Mở phiên giao dịch sáng nay 17/9, những diễn biến từ thị trường quốc tế khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại, cộng thêm áp lực chốt lời từ các phiên tăng trước đó khiến sắc đỏ lấn át và VN-Index sớm rơi qua tham chiếu. Song, cũng rất nhanh chỉ số này đã bật trở lại khi nhiều mã vốn hóa lớn tăng tích cực. Dẫu vậy, VN-Index đã co hẹp đà giảm khi kết phiên sáng trước lực cung lớn.
Trong phiên chiều, áp lực cung giá thấp không những không giảm, mà còn tăng ở một số thời điểm. Tuy nhiên, VN-Index vẫn tăng một mạch vượt qua mốc 995 điểm và lực đẩy chính vẫn đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Không chỉ giúp VN-Index ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, cổ phiếu vốn hóa lớn cũng hút mạnh dòng tiền, góp phần cải thiện thanh khoản.
Đóng cửa, với 136 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 6,88 điểm (+0,7%) lên 996,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 231,43 triệu đơn vị, giá trị 4.481,93 tỷ đồng, tăng 24% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên 16/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 88,8 triệu đơn vị, giá trị 1.422 tỷ đồng.
Nhiều mã vốn hóa lớn tăng điểm để nâng đỡ VN-Index, trong đó tích cực nhất phải kể đến VHM +2% lên 90.300 đồng, GAS +3,4% lên 107.000 đồng, BID +2,5% lên 41.000 đồng, MSN +2,2% lên 79.500 đồng, NVL +3,6% lên 64.000 đồng…
Ngược lại, cũng có không ít mã gây áp lực lên chỉ số như POW, BHN, ROS, STB… với mức giảm trên 1%.
ROS khớp lệnh 15,4 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, vượt trội so với nhóm còn lại ở mức 4-5 triệu đơn vị như PVD, DLG, MBB, HBC…
Có thể thấy, VN-Index duy trì được đà tăng là nhờ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nếu tính từng nhóm cổ phiếu riêng rẽ thì không có nhiều sự đồng thuận, nhất là tại các nhóm ngành dẫn dẫn dắt.
Chẳng hạn, nhóm ngân hàng ở phiên sáng là lực đẩy chính, thì đã yếu hẳn trong phiên chiều trước áp lực chốt lời gia tăng, chỉ một vài mã còn tăng như BID, VCB, trong khi nhiều mã giảm điểm như MBB, STB, HDB, VPB hay lùi về tham chiếu như TCB, CTG.
Tương tự, nhóm xăng dầu cũng phân hóa rõ nét khi GAS, PVD tăng tích cực, thì POW, PVT, PLX lại giảm điểm.
Chỉ nhóm bất động sản xây dựng là duy trì vững đà tăng, trở thành một trong những trụ đỡ chính của thị trường với sắc xanh trải rộng từ mã lớn đến mã nhỏ như VHM, VRE, NVL, VCG, HBC, DXG, SCR, LDG, TDH, DIG, LGL, HAR, HDC…
Một số mã có giao dịch đáng chú ý như NVT được thỏa thuận 21,72 triệu đơn vị ở mức giá trần 10.000 đồng/CP, giá trị 217,2 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây chính là số cổ phiếu mã Quỹ ngoại Recapital Investments Pte.Ltd thông báo đăng ký bán trước đó, cùng thời điểm với Tổng giám đốc NVT Hoàng Anh Dũng đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, kết phiên, NVT vẫn giảm 3,9% về 9.000 đồng/CP.
FTM tiếp tục lao về mức 4.590 đồng với phiên giảm sàn thứ 23 liên tiếp. Được biết, ông Nguyễn Hoàng Giang đã xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT FTM từ ngày 16/9 và Công ty thông báo trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu theo tổng tỷ lệ 7,5%.
Trên sàn HNX, áp lực chốt lời cũng khiến HNX-Index giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, những nỗ lực hồi phục trong phiên chiều đã kéo chỉ số này kịp vượt qua tham chiếu trước khi kết phiên.
Đóng cửa, với 67 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02 %) lên 102,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,75 triệu đơn vị, giá trị 464 tỷ đồng, tăng 49% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 16/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,68 triệu đơn vị, giá trị 174,2 tỷ đồng.
Mặc dù diễn biến phân hóa mạnh, nhưng việc các mã có tác động đến chỉ số như PVS, VCS, PGS, VNR, NVB… tăng tốt, trong khi các mã PVI, SHB, NTP, PTI, CEO… đã hạn chế đà giảm, nên HNX đã may mắn thoát hiểm.
Trong những mã đóng góp tích cực nhất vào đà hồi phục của HNX là NVB với mức tăng mạnh hơn 7% lên 7.600 đồng. PVS và VCS cùng tăng hơn 2%, trong đó PVS khớp lệnh 4,24 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Trong 4 mã thanh khoản cao tiếp theo thì cả 4 mã đều không tăng, trong đó ACB và SHB giảm nhẹ, SPP giảm sàn, HUT đứng giá. PVX, IDJ, BII, KVC cũng nằm trong nhóm đo sàn phiên này.
Trên sàn UPCoM, diễn biến kém tích hơn so với 2 sàn niêm yết khi gần như chìm trong sắc đỏ trong cả phiên giao dịch, thanh khoản yếu.
Đóng cửa, với 110 mã tăng và 84 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,23%) xuống 56,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,20 triệu đơn vị, giá trị 171 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng, nhưng 15% về giá trị so với phiên 16/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 tỷ đồng.
Ngoài một số mã còn tăng như GVR, VEA, MSR, VRG, SDI…, phần đông mã lớn còn lại giảm điểm như VIB, CTR, VGT, VGI, QNS, MPC…, hay đứng giá như BSR, LPB, ACV…
Về thanh khoản, không có mã nào đạt mức khớp từ 1 triệu đơn vị trong phiên này. Mã có thanh khoản cao nhất là BSR với 0,99 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.
Về các hợp đồng tương lai VN30, cả 4 mã đều tăng. Trong đó, VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 có thanh khoản tốt nhất với 48.471 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.385 hợp đồng.
Với các sản phẩm chứng quyền, trong số 16 mã đang niêm yết, có 7 mã tăng, còn lại là 9 mã giảm. Trong đó, CVRE1901 là mã có thanh khoản cao nhất với 336.210 đơn vị được khớp lệnh, tiếp đến là CFPT1904 với 253.870 đơn vị và cả cùng tăng nhẹ.