Kiến tạo dư địa mới cho thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ, theo sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) cả về quy mô và chất lượng. 
Đến nay, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4,34 triệu tỷ đồng, tương đương 78,5% GDP năm 2018 Đến nay, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4,34 triệu tỷ đồng, tương đương 78,5% GDP năm 2018

Sau 19 năm phát triển, TTCK đã đạt được những dấu ấn quan trọng nào, thưa ông?

Trải qua chặng đường 19 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ với nền tảng ngày càng vững chắc, từng bước hoàn thiện về cấu trúc, mở rộng về quy mô.

Đến nay, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4,34 triệu tỷ đồng, tương đương 78,5% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.

Thị trường trái phiếu chính phủ đạt quy mô niêm yết trên 20% GDP, đóng góp tích cực vào việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện cơ cấu nợ của Chính phủ.

TTCK phái sinh dù mới hoạt động được 2 năm, nhưng phát triển hơn mong đợi, khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 6 tháng đầu năm 2019 và số lượng tài khoản giao dịch tăng 30% so với cuối năm 2018. Trong nửa đầu năm 2019, TTCK Việt Nam đón nhận thêm 2 sản phẩm mới là chứng quyền có bảo đảm giao dịch từ ngày 28/6 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ giao dịch từ ngày 4/7.

Kiến tạo dư địa mới cho thị trường chứng khoán ảnh 1

Ông Phạm Hồng Sơn

Như vậy, trải qua 19 năm phát triển, cấu trúc của thị trường ngày càng được hoàn thiện theo hướng bao gồm đầy đủ các loại thị trường và đa dạng sản phẩm.

Trong nhiều năm, TTCK Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển, cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. Tính từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) liên tục vào ròng trên TTCK Việt Nam ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 - 2018).

Trong bối cảnh tình hình tài chính, chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và thị trường cận biên diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2019, thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đạt 1,28 tỷ USD. TTCK Việt Nam đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai.

Sự phát triển đó của TTCK có đóng góp ra sao đối với sự phát triển của nền kinh tế, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Sự phát triển của TTCK đã mở ra kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời tạo ra kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua TTCK, nhiều doanh nghiệp đã huy động được nguồn vốn lớn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời tạo dựng hình ảnh, uy tín cho doanh nghiệp.

TTCK đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp. Việc tăng cường quản trị công ty đã giúp nâng cao chất lượng hoạt động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Công bố, minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp không chỉ giúp cho nhà đầu tư, thị trường có đầy đủ thông tin nhằm đánh giá đúng doanh nghiệp, mà còn giúp nâng cao tính công khai, minh bạch của nền kinh tế.

Qua đó, hỗ trợ cơ quan quản lý trong quá trình hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế theo tín hiệu thị trường. Một TTCK minh bạch hơn cũng góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lăng kính của nhà đầu tư quốc tế.

Đâu là những định hướng lớn mà UBCK đang tập trung thúc đẩy, để TTCK đạt được những bước tiến dài khi bước vào chặng đường phát triển tiếp theo?

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCK tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển TTCK cả về quy mô và chất lượng, hướng tới một TTCK phát triển ổn định, minh bạch và bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, một số định hướng lớn mà UBCK đang tập trung thúc đẩy gồm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thành xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và tiếp tục dự thảo các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho TTCK phát triển hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, nỗ lực triển khai các giải pháp tái cấu trúc TTCK theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Thứ ba, triển khai thực hiện Đề án “Thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 32//2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để quản lý, vận hành TTCK một cách an toàn, hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường mở cửa, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, rà soát, hoàn thiện các giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam.

Bên cạnh đó, UBCK sẽ phải thực hiện các giải pháp đồng bộ về thanh tra, giám sát, đảm bảo cho TTCK phát triển bền vững.

Việc sửa Luật Chứng khoán đúng vào thời khắc TTCK bước sang tuổi 20, theo ông, điều này có mở ra một giai đoạn phát triển mới cho TTCK, đặc biệt là trong việc nâng tầm thị trường để đảm đương rõ nét là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp?

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là cần thiết. Dự án Luật đã trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 6 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Dự thảo Luật bao gồm 10 chương, 135 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 98 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 30 điều và giữ nguyên 8 điều, bao gồm nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung như: chào bán chứng khoán; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán; công bố thông tin trên TTCK; thanh tra, xử lý vi phạm...

Chúng tôi tin tưởng rằng, những sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ tạo cơ sở, nền tảng pháp lý mở ra giai đoạn phát triển mới cho TTCK, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, tạo cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục