Nội dung trên đã được các chuyên gia chia sẻ trong phần thảo luận của Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra tại TP.HCM vào sáng 31/10.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn dắt câu chuyện thông qua chuyến thăm và làm việc mới đây tại Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, và đưa ra những cảm nhận cụ thể.
Thứ nhất, Trung Quốc khi xây dựng nhà máy ô tô Tesla, từ lúc có ý tưởng đến hoàn thành chỉ mất 11 tháng; xây dựng trung tâm thương mại lớn như AEON dưới 3 tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam để xây dựng công trình như nhà máy ô tô... thì phải tính bằng năm.
Thứ hai, Trung Quốc hiện có hệ thống đường sắt cao tốc kéo dài nhất thế giới dù họ bắt đầu khá muộn.
Thứ ba, hàng năm, Trung Quốc xây dựng hàng trăm đến hàng nghìn km cao tốc, trong khi Việt Nam đang phấn đấu đến 2030 xây dựng được 5.000 km đường bộ cao tốc.
"Điều này để thấy rằng năng lực của Trung Quốc ở rất nhiều lĩnh vực, không chỉ sản xuất và tất cả chúng ta sẽ phải cùng nhau giải mã", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng đây là câu hỏi không dễ trả lời. Vấn đề quan trọng đó là cần có liên kết vùng, ngành, đặc biệt là cần có “nhạc trưởng” cho vấn đề như chủ để của hội thảo, là “chuyển đổi” từ nhận thức, tuy duy và hành động.
"Bộ Công thương, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thuế quan, và cả doanh nghiệp… ai cũng thấy làm tốt, nhưng tổng hòa lại thì đã là cái tốt lớn hơn hay chưa?", ông Thu đặt câu hỏi.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, họ xây dựng chiến lược phát triển ngành nói chung, trong đó có logistics rất tốt và triển khai rất tốt. Việt Nam cũng có chiến lược tương đối đầy đủ cho các ngành nhưng khâu triển khai thì chưa hiệu quả.
Với Trung Quốc, sự hiệu quả và tốc độ có sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ trong việc tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt tiến ra thị trường nước ngoài, qua đó tạo sự khác biệt trong việc nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tốc độ triển khai của doanh nghiệp Trung Quốc rất đáng nể, họ tích luỹ, lớn lên thành doanh nghiệp toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế, và khi họ qua thị trường khác như thị trường Việt Nam thì các lợi thế này của họ cũng rất phát huy .
Từ góc nhìn của Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPortTM, bài học của Trung Quốc rất rõ ràng với thế giới. Bắt đầu cất cánh từ năm 2000, tới năm 2008, Trung Quốc đã cho thấy bức tranh rất phát triển, cách tiếp cận của họ là tăng cường “kết nối” toàn cầu thông qua hệ thống giao thông đường thuỷ, hàng hải, đường bộ… chiến lược rất rõ ràng để thúc đẩy cơ sở hạ tầng quan trọng khắp Đông Nam Á.
Đồng thời, ông Yap Kwong Weng đã chia sẻ 3 động lực để thúc đẩy sự phát triển ngành logistic của Trung Quốc, đó là tốc độ tăng tốc, tăng cường công nghệ và tính mở rộng.
Trong đó, về công nghệ, tại Trung Quốc không chỉ có các công ty công nghệ cung cấp giải pháp tạo hiệu quả cao mà họ còn phát triển đồng đều phần cứng và phần mềm, điều này đã giúp Trung Quốc có những công ty công nghệ tỷ đô. Công nghệ là đòn bẩy hữu hiệu của họ.
Về tính mở rộng, bên cạnh nguồn lực khổng lồ để có thể mở rộng doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc còn đưa ra nhiều nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, từ đó tăng khả năng đạt mục tiêu chiến lược trong các ngành.
"Sự kết hợp của 3 động lực trên cùng các chính sách vĩ mô, đã giúp Trung Quốc thúc đẩy kinh tế rất tốt. Việt Nam có thể học hỏi một số bài học đáng quý từ câu chuyện Trung Quốc và bổ sung các yếu tố địa phương để phát triển ngành logistics", Tiến sĩ Yap Kwong Weng nhấn mạnh.
Thu hẹp khoảng cách giá hàng hoá Việt Nam - Trung Quốc
Thực tế, hàng ngày lượng hàng đặt qua thương mại điện xuyên biên giới từ Trung Quốc rất lớn. Trong đó, có những mặt hàng trong nước cũng sản xuất được, nhưng mức giá nhập từ Trung Quốc về rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics rẻ. Vậy làm sao để thu hẹp khoảng cách trong bối cảnh cơ sở hạ tầng đang là điểm nghẽn lớn?
Ông Tuấn Anh nhận định, thể chế hiện nay chưa đầy đủ và còn có những chồng chéo, thiếu sự thống nhất. Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc Hội đang diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình sửa Luật Đầu tư công, tập trung phân cấp rất mạnh cho chính quyền địa phương, bộ ngành.
"Chẳng hạn, trước đây dự án vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng sẽ được xem là quan trọng cấp quốc gia, thì nay chúng tôi đề xuất nâng quy mô lên 30.000 tỷ đồng; các dự án thấp hơn thì Bộ trưởng, các cơ quan thẩm quyền có thể phê duyệt, hoặc quy trình sẽ được rút gọn nhiều…", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình sửa 1 luật thành sửa 4 luật, gồm Luật đầu tư, luật Đầu tư đối tác công ty PPP, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, cũng theo hướng tháo gỡ vướng mắc để phân cấp phân quyền, rút thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Về lĩnh vực hạ tầng, ông Tuấn Anh cho biết, các dự án phát triển hạ tầng trước nay triển khai chậm, nhưng vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt dự án 500 kV xây dựng trong 6 tháng, đây là kinh nghiệm có thể chưa áp dụng được với toàn bộ các dự án khác, nhưng qua đây ta có thể thấy nếu có sự nhất trí đồng lòng toàn hệ thống thì ta đang làm được các việc mà trước nay chưa từng làm.
"Hiện Nhà nước đang tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư hệ thống đường bộ, Chính phủ cũng đã trình Quốc Hội xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường sắt kết nối lên phía Bắc, sang Lào đang được nghiên cứu và tái khởi động…"
"Chúng tôi kỳ vọng, những công trình này sẽ được tháo gỡ về thể chế, giải quyết nguồn lực, tập trung đầu tư và thống nhất nhận thức trong việc đầu tư công trình hạ tầng, chắc chắn sẽ có bước chuyển mạnh trong thời gian tới", ông Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm về vấn đề nhiều địa phương có chung biên giới các nước đang đề xuất xây dựng khu phi thuế quan, thậm chí có địa phương xây dựng khu thương mại xuyên biên giới, tuy nhiên, các công trình này đang vướng về luật pháp đang được xử lý.
"Với doanh nghiệp cụ thể như Viettel Post đã đưa ra mô hình cửa khẩu thông minh, nếu áp dụng được đúng mô hình như Lạng Sơn đang thí điểm thì năng lực thông quan nhanh, hoạt động được 24/7, chi phí rẻ… Dù hiện nay đang có những vướng mắc về cơ chế, nhưng chúng tôi đang phối hợp bộ ngành để gỡ dần từng bước", ông Lê Tuấn Anh nói và kỳ vọng tương lai của ngành logistics nói chung sẽ có những bước chuyển mình rất mạnh.