Phiên sáng 22/11: Nhà đầu tư dè dặt, VN-Index nhích nhẹ

(ĐTCK) Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường dao động trong biên độ hẹp với diễn biến kém phần sôi động trong phiên giao dịch sáng nay.
Phiên sáng 22/11: Nhà đầu tư dè dặt, VN-Index nhích nhẹ

Lực mua từ cuối phiên hôm qua đã được nối tiếp sang nửa đầu phiên sáng hôm nay, qua đó đưa VN-Index trở lại ngưỡng 925 điểm, mặc dù sự thận trọng của dòng tiền là điều có thể nhìn thấy, khi biên độ tăng giảm của nhiều mã cổ phiếu là không thực sự lớn.

Trong phiên hôm qua, mặc dù gặp khó khăn ngay khi mở cửa do ảnh hưởng từ đà giảm chung từ chứng khoán toàn cầu cùng tâm lý thận trọng bao trùm.

Nhưng nỗ lực trong phiên chiều của nhà đầu tư đã kéo chỉ số trở lại tham chiếu và còn có thêm được vài điểm trong đợt khớp ATC nhóm cổ phiếu họ Vingroup, nhất là VRE và 2 cổ phiếu lớn VNM và VCB nới đà tăng.

Theo PHS, nhìn chung thị trường vẫn đang giữ được nhịp hồi phục bất chấp diễn biến thị trường thế giới đang diễn biến khá xấu, vì vậy đối với các nhà đầu tư chịu đựng được rủi ro vẫn có thể cân nhắc mở vị thế mua thăm dò các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 22/11, VN-Index nhích nhẹ lên trên 925 điểm ngay khi mở cửa, sau đó rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trước khi cố gắng tìm đường đi lên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Trên bảng điện tử, sắc xanh đang có phần chiếm ưu thế, nhưng cũng không quá lớn. Các bluechip cũng tương tự, khi có sự cân bằng giữa nhóm cổ phiếu xanh và đỏ.

Tuy nhiên, nhờ các mã lớn phần lớn đang giữ mức giá trên tham chiếu, trong khi các mã khác mất điểm cũng không đáng kể đã làm lực đỡ cho thị trường.

Trừ phần nào đó là TCB, khi có thời điểm bất ngờ rơi xuống mức giá sàn, nhưng may mắn là cũng không lâu sau đã trở lại, thậm chí còn có mức tăng điểm nhẹ.

Dòng tiền phân hóa khá rõ ràng, và đặc biệt có sự chú ý đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, ITA tiếp tục được nhà đầu tư tìm mua, khi khớp lệnh cao nhất HOSE sau nửa đầu phiên.

Tiếp đến là sự trở lại của YBM, khi thanh khoản gia tăng và được kéo lên mức giá trần từ sớm lên 19.200 đồng.

Ngược lại, cổ phiếu QCG tiếp tục bị xả mạnh, giảm xuống mức giá sàn 5.640 đồng và trắng bên mua.

Sau khi có thông tin ông Nguyễn Quốc Cường bất ngờ từ nhiệm thành viên HĐQT Công ty, cổ phiếu QCG đã có 2 phiên giảm mạnh và bị bán tháo mạnh trong phiên hôm qua khi có thông tin ông Cường cũng rời luôn vị trí Phó tổng giám đốc Công ty.

Tuy nhiên, vào nửa cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy gia tăng đã hấp thụ hết lượng dư bán sàn, giúp QCG hãm đà rơi.

Ngoài ra, một mã nhỏ khác là APG cũng có diễn biến đáng chú ý, khi biên độ dao động giá khá lớn, khi đảo chiều liên tục từ mức giá sàn đến mức giá trần. Thanh khoản cũng khá tốt với gần 900.000 đơn vị khớp lệnh tính đến thời điểm 10h30’.

Sau khi lên mức đỉnh 926 điểm vào giữa phiên, chỉ số đã thoái lui nhẹ trong thời gian còn lại và chốt phiên chỉ còn tăng nhẹ với thanh khoản suy giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 129 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 1,60 điểm (+0,17%), lên 924,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 81,2 triệu đơn vị, giá trị 1.966,34 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và hơn 11% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,5 triệu đơn vị, giá trị 701,5 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tất cả đều chỉ biến động nhẹ. Trong 30 mã lớn nhất, không mã nào tăng/giảm giảm hơn 1,5%, trừ ROS mất 1,64% xuống 35.900 đồng, và VHM ngược lại, tăng 1,72% lên 77.100 đồng. Một số đứng tham chiếu có VIC, VRE, PLX cùng 2 bluechip BMP và GMD.

Cổ phiếu TCB sau rung lắc dữ dội, có thời điểm xuống mức giá sàn đã trở lại và đi ngang cho đến hết phiên, tăng 0,2% lên 26.550 đồng.

Khớp lệnh cao nhất trong các bluechip là STB với hơn 2,73 triệu đơn vị, mã này tăng 1,2% lên 12.400 đồng; MBB có gần 2,5% triệu đơn vị, giảm 0,2% xuống 21.300 đồng. Nhóm CTG, HSG, HPG, VPB có từ 1 triệu đến 1,9 triệu đơn vị và cùng dắt tay nhau đi xuống.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ITA tiếp tục được nhà đầu tư tìm mua, khi thanh khoản tốt nhất HOSE với hơn 3,27 triệu đơn vị, tăng 2,1% lên 2.900 đồng.

Các mã khác như SCR +2% lên 8.020 đồng, khớp 2 triệu đơn vị; FLC tăng nhẹ 00,6% lên 5.330 đồng, khớp 2,03 triệu đơn vị.

Trong khi đó, YBM giữ vững sắc tím, KMR +3,9% và APG +5,5% sau khi liên tục đảo chiều tăng giảm với biên độ lớn trước đó.

QCG mặc dù thoát mức giá sàn nhờ lực mua bắt đáy, nhưng chốt phiên vẫn mất 5,9% xuống 5.700 đồng, khớp lệnh hơn 2,64 triệu đơn vị.

Cùng với đó là sắc đỏ tại HNG, ASM, OGC, LDG, HAG…khớp lệnh từ hơn nửa triệu đến 1,4 triệu đơn vị, riêng HNG có 2,64 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác trên bảng điện tử là FIR +4,2% lên 37.000 đồng; AGM giảm sàn -6,7% xuống 13.200 đồng; CMX -4% xuống 15.800 đồng…

Trên sàn HNX, HNX-Index tích cực hơn khi tăng khá tốt từ sớm và duy trì mức tăng cho đến hết phiên.

Một số mã lớn tăng khá tốt, hỗ trợ tốt cho chỉ số như ACB +2,1% lên 29.500 đồng; VCS +1,1% lên 76.600 đồng; NTP tăng trần +9,9% lên 46.500 đồng; CEO +5,4% lên 13.600 đồng; VGC +1,3% lên 16.000 đồng; SHS +1,4% lên 14.000 đồng; SHB +1,3% lên 7.600 đồng…

Ngược lại thì nhóm dầu khí là lực cản chính với PVS -0,5% xuống 19.700 đồng; PGS -3,6% xuống 29.800 đồng; PVB -1,1% xuống 18.000 đồng...

Còn lại những VCG, ART, NVB, HUT, VC3, VNR, PTI, HJS đứng giá tham chiếu.

Khớp lệnh cao nhất HNX phiên sáng nay là ACB với hơn 3,2 triệu đơn vị; SHB có 2,66 triệu đơn vị; HJS có 2,05 triệu đơn vị; CEO có 1,44 triệu đơn vị; PVS cũng có 1,44 triệu đơn vị...

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 1,12 điểm (+1,08%), lên 105,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,2 triệu đơn vị, giá trị 342,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,18 triệu đơn vị, giá trị 13,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, mặc dù chớm đỏ khi mở cửa, nhưng chỉ số UpCoM-Index đã nhanh chóng hồi trở lại và tương tự VN-Index, khi đạt đỉnh vào giữa phiên và chỉ bị đẩy lui xuống đôt chút trong những phút cuối.

Hầu hết các mã lớn và có thanh khoản tốt nhất đều tăng như VGT, LPB, POW, VEA, QNS, MPC, OIL, HVN...

Trong khi giảm điểm chỉ còn BSR, DVN, MSR cùng VIB, GVR đứng giá tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index 0,15 điểm (+0,29%), lên 52,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 8,7 triệu đơn vị, giá trị 145,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 106.000 đơn vị, giá trị gần 0,9 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục