ luật thanh toán. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 116 giao dịch phải sửa lỗi, 47 giao dịch phải xử lý lỗi, 4 giao dịch phải lùi thời hạn thanh toán và 3 giao dịch phải loại bỏ thanh toán.

Thực tế trên cho thấy, rủi ro công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán khi triển khai thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày là hiện hữu và cần được quan tâm, cân nhắc một cách thận trọng khi so sánh với lợi ích do giao dịch này mang lại.

Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các thành viên thị trường phải xây dựng được quy trình quản lý rủi ro chặt chẽ cũng như đảm bảo nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng trong trường hợp kiểm soát rủi ro không tốt. Đối với cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, xử lý các rủi ro có thể phát sinh.

Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với các công ty chứng khoán không tuân thủ hoặc tuân thủ không tốt các quy định về quản lý rủi ro, đặc biệt trong trường hợp triển khai cơ chế giao dịch trong ngày. Theo đó, việc triển khai hoạt động giao dịch trong ngày sẽ được triển khai sau khi hội tụ đủ các điều kiện cần thiết nêu trên.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE chấp thuận nâng hạng trong tháng 9 tới. VSD có sự cải thiện gì trong khâu bù trừ thanh toán chứng khoán để góp sức cho thị trường đạt được các tiêu chí nâng hạng?

Những năm gần đây, vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đang được cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Việc nâng hạng thị trường sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút được dòng tiền nước ngoài nhiều hơn, góp phần tăng sức hút đối với các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư lớn.

Để được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức xếp hạng thị trường. Hiện có 2 tổ chức xếp hạng thị trường uy tín trên thế giới với các bộ tiêu chí khác nhau là FTSE Russell (công ty xếp hạng chỉ số trực thuộc Sở Giao dịch London) và Morgan Stanley Capital Investment (MSCI).

Theo các tiêu chí của FTSE thì các thị trường chứng khoán thế giới được xếp thành 4 cấp độ: các thị trường phát triển, các thị trường mới nổi phát triển, các thị trường mới nổi sơ cấp và các thị trường cận biên, tùy vào mức độ đáp ứng các tiêu chí do tổ chức này đưa ra (21 tiêu chí cho thị trường phát triển, 15 tiêu chí cho thị trường mới nổi phát triển và 9 tiêu chí cho thị trường mới nổi sơ cấp).

Tháng 8/2018, theo đánh giá sơ bộ của FTSE Rusell, thị trường Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được 9 tiêu chí để xếp vào danh sách chờ nâng hạng thành thị trường mới nổi sơ cấp. Tuy nhiên, đến nay, sau khi đánh giá lại các tiêu chí thì thị trường Việt Nam hiện có một số tiêu chí chưa đạt yêu cầu của tổ chức này, trong đó có vấn đề nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề quản trị công ty, tính minh bạch của thị trường, chuẩn mực báo cáo tài chính theo IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) và cơ chế thanh toán chứng khoán.

Hiện tại, cơ chế thanh toán cho thị trường Việt Nam vẫn còn một số quy định đang áp dụng cơ chế ký quỹ trước 100% giá trị giao dịch và các giao dịch không đủ tiền sau khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ, lùi thời hạn thanh toán thì sẽ bị loại bỏ không thanh toán. Như vậy, cơ chế thanh toán hiện hành mới chỉ đáp ứng được một phần tiêu chí thanh toán do FTSE đặt ra. Để cải thiện vấn đề này, về mặt pháp lý cần xem xét lại yêu cầu ký quỹ trước 100% giá trị giao dịch.

Về cơ chế thanh toán và hỗ trợ sau giao dịch, trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường, VSD sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm sau giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó đáp ứng các yêu cầu về nâng hạng thị trường.

Cụ thể, trong giai đoạn tới, VSD sẽ tập trung nghiên cứu triển khai nghiệp vụ thanh toán đối với giao dịch chứng khoán trong ngày, bán chứng khoán chờ về; nghiên cứu để sẵn sàng triển khai dịch vụ quản lý chứng khoán thế chấp tại VSD ngay sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi thế hệ 2 được ban hành; phối hợp với các sở giao dịch nghiên cứu cơ chế bù trừ thanh toán cho sản phẩm hợp đồng tương lai trên các bộ chỉ số mới, các loại hợp đồng quyền chọn; nghiên cứu thiết lập mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở nhằm tránh trường hợp phải hủy bỏ không thanh toán và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như đáp ứng yêu cầu về bù trừ và thanh toán trong nâng hạng thị trường.

Ngoài ra, VSD đang hướng tới nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của VSD nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và nhà đầu tư như công nghệ Big Data, Blockchain, dịch vụ sổ cổ đông điện tử, cổng giao tiếp điện tử với tổ chức phát hành...

Bên cạnh đó, VSD sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan, trao đổi với các tổ chức xếp hạng thị trường (FTSE, MSCI) về quy định, cách thức vận hành, các hoạt động sau giao dịch và hỗ trợ giao dịch để các tổ chức này có những nhận định chính xác, khách quan, đúng đắn và toàn diện về thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như những vướng mắc để tháo gỡ kịp thời.

Tôi tin rằng, những nỗ lực trên đây của VSD đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn và thiết thực hơn quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục