Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương, của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư và mỗi người dân…
Huy động mọi nguồn lực tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Xác định con người là trung tâm phát triển bền vững, phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Lấy khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho phát triển bền vững đất nước.
Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững.
Tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ mai sau, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Thế Phương , Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững vừa là trách nhiệm, vừa là đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội, các cấp chính quyền, các bộ ngành và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội các cộng đồng, người dân cũng như sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của các đối đối tác phát triển.
Việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi bắt đầu giảm mạnh.
Bên cạnh việc huy động các nguồn lực trong nước để thực hiện Chương trình nghị sự 2030, Việt Nam cần có sự tham gia của tất cả các bên và hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế về nâng cao năng lực thể chế, cũng như nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến giảm bất bình đẳng về thu nhập và điều kiện sống, phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
Bà Akiko Fujii, Phó giám đốc quốc gia UNDP, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam
Khác với giai đoạn trước, các mục tiêu phát triển bền vững thu hút khu vực tư nhân tham gia rất nhiều. Kết quả là nhiều bên tham gia được công nhận là đối tác thiết yếu để đạt được các SDGs, từ các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, cho đến các công ty đa quốc gia.
Với nhận thức về vai trò và trách nhiệm của khu vực tư nhân, chúng tôi tin rằng, tầm nhìn khởi nghiệp có tiềm năng rất lớn trong việc tạo ra tác động tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu SDGs.
Chúng tôi mong rằng, ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp và doