Mở cửa phiên hôm qua 16/9, thông tin giá dầu tăng vọt chưa đủ nhiệt để giúp các cổ phiếu nhà P “bốc đầu”. Chính vì vậy, đà tăng của thị trường có phần kém sắc hơn so với phiên trước đó.
Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán gia tăng khiến một số mã lớn thu hẹp đà tăng hoặc đảo chiều giảm, VN-Index giằng co và nỗ lực để lấy lại mốc 990 điểm nhưng bất thành.
Theo nhận định của PHS thì chỉ số hình thành nến có bóng trên, đóng cửa ở khoảng giữa chiều dài nến cho thấy áp lực bán, chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực trong phiên tới. Tuy nhiên, việc chỉ báo MACD đã cắt lên Signal cho khả năng nhịp hồi phục hiện tại sẽ còn tiếp diễn.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay 17/9, diễn biến thận trọng từ cuối phiên hôm qua nối tiếp, chỉ số VN-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó hồi phục và tăng điểm nhẹ lên trên 990 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Mặc dù vậy, áp lực đang ngày một lớn hơn, khi rổ VN30 số mã bluechip giảm điểm đã gấp 2 lần số mã tăng (16 mã tăng, 8 mã giảm), trên bảng điện tử sắc đỏ cũng chiếm ưu thế hơn.
Các mã lớn họ dầu khí đã chững lại và không đóng góp gì nhiều cho chỉ số, khi cặp đôi lớn GAS, PLX diễn biến trái chiều với biên độ tăng/giảm thấp.
Dòng tiền tập trung giao dịch phần lớn tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Một số còn giữ được sắc xanh như SCR, PVD, ASM, IDI, LDG, LGL, HSG, cùng vài cổ phiếu lớn như VRE, VGC, VHM.
Còn lại chìm trong sắc đỏ như DLG, HQC, HAG, DXG, GAB…hay TGG, FTM, TLD, giảm sàn. Trong đó, đáng chú ý có một số nhà đầu tư tiếp tục “bắt dao rơi” FTM với hơn nửa triệu đơn vị khớp lệnh.
Thông tin mới nhất liên quan đến FTM là Chủ tịch HĐQT đã từ nhiệm kể từ ngày 16/9/2019, đồng thời, thông báo trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ tổng cộng 7,5%.
Đáng kể khác có giao dịch thỏa thuận 21,72 triệu cổ phiếu NVT tại mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều khả năng đây là số cổ phiếu của Quỹ ngoại Recapital Investments Pte.Ltd thông báo đăng ký bán trước đó.
Nửa sau của phiên sáng giao dịch không có nhiều thay đổi, dòng tiền chậm chạp và thận trọng khiến thanh khoản suy yếu, chỉ số VN-Index có thêm một nhịp giảm nhẹ sau đó hồi không đáng kể về điểm số vào cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 98 mã tăng và 177 mã giảm, VN-Index tăng 0,77 điểm (+0,08%), lên 990,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 104,88 triệu đơn vị, giá trị 1.978 tỷ đồng, tăng hơn 10% về khối lượng nhưng giảm gần 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,1 triệu đơn vị, giá trị 604,7 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là sức ép lớn nhất đến thị trường, khi đồng loạt giảm do bị chốt lời với VCB -0,3% xuống 80.800 đồng; BID -0,3% xuống 39.900 đồng; TCB -0,4% xuống 22.500 đồng; CTG -0,5% xuống 20.650 đồng; VPB -0,5% xuống 20.600 đồng; MBB -0,6% xuống 23.250 đồng; HDB -1% xuống 26.050 đồng; EIB -2,4% xuống 16.400 đồng; TPB -0,7% xuống 22.350 đồng; STB -1% xuống 10.250 đồng.
