Tiếp nối đà hồi phục, VN-Index mở cửa phiên sáng nay với sắc xanh nhạt, nhưng chỉ số này không thể bứt phá do dòng tiền tỏ ra thận trọng, thậm chí có lúc chớm đỏ. Dẫu vậy, nhờ sự ổn định của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên sáng.
Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường có phần bớt buồn tẻ hơn, nhưng cả bên mua và bên bán vẫn tỏ ra thận trọng. Theo đó, VN-Index tiếp tục lình xình với sắc xanh nhạt, thanh khoản nhúc nhắc tăng.
Đóng cửa, với 146 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index tăng 1,86 điểm (+0,2%) lên 924,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 155,6 triệu đơn vị, giá trị 4.042,82 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 21/11.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 41,2 triệu đơn vị, giá trị 1.597 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 13,6 triệu cổ phiếu HDB, giá trị gần 429 tỷ đồng; 4,63 triệu cổ phiếu MCP, giá trị gần 109 tỷ đồng; 8,02 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 177,3 tỷ đồng; 0,93 triệu cổ phiếu VJC, giá trị gần 126 tỷ đồng...
Một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt có sự phân hóa rõ nét nhất là nhóm ngân hàng khi VPB, STB, HDB, TPB tăng điểm, trong khi CTG, VCB, BID, MBB, EIB giảm điểm, còn TCB đứng giá tham chiếu.
VPB giao dịch tích cực nhất với mức tăng 3% lên 22.450 đồng, khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Tiếp đó là STB khi tăng 1,2% lên 12.400 đồng, khớp lệnh 4,899 triệu đơn vị. Ngược lại, VCB giảm 1,1% về 54.800 đồng, CTG giảm 1,5% về 22.950 đồng (khớp 3,3 triệu đơn vị)...
VIC bất ngờ bứt lên trong đợt khớp lệnh ATC khi đang ở sắc đỏ tăng lên mức cao nhất ngày 98.000 đồng (+0,7%), cùng với sự ổn định của VHM khi tăng 1,6% lên 77.000 đồng để hỗ trợ cho sắc xanh của Index. Tuy nhiên, VRE giảm 0,9% về 31.300 đồng. VIC khớp lệnh cao nhất nhóm, đạt 1,3 triệu đơn vị.
Đóng góp tích cực vào đà tăng chung còn phải kể đến VNM (+0,8%), MSN (+1%), PNJ (+1), MWG (+1,1%), BHV (+2,3%)...
Với nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa cũng diễn ra rõ nét. Trong khi QCG, FLC, ITA, ASM, DXG, SCR, DLG... tăng điểm, thì HAG, HNG, KBC, OGC, ROS, HQC... giảm điểm.
Thanh khoản nhóm này cũng không mạnh. Trong đó, đáng chú ý là lực cầu bắt đáy sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp và giảm sàn đầu phiên sáng nay giúp QCG đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 2,3% lên 6.200 đồng với 4,7 triệu đơn vị được khớp.
Trên sàn HNX, đà tăng tích cực hơn so với HOSE, nhưng về cuối phiên đã giảm khá đáng kể do khi một số mã vốn hóa cũng như bluechips yếu đà.
Đóng cửa, với 69 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,653%) lên 104,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,99 triệu đơn vị, giá trị 536 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 21/11.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 4,37 triệu đơn vị, giá trị 36,8 tỷ đồng. Đáng chú ý có 3 triệu cổ phiếu SDD được thỏa thuận ở mức giá trần, giá trị 10,8 tỷ đồng.
Sắc xanh của sàn HNX có sự đóng góp tích cực của mã vốn hóa lớn nhất sàn ACB khi tăng gần 1,8% lên 29.400 đồng và khớp lệnh 4,4 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Cùng với đó là mức tăng tốt của PVI, VCS, CEO, SHS, VC3, PLC, PGS... trong đó CEO khớp 2,04 triệu đơn vị, tăng 4,7% lên 13.500 đồng.
Trong khi đó, nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips lùi về tham chiếu như SHB, VCG, VGC, hay giảm điểm như VS, PVC, HUT..., trong đó SHB khớp 3,97 triệu đơn vị, PVS khớp 2,85 triệu đơn vị (-2% về 19.400 đồng), HUT khớp 1,16 triệu đơn vị (-2,3% về 4.300 đồng).
Hôm nay là ngày diễn ra đợt đấu giá bán tổng cộng hơn 348,9 triệu cổ phần VCG của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC (254,9 triệu cổ phần) và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội - Viettel (hơn 94 triệu cổ phần) với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị tối thiểu hơn 7.400 tỷ đồng.
Cuộc đấu giá này thu hút sự quan tâm không chỉ bởi giá trị lớn, mà còn đến từ sự bí ẩn của 4 nhà đầu tư tham gia đấu giá, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, CTCP Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông.
Tuy nhiên, trên thị trường, diễn biến cổ phiếu VCG chỉ lình xình quanh mức tham chiếu 18.500 đồng và đóng cửa ở mức giá này, thanh khoản cũng không mạnh, đạt 1,67 triệu đơn vị.
Nằm trong nhóm thanh khoản cao (1-2 triệu đơn vị) còn có HJS, NVB, KLF, ART, nhưng chỉ ART là tăng điểm, còn lại đều đứng giá.
SRA tiếp tục nóng rãy tay khi tiếp tục tăng trần lên 55.400 đồng, cũng là phiên trần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tuần. Cùng có sắc tím là PVX, DTD, TST, UNI...
Ngược lại, các mã HKB, DCS, SLS, NHP, LM7... đồng loạt giảm sàn.
Trên sàn UPCoM, sắc xanh tuy chịu thử thách nhưng vẫn đứng vẫn khi nhiều mã lớn tăng điểm, thanh khoản tăng cao.
Đóng cửa, với 89 mã tăng và 65 mã giảm, UPCoM-Index 0,1 điểm (+0,19%) lên 52,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 14,50 triệu đơn vị, giá trị 243 tỷ đồng, tăng 90% về khối lượng và 62% về giá trị so với phiên 21/11. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn, chỉ 4,2 tỷ đồng.
BSR dẫn đầu thanh khoản với 3,02 triệu đơn vị được khớp, nhưng giảm 2% về 14.600 đồng. Trong khi đó, 3 mã có thanh khoản đứng sau đều tăng điểm, lần lượt là VGT +5,6% lên 13.200 đồng và khớp 2,69 triệu đơn vị; LPB +4,4% lên 9.500 đồng và khớp 2,65 triệu đơn vị; POW +4,3% lên 14.600 đồng và khớp 1,7 triệu đơn vị.
Nhiều mã lớn khác cũng tăng điểm đi kèm thanh khoản tốt như VEA, MPC, QNS, HVN, GEG.