Bài 2: Vượt ra khỏi chuyển đổi số, điện toán đám mây, AI và IoT hiện diện mọi nơi
Thực tế, các Fintech của Trung Quốc tập trung vào khai thác thế mạnh của những công nghệ cụ thể hơn là câu chuyện chuyển đổi số chung chung. Họ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ mới để khai thác dữ liệu lớn.
Dân số đông, thương mại điện tử bùng nổ ngoạn mục và truyền thông xã hội là những nhân tố giúp cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc tiếp cận được một lượng dữ liệu khổng lồ. Các công cụ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp biến những dữ liệu này thành những thông tin hữu ích.
Cơ sở hạ tầng điện toán đám mây cung cấp công cụ để lưu trữ và tạo ra khả năng và năng lực tổ chức và xử lý. Những công nghệ nói trên giờ đây đang được áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính bởi không chỉ các công ty công nghệ lớn mà còn cả một số lượng ngày càng gia tăng các startup và các công ty đang trên đà mở rộng qui mô.
Các Fintech Trung Quốc áp dụng các công nghệ nói trên trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đánh giá tín nhiệm, thanh toán điện tử, tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng, tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, tài chính cho khu vực nông thôn, bảo hiểm, quản lý tài sản cá nhân cho tới các giải pháp dành cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị được kết nối internet và internet vạn vật đã mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và phát triển cho các Fintech Trung Quốc. Ví dụ trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, đã có những Fintech thu thập dữ liệu từ các cảm biến được đặt trong các thiết bị trên cánh đồng, các thiết bị bay không người lái và vệ tinh.
Từ các dữ liệu thu thập được theo cách này, người ta đã thiết kế được các sản phẩm tài chính phù hợp cho khu vực nông thôn, chẳng hạn như tín dụng và bảo hiểm. Những công nghệ khác cũng đang hình thành và phát triển rất nhanh. Ví dụ, công nghệ nhận diện giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên giờ đây được sử dụng rất phổ biến tại các Fintech Trung Quốc.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt đang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Đặc biệt Baidu đang phát triển các công nghệ được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm cả việc chống lừa đảo và gian lận.
Ý nghĩa của những công nghệ này không chỉ nằm ở tốc độ phát triển chúng. Điểm đáng nói hơn là các Fintech của Trung Quốc không phải mất thời gian vào việc làm thế nào để gắn các công cụ và công nghệ mới vào những hệ thống và cấu trúc sẵn có, thay vào đó họ tập trung vào việc xác định những vấn đề cụ thể, từ đó tìm hiểu xem công nghệ nào có thể giúp giải quyết vấn đề, sau đó bắt tay vào xây dựng từ đầu.
Hãy tìm hiểu trường hợp của aiBank. Liên doanh giữa Baidu và CITIC Group này là ngân hàng số đầu tiên tại Trung Quốc. Sau 4 tháng đi vào hoạt động ngân hàng này đã có tới 1,6 triệu khách hàng, tổng tài sản đạt 10 triệu tệ và tín dụng đạt 20 triệu tệ. Cứ 3 giây Fintech này lại có 1 giao dịch.
Ngân hàng này cho rằng quá trình số hóa ở Trung Quốc trải qua 3 giai đoạn: tự động hóa quá trình xử lý; phát triển các sản phẩm số để đồng bộ hóa khách hàng và cuối cùng là trí tuệ nhân tạo. Ở giai đoạn phát triển cao nhất là trí tuệ nhân tạo, ranh giới giữa các ngành công nghiệp không còn rõ ràng nữa.
Mô hình kinh doanh của aiBank được xây dựng dựa trên chiến lược marketing thông minh, theo đó dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn; công cụ quản lý rủi ro tinh vi dựa trên công nghệ deep learning và giám sát hệ thống bằng nơ-ron nhân tạo (neural network monitoring). Mục tiêu là để cung cấp được một bộ sản phẩm ngân hàng hoàn chỉnh, trong đó bao gồm cả việc cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý tài sản và dịch vụ thanh toán.
Dịch vụ tài chính hiện diện ở khắp nơi
Nhiều công ty Fintech lớn ở Trung Quốc hiện nay bước vào lĩnh vực công nghệ tài chính từ các ngành khác. Họ sử dụng hiểu biết về công nghệ và kinh nghiệm của mình để giải quyết một loạt những vấn đề đặt ra của cuộc sống.
Giờ đây các công ty Fintech lại được chính phủ khuyến khích áp dụng cách tiếp cận đó: sử dụng những bài học thu được trong lĩnh vực công nghệ tài chính để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới trong các ngành khác. Đây sẽ là kỷ nguyên mà dịch vụ tài chính hiện diện ở khắp nơi.
Lấy trường hợp của lĩnh vực y tế làm ví dụ. Ứng dụng mạng xã hội và thanh toán WeChat của Tencent là sản phẩm đúc kết từ kinh nghiệm phát triển WeBank trong nhiều năm.
Giờ đây Tencent đang ứng dụng những hiểu biết của mình vào lĩnh vực y tế thông qua một ứng dụng di động giúp người dân Trung Quốc đặt lịch hẹn với bác sĩ, thanh toán viện phí và chia sẻ đánh giá về dịch vụ y tế với người dùng khác. Ứng dụng này đã thu hút được 400 triệu người dùng tại 50 tỉnh và thành phố tại Trung Quốc.
Tương tự, Tencent đang khai thác sức mạnh của nguồn lực cộng đồng (crowdsourcing) - một giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính - để giúp giải quyết câu chuyện chẩn đoán bệnh. Tencent đã xây dựng một thư viện hình ảnh để nhận những bức ảnh về triệu chứng vật lý của người dùng khi họ ốm.
Với việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, Tencent giờ đây đã có thể giúp người dùng tự chẩn đoán bệnh bằng cách so sánh những bức ảnh của họ với những bức ảnh có trong thư viện ảnh của Tencent.
Những ngành khác cũng sẽ chứng kiến những bước tiến tương tự. Ví dụ, các công ty Fintech giờ đây đang tập trung vào lĩnh vực xây dựng thành phố thông minh, bởi lưu lượng giao thông và sự dịch chuyển của con người đang tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Những công nghệ thích hợp được áp dụng trong lĩnh vực công nghệ tài chính sẽ cho phép quản lý đô thị và hoạt động logistics hiệu quả hơn.
Trong khi đó ở lĩnh vực giao thông, những kinh nghiệm vô giá trong lĩnh vực dịch vụ tài chính có thể được áp dụng đối với việc phát triển xe điện và xe tự hành. Những qui trình và công nghệ sử dụng trong lĩnh vực ví điện tử có thể được áp dụng cho dịch vụ bảo hiểm ô tô.
Tóm lại, tiềm năng ở đây là việc áp dụng những kinh nghiệm và bài học thu được từ ngành dịch vụ tài chính để phát triển các giải pháp dựa trên công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Alipay là một ví dụ điển hình. Năm ngoái, thương hiệu này của Ant Financial đã có hơn 800 triệu người dùng và được sử dụng tại hơn 60 triệu cửa hàng. Thị phần của Alipay còn lớn hơn cả Visa và Mastercard. Giờ đây, để thúc đẩy chương trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền Trung Quốc lại lấy Alipay làm trung tâm. Những công nghệ được Alipay sử dụng bao gồm blockchain, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và điện toán đám mây.
Bài 3: Gây dựng niềm tin với cộng đồng