Bên cạnh đó, sắc đỏ tại các mã lớn cũng tạo thêm gánh nặng là VIC -0,6%; PLX -0,2%, NVL -0,2%; MWG -0,3%; HVN -0,9% và giảm sâu nhất là ROS, khi mất 2,2% xuống 26.400 đồng…
May mắn còn 8 cổ phiếu tăng điểm tạo sự cân bằng đáng kể cho thị trường VHM +1,6% lên 89.900 đồng; VNM +0,6% lên 122.200 đồng; GAS +1,3% lên 104.700 đồng; MSN +0,8% lên 78.400 đồng; VRE +1,2% lên 34.400 đồng; SAB +0,5% lên 265.400 đồng cùng 2 bluechip CTD +1% lên 97.000 đồng và REE +0,7%.
Khớp lệnh tốt nhất kể trên là ROS với hơn 2,8 triệu đơn vị; VRE có 2,26 triệu đơn vị; HPG có 2 triệu đơn vị và đứng tham chiếu. Nhóm ngân hàng BID, VPB, HDB, CTG, MBB, STB…khớp từ 0,5 triệu đến 1,65 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thị trường đa số giảm, với những cái tên đáng chú ý như TGG, FTM, TLD giảm sàn…trong đó, TGG khớp gần 1 triệu đơn vị; FTM có 0,53 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 7,5 triệu đơn vị.
Một số tăng điểm thu hút dòng tiền chỉ còn PVD +2,8% lên 18.550 đồng, khớp hơn 3,1 triệu đơn vị. SCR tăng nhẹ và có 1,84 triệu đơn vị; ASM +1%, khớp hơn 1,07 triệu đơn vị.
Các mã bất động sản vừa và nhỏ tăng tốt và có thanh khoản khá đáng chú ý có TDH +3,9% lên 10.700 đồng; VGC +2,3% lên 20.000 đồng; LDL +2,8% lên 11.000 đồng; KDC tăng kịch trần +6,8% lên 21.250 đồng…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiêu cực hơn. Sau khi chớm xanh lúc mở cửa, đã đi nhanh xuống tham chiếu và tạm kết phiên trong sắc đỏ với số mã giảm áp đảo.
Theo đó, các mã giảm có ACB -1,3% xuống 22.100 đồng; PVI -0,6% xuống 33.400 đồng; SHB -1,6% xuống 6.300 đồng; CEO -1,9% xuống 10.100 đồng; NTP -1,9% xuống 37.200 đồng; SHS -1,4% xuống 7.300 đồng; VC3 -0,4% xuống 22.500 đồng; C69 -0,8% xuống 26.000 đồng, cùng các mã nhỏ giảm sàn SPP, IDJ, BII, PVX…
Trong khi đó, PVS +2,5% lên 20.700 đồng; VCS +1,5% lên 93.300 đồng; NVB +2,8% lên 7.300 đồng; TNG +0,6% lên 17.800 đồng; DGC +0,8% lên 26.700 đồng…
Khớp lệnh PVS cao nhất sàn với hơn 2,58 triệu đơn vị. SPP có 1,34 triệu đơn vị; ACB có 0,78 triệu đơn vị; NVB khớp 0,63 triệu đơn vị; HUT đứng tham chiếu có 0,49 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 27 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index giảm 0,66 điểm (-0,65%), xuống 101,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12,33 triệu đơn vị, giá trị 169,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,36 triệu đơn vị, giá trị 54,5 tỷ đồng.
Trên UpCoM. Chỉ số UpCoM-Index xanh nhạt thời điểm mở cửa, sau đó xuống dưới tham chiếu và tạo đáy nhanh chóng, và hồi phục nhẹ, nhưng không đủ để cứu chỉ số thoát một phiên giảm điểm.
Lác đác còn một vài cổ phiếu có thanh khoản tốt tăng điểm là BSR, PXL, GVR, HTM. Còn lại đều giảm như VIB, VEA, VGI, CTR, MPC…hay đứng tham chiếu là MSR, NHH, QNS, LPB…
Tân binh MEG sau 6 phiên tăng kịch trần đã tạm thời không có giao dịch trong phiên sáng nay, đứng tại 33.500 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,46%), xuống 56,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 3 triệu đơn vị, giá trị 48,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,15 triệu đơn vị, giá trị 3,88 tỷ đồng.