Phương thức Dựng sổ mang tính thị trường hơn
Tại Việt Nam, văn bản pháp lý đầu tiên mở ra cơ chế cho áp dụng phương thức dựng sổ là Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng đến nay chưa thể triển khai phương thức bán vốn mới này, vì phải đợi văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước thông qua phương thức dựng sổ có nhiều ưu điểm. Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng, IPO, thoái vốn nhà nước qua dựng sổ giúp xác định giá bán cổ phần theo sát tình hình cung - cầu trên thị trường, chứ không như phương thức đấu giá hiện nay là bên bán cứ đưa ra giá đấu, còn có được bên mua chấp nhận hay không phải chờ kết quả đấu giá mới biết.
Mặt khác, với phương thức dựng sổ, bên bán nắm bắt được lượng cổ phần đưa ra chào bán được hấp thụ ở mức nào, với giá cụ thể là bao nhiêu, chứ không như phương thức đấu giá công khai không lường tính được sức mua của nhà đầu tư.
Khác với phương thức bán vốn qua đấu giá công khai hướng tới nhà đầu tư đại chúng, với tỷ lệ thành công khó cao, phương thức dựng sổ phù hợp với thoái vốn lô lớn, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, nên khả năng thoái vốn thành công cao vì đã xác định được rõ bên mua.
Giám đốc phân tích tại một công ty chứng khoán nhìn nhận: “Phương thức dựng sổ nếu được triển khai chuẩn theo thông lệ quốc tế sẽ giúp cho nhà nước tổ chức IPO các doanh nghiệp, thoái vốn diễn ra minh bạch, chuyên nghiệp hơn so với cách bán theo phương thức đấu giá hiện nay”.
Quan ngại tư duy cũ
Tuy phương thức dựng sổ có nhiều ưu điểm, nhưng để sớm đưa vào áp dụng, điều quan trọng là phải xóa bỏ tư duy cũ của chính doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này xuất phát từ cách bán vốn qua phương thức dựng sổ có những điểm khác so với bán đấu giá công khai.
Ví dụ, một doanh nghiệp muốn bán 20 triệu cổ phần thông qua phương thức dựng sổ, với giá khởi điểm là 20.000 đồng/cổ phần. Trong quá trình dựng sổ, chẳng hạn có 1 nhà đầu tư đăng ký mua 5 triệu cổ phần với giá 25.000 đồng/cổ phần, 1 nhà đầu tư đăng ký mua 5 triệu cổ phần với giá 30.000 đồng/cổ phần và 1 nhà đầu tư đăng ký mua 10 triệu cổ phần với giá 22.000 đồng/cổ phần.
Trên cơ sở kết quả dựng sổ này, bên bán sẽ chốt bán toàn bộ 20 triệu cổ phần với giá 22.000 đồng/cổ phần. Nếu tư tưởng không thông thì sẽ có những ý kiến truy vấn, tại sao nhà đầu tư trả giá 25.000 - 30.000 đồng/cổ phần không bán, mà lại “bán rẻ” với mức giá 22.000 đồng/cổ phần.
Nếu không nhận được sự đồng thuận rộng rãi của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thì dễ dẫn đến những câu hỏi truy vấn rằng, có sự thất thoát trong quá trình bán vốn nhà nước hay không?
Thậm chí, nếu quan ngại này không được giải tỏa sẽ khiến doanh nghiệp e ngại không áp dụng phương thức dựng sổ. Bởi lẽ, khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc mà quy định pháp lý không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, rất có thể lãnh đạo doanh nghiệp bị liên lụy trách nhiệm.
Do đó, ý kiến từ phía doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, để xóa tư duy cũ, qua đó mở đường cho áp dụng phương thức dựng sổ, dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ cần định rõ nguyên tắc, cũng như sự rõ ràng, minh bạch của cơ chế này, để đảm bảo triển khai chặt chẽ, có tính khả thi cao.
Điều 7, Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định, việc bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo các phương thức sau: đấu giá công khai; bảo lãnh phát hành; thỏa thuận trực tiếp; dựng sổ. Đối tượng áp dụng phương thức dựng sổ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc bán cổ phần theo phương thức này. Tùy theo đối tượng và điều kiện mua cổ phần lần đầu, cơ quan đại diện chủ sở hữu xác định phương thức bán cổ phần phù hợp.
Theo dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ, việc xác định khoảng giá dựng sổ phải đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được xác định lại do cơ quan có thẩm quyền công bố và tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai.
Khoảng giá dựng sổ được xác định từ mức giá thấp nhất là mức giá khởi điểm đến mức giá cao nhất bằng mức giá khởi điểm cộng thêm 20% giá khởi điểm. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định cụ thể khoảng giá dựng sổ trong phương án bán cổ phần theo phương thức dựng sổ.