Xu hướng “chuyển đổi kép” của doanh nghiệp logistics

0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, minh bạch nguồn gốc…
Gemalink đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, khai thác cảng Gemalink đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, khai thác cảng

“Chìa khóa” phát triển bền vững

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam thải ra hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm 85% tổng lượng phát thải. Con số này tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm và dự báo đến năm 2030, ngành vận tải phát thải lên tới 90 triệu tấn CO2.

Do đó, việc áp dụng công nghệ số và tối ưu quy trình không chỉ giúp doanh nghiệp logistics tăng năng suất, giảm chi phí, mà còn giúp ngành này thích ứng với các mô hình xanh và phát triển bền vững.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Ben Anh, CEO Tập đoàn ITL cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu của ngành logistics toàn cầu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của logistics Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn ITL phân tích, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm, ngành logistics Việt Nam phát sinh lượng khí thải lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực vận tải và kho bãi. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp logistics xanh như sử dụng phương tiện vận tải bằng điện hoặc các phương tiện có hiệu suất cao hơn chuẩn Euro 5; tối ưu hóa công nghệ tiên tiến vào vận hành, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, kết hợp vận chuyển bằng xe tải và sà lan... như ITL đang thực hiện không chỉ giúp giảm khí thải, mà còn tăng tính cạnh tranh. Khách hàng và các đối tác quốc tế đang ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics hướng đến logistics xanh và có hệ sinh thái dịch vụ hoàn thiện.

Bên cạnh đó, logistics thông minh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ vào quản lý chuỗi cung ứng và vận tải, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa thời gian và giảm thiểu rủi ro.

“Các công nghệ như IoT, AI, blockchain hay Big data giúp theo dõi và quản lý hàng hóa, tăng tính minh bạch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sự kết hợp giữa logistics xanh và logistics thông minh không chỉ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, mà còn tạo ra giá trị bền vững lâu dài cho ngành logistics Việt Nam, mở rộng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Ben Anh chia sẻ.

Đặc biệt, đối với vận tải siêu trường, siêu trọng, đòi hỏi sự an toàn, chính xác tuyệt đối, bám sát tiến độ bàn giao chính xác cho khách hàng, thì chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tính toán lộ trình tối ưu, quản lý rủi ro và đáp ứng kịp thời yêu cầu vận chuyển của các dự án.

Cũng chính vì vậy, Công ty TNHH MTV Thương mại và Tiếp vận Bảo Tín (PPL) đã đầu tư trang thiết bị vận tải đặc chủng từ châu Âu để đáp ứng năng lực vận chuyển các cấu kiện siêu trường, siêu trọng đặc thù, như chân đế điện gió ngoài khơi, tuabin và các linh kiện điện gió, máy biến áp…

Từ đầu năm đến nay, PPL đã đầu tư 84 trục SPMT (thiết bị vận tải hàng siêu trường, siêu trọng) tiên tiến nhất thế giới, năng lực vận chuyển các cấu kiện hàng rất lớn, để đón đầu nhu cầu vận tải của ngành năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, PPL đã và đang thực hiện đào tạo chuyên sâu, hợp tác chuyển giao công nghệ vận tải.

Tương tự, Gemalink cũng chủ động ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác cảng. Ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng của ngành logistics, mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Phong, số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, giúp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, mô hình cảng thông minh đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong toàn chuỗi hoạt động và dịch vụ, như nhà khai thác cảng, khách hàng, đối tác, nhà cung cấp…

“Gemadept nói chung và Gemalink nói riêng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào vận hành, khai thác cảng. Đây không chỉ là công cụ số hóa giao dịch và tự động hóa quy trình, mà còn minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Công ty trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động, mang lại giá trị cao nhất cho khách hàng, đối tác, đóng góp thiết thực trong tiến trình số hóa nền kinh tế”, ông Phong nói.

Còn nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Đỗ Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty PPL cho hay, số hóa quy trình là nền tảng để PPL áp dụng các công nghệ vận hành tiên tiến, giảm thiểu tác động tới môi trường. Nhờ đó, Công ty có thể kiểm soát tốt hơn lượng khí thải và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu các chi phí vận hành không cần thiết. Đây là bước tiến quan trọng, không chỉ giúp doanh nghiệp đảm bảo bền vững, mà còn tạo thêm giá trị cho khách hàng, đặc biệt là trong các dự án năng lượng xanh.

Tuy nhiên, ông Phương cũng chia sẻ, bên cạnh lợi thế, thì việc chuyển đổi kép của doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều thách thức. Đơn cử, với PPL, thách thức lớn nhất là các dự án hàng siêu trường, siêu trọng không thường xuyên. Bên cạnh đó, việc đầu tư công nghệ và phương tiện vận chuyển, trang thiết bị đặc chủng đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và đầu tư liên tục để cập nhật công nghệ mới. Trong khi đó, hạ tầng cho các phương tiện vận tải siêu trường, siêu trọng tại một số địa phương còn hạn chế.

Để hút vốn vào logistics xanh và logistics thông minh, theo ông Ben Anh, cần xây dựng môi trường pháp lý và chính sách ưu đãi rõ ràng, hấp dẫn. Chính phủ có thể triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế và tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng xanh và công nghệ thông minh. Ví dụ, giảm thuế/miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị công nghệ cao và phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.

Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng bộ, bởi những hạn chế của hạ tầng (sân bay quá tải, giao thông phụ thuộc nhiều vào đường bộ…) cũng tác động tiêu cực đến quyết định đầu tư. Hợp tác công - tư (PPP) là mô hình tiềm năng để thu hút nguồn vốn quốc tế, khi các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội phát triển hạ tầng logistics xanh và hiện đại tại Việt Nam.

Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của logistics xanh và logistics thông minh trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp phải thay đổi, từ đó thúc đẩy nhu cầu và đầu tư trong lĩnh vực này. Những nỗ lực đó không chỉ giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao tính cạnh tranh, mà còn mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics xanh.

Ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink nhấn mạnh, phát triển cảng thông minh, bền vững là một quá trình dài, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, lộ trình và đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần được sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và sự hợp tác của các bên liên quan.

Cụ thể là, đơn giản hóa thủ tục; giảm bớt các loại phí, lệ phí; hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định; tăng cường truyền thông, hướng dẫn doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ngành cảng - logistics xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng xanh; tăng cường kết nối cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra mạng lưới logistics hiệu quả.

Đặc biệt, theo ông Phong, cần có nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh có thể dễ dàng tiếp cận; có chính sách khen thưởng, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển cảng thông minh, bền vững.

HỘI NGHỊ LOGISTICS VIỆT NAM NĂM 2024

Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 - Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.

Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn.

Việt Dũng - Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục