Ông Lê Trọng Minh đánh giá, sau một năm kể từ Hội nghị Logistics Việt Nam thường niên lần thứ nhất với chủ đề Con đường phía trước, Việt Nam tiếp tục được chứng kiến những bước tiến mới trên con đường trưởng thành của ngành logistics Việt Nam với các con số ấn tượng.
Trong đó, nổi bật là logistics đã trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam với tốc độ bình quân khoảng 16%/năm, đóng góp khoảng 4,5% GDP, và logistics Việt Nam đã vươn lên thuộc nhóm 5 quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN.
Con đường phía trước với logistics Việt Nam tiếp tục được dự báo là một con đường thênh thang rộng mở. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, vị trí chiến lược trong các tuyến giao thương quốc tế, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư đang ngày một cải thiện được minh họa rõ nét bởi sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ sau thời gian bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, và đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ trong việc việc đẩy mạnh các đại dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các lĩnh vực đường bộ, đường không, cảng biển, đường sắt, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang mở ra nhiều cơ hội chưa từng có tiền lệ cho ngành logistics Việt Nam phát triển.
Một ví dụ thời sự là trong những ngày này, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đã bàn thảo giải pháp thúc đẩy các chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khơi thông dòng vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng quan trọng…
“Mặc dù vậy, để con đường phía trước của logistics Việt Nam sẽ là con đường màu xanh như nhiều người kỳ vọng không chỉ đơn giản dựa vào những tiềm năng, lợi thế sẵn có mà đạt được. Dù điểm số có cải thiện trên bảng xếp hạng, nhưng vị trí thứ 43 trên toàn cầu về Chỉ số hiệu suất logistics (Logistics Performance Index) hàm ý nhắc nhở rằng, ngành logistics Việt Nam chỉ tiến lên thôi là chưa đủ, mà còn cần phải bứt phá để vượt lên trong một thế giới cũng đang chuyển mình nhanh chóng. Để bứt phá, dứt khoát cần có những chuyển đổi mạnh mẽ”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Vậy chuyển đổi như thế nào để chi phí logistics tại Việt Nam không còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, tăng thêm sức cạnh tranh cho nền kinh tế; Chuyển đổi như thế nào để tháo gỡ những điểm nghẽn, dù đã được nhận diện qua thời gian dài, nhưng vẫn tiếp tục kìm bước chân ngành logistics Việt Nam trên đường chạy bứt phá; Chuyển đổi như thế nào để các doanh nghiệp logistics trong nước chóng xanh hơn, nhanh hơn, mạnh hơn; Chuyển đổi như thế nào để luôn trụ vững nhưng cũng luôn linh hoạt với những biến động khôn lường của chuỗi cung ứng toàn cầu trong một bức tranh địa chính trị phức tạp?
“Chúng ta không tham vọng sẽ kiến giải được hết mọi câu hỏi lớn đó trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, nhưng có thể hy vọng đại diện các cơ quan quản lý, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia hàng đầu trong ngành logistics sẽ gợi mở nhiều ý tưởng cho những bài toán chuyển đổi của ngành logistics để đạt được mục tiêu bứt phá”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết.
Đó có thể là bài toán chuyển đổi trong quản lý nhà nước để tháo gỡ những điểm nghẽn về sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng logistics, bao gồm cả hạ tầng cứng như cảng biển, sân bay, hệ thống kho bãi, và các tuyến đường cao tốc kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm; cũng như hạ tầng mềm như công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đó cũng có thể là bài toán với các doanh nghiệp để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; liên kết, mua bán, sáp nhập để tối ưu hóa hoạt động giảm chi phí, tạo nên sự bứt phá về năng suất và lợi thế cạnh tranh dài hạn...