Phát triển Fintech và bài học từ Trung Quốc (Bài 1)

(ĐTCK) Sự ra đời và phát triển như vũ bão của cộng đồng Fintech ở Trung Quốc có sự góp công lớn của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Đầu tư chứng khoán xin trích lược góc nhìn của hai ông Anton Ruddenklau và Ian Pollari, Global Fintech Co-Lead thuộc hãng tư vấn KPMG.
Phát triển Fintech và bài học từ Trung Quốc (Bài 1)

Bài 1: Chính phủ Trung Quốc đã làm như thế nào để kích hoạt sự bùng nổ của các công ty Fintech? 

Bốn năm trước, đứng trước việc hàng trăm triệu người dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính trong đó có dịch vụ thanh toán và cho vay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu các công ty công nghệ lớn nhất nước này bắt tay vào giải quyết thách thức này.

Hưởng ứng lời kêu gọi chính phủ, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent đã bắt tay vào giải quyết những vấn đề nói trên. Kết quả là công ty chuyên về thanh toán của Alibaba là An Financial giờ đây đã trở thành ngân hàng lớn thứ 10 trên thế giới.

Theo một khía cạnh nào đó, những thách thức thúc đẩy chính phủ Trung Quốc hành động chính là những thuận lợi đối với các công ty Fintech còn non trẻ của nước này. Việc thiếu vắng hạ tầng dịch vụ tài chính truyền thống đã cho phép Trung Quốc bắt tay vào xây dựng từ đầu các mô hình hoạt động với sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì chuyển đổi các mô hình đang tồn tại hoặc sử dụng các giải pháp thay thế đầy khó khăn khác.

Những tiến bộ đạt được là rất đáng kể đối với cả các tập đoàn công nghệ lẫn cộng đồng startup, qui mô của các doanh nghiệp đã mở rộng rất nhanh xung quanh hệ sinh thái này. Năm nay nhiều nỗ lực sẽ cho thành quả với những khoản đầu tư vào Fintech đạt kỷ lục mới.

Thị trường Fintech nước này đã thu hút được 100 tỷ USD tiền đầu tư và con số này được kỳ vọng sẽ nâng lên thành 400 tỷ USD vào cuối năm nay, bao gồm các khoản đầu tư vào các công ty Fintech non trẻ nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao và cả các công ty con được tách ra từ các tập đoàn công nghệ lớn.

Bài học thu được trong những năm gần đây là việc các chuyên gia công nghệ không mảy may có chút kiến thức về tài chính dùng nhãn quan của mình để giải quyết các vấn đề và thách thức mà lĩnh vực tài chính đang phải đối mặt.

Tất nhiên Trung Quốc là một ngoại lệ, thế nhưng những vấn đề mà quốc gia này lựa chọn để giải quyết thông qua việc ứng dụng những thành tựu công nghệ không khác gì những vấn đề mà chính phủ tại các quốc gia phương Tây phải đối mặt, đó là việc tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi người và doanh nghiệp, nhu cầu về những sản phẩm và dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, hay nâng cao sự cởi mở và tính minh bạch.

Lấy trường hợp của công ty CreditEase làm ví dụ. Được thành lập năm 2006 với 4 người, đến nay công ty này đã có 3.500 nhân viên làm việc toàn thời gian. Công ty cung cấp giải pháp tài chính toàn diện với một mô hình kinh doanh tập trung vào giá trị suốt đời, chẳng hạn như cung cấp các giải pháp tài chính cho sinh viên, giữ họ làm khách hàng cho tới khi họ mang lại lợi nhuận cho công ty.  

Để đạt được mục tiêu của mình, CreditEase tiên phong trong việc đưa ra mô hình cho vay ngang hàng (P2P), đồng thời công ty đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng hạ tầng đánh giá tín nhiệm của Trung Quốc, phát triển một mô hình đánh giá tín nhiệm và tập trung vào việc phân phối rủi ro và quản lý danh mục tín nhiệm.  

Công ty con của CreditEase là Yirendal chuyên tập trung vào việc cho vay ở khu vực nông thôn. Công ty sử dụng những công nghệ mới, sáng tạo như một phần của giải pháp để giải quyết bài toán đặt ra. Chẳng hạn như sử dụng các công cụ Internet vạn vật (IoT) trong việc cho thuê máy móc nhỏ và bảo hiểm bệnh tật cho bò. Công ty này giờ đây đang tiến vào lĩnh vực phân phối bảo hiểm và sử dụng robot tư vấn.  

Một cơ quan quản lý, giám sát vì sự phát triển của cộng đồng Fintech

Khung khổ luật pháp liên quan tới dịch vụ tài chính của Trung Quốc rất phân mảnh. Giấy phép hoạt động của công ty dịch vụ tài chính, trong đó có các Fintech, do nhiều cơ quan khác nhau cấp và theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp xin cấp phép.

Tuy nhiên, về tổng thể, hệ thống luật pháp của Trung Quốc trong lĩnh vực này thể hiện tư duy và quan điểm rất rõ ràng của chính quyền, đó là công nghệ giúp giải quyết các vấn đề hơn là gây ra những rắc rối để mà phải giám sát một cách chặt chẽ.

Theo Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc, thách thức hàng đầu mà hệ thống dịch vụ tài chính nước này phải đối mặt là làm sao để có thể thu thập được một lượng thông tin và dữ liệu đủ lớn để có được những quyết định thông minh hơn và gia tăng được số lượng người tiếp cận được với các dịch vụ tài chính.

Khi đánh giá mức độ tín nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ ngân hàng kiểu như Ant Financial, cơ quan quản lý quan tâm nhiều tới giá trị của công nghệ được sử dụng và qui mô của hệ thống dữ liệu của họ. Chẳng hạn, trong trường hợp của Ant Financial, định mức tín nhiệm của công ty này cao gấp nhiều lần so với các công ty cùng ngành.

Các quan chức của Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc cũng cho biết, việc xem xét đơn xin cấp phép hoạt động ngân hàng của các công ty Fintech chủ yếu tập trung vào yếu tố sử dụng công nghệ điện toán đám mây và khai thác cơ sở dữ liệu của Fintech hơn là xem xét kế hoạch mở rộng chi nhánh của họ. Theo các nhà quản lý, hạ tầng vật lý không quan trọng bằng những yếu tố trên.

Cũng theo quan điểm của Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc, các ngân hàng loại vừa và nhỏ thường là các ngân hàng khu vực, vì vậy họ nên hoạt động như là kênh phân phối chứ không nên đóng vai trò là người đưa ra sản phẩm tài chính, đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý Trung Quốc muốn thị trường cung cấp dịch vụ tài chính phát triển theo chiều ngang thay vì chiều dọc.

Về phát triển nguồn nhân lực, quan chức của Ủy ban Giám sát ngân hàng cho rằng, thách thức hàng đầu để các công ty Fintech phát triển là việc thiếu các kỹ sư về dữ liệu.

Trung Quốc đã thành công bước đầu trong việc khuyến khích các kỹ sư mới tốt nghiệp làm việc ở nước ngoài và sau đó mang kinh nghiệm và kiến thức của mình trở lại trong nước. Tuy nhiên, nguồn lực này hiện vẫn đang thiếu ở Trung Quốc.

Liên quan tới việc thu thập dữ liệu cá nhân, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là có được càng nhiều dữ liệu người dùng càng tốt, tiếp theo mới đến vấn đề ai sở hữu dữ liệu này. Điều này cho thấy chính phủ nước này vẫn chưa giải quyết xong bài toán cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới mọi người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời nó cũng cho thấy việc chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng các Fintech có thể hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Một khi công nghệ giúp giải quyết bài toán này thì chính quyền vẫn sẽ có thái độ tích cực đối với các Fintech.

Kỳ 2: Vượt ra khỏi chuyển đổi số, điện toán đám mây, AI và internet vạn vật hiện diện ở mọi nơi

Ngọc Quang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục