Phát triển Fintech và bài học từ Trung Quốc (Bài 3)

(ĐTCK) Ngoài sự ủng hộ từ chính phủ, bản thân các Fintech Trung Quốc cũng đã làm hết sức mình để tạo dựng niềm tin với người dùng, từ đó có được chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường.  
Phát triển Fintech và bài học từ Trung Quốc (Bài 3)

Bài 3: Tạo dựng niềm tin với cộng đồng

Các công ty Fintech Trung Quốc nhận ra rằng, tạo dựng niềm tin với người dân, nhà hoạch định chính sách và với các công ty Fintech khác là một bộ phận không thể tách rời trong cương lĩnh hoạt động của mình. Chính vì vậy họ đã rất thận trọng trong việc xây dựng những qui trình, hệ thống và dịch vụ để thiết lập và duy trì niềm tin vào tính an toàn và tuyên ngôn giá trị của họ. Điều này đã giúp tạo ra một hệ sinh thái Fintech ngày càng phát triển và trưởng thành.

Các Fintech của Trung Quốc đã làm được một việc rất đáng kể là phát triển được những cấu trúc để từ đó các phân nhánh trong ngành dịch vụ tài chính như trung tâm thông tin tín dụng, kênh phân phối đưa các sản phẩm và dịch vụ ra thị trường…được hưởng lợi.

Chính phủ Trung Quốc còn muốn các công ty Fintech làm được nhiều hơn thế, bởi họ tin rằng những bước tiến mới về cơ sở hạ tầng Fintech sẽ giúp có thêm nhiều người dân và doanh nghiệp tiếp cận được với dịch vụ tài chính, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Ví dụ, một trong những mục tiêu quan trọng của Trung Quốc là xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt, giảm thiểu đáng kể việc giao dịch dùng tiền mặt trên lãnh thổ của quốc gia này. Các công ty Fintech đã rất hứng khởi với chủ trương này của chính phủ.

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Trung Quốc giờ đây phát triển và tiện dụng đến nỗi, hôm thứ Hai vừa rồi (10/12), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải đưa ra một thông báo rằng, từ chối chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt là hành động bất hợp pháp. Cơ quan này giải thích rằng, việc từ chối này sẽ làm giảm niềm tin của dân chúng vào đồng tiền vật lý (tiền giấy và xu) và không công bằng đối với những người không quen với việc thanh toán điện tử như người già hay những người hiện đang sống ở những khu vực kém phát triển.

Sở dĩ có thông báo nói trên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là bởi việc thanh toán qua ứng dụng Alipay của tập đoàn Alibaba và WeChat của Tencent đang ngày càng trở nên thông dụng trong đời sống kinh tế của đất nước này, từ việc thanh toán vé xe buýt cho tới thanh toán tiền mua 1 ly cà phê v.v… Nhiều cửa hàng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, đã từ chối nhận thanh toán bằng tiền mặt.

Trước việc nhiều địa phương ở Trung Quốc đang quảng bá cho những tiến bộ về mặt công nghệ của họ bằng việc tuyên bố họ là địa phương không dùng tiền mặt, “điều này không có nghĩa là họ không chấp nhận tiền mặt”, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trấn an công chúng.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, giờ đây, các Fintech hàng đầu cũng đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Một động lực để các Fintech Trung Quốc đi ra thế giới là để học hỏi từ những đổi mới diễn ra trên thị trường thế giới, từ đó quay lại áp dụng tại quê nhà. Nhờ thế, các Fintech Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong ngành dịch vụ tài chính toàn cầu. 

Ngọc Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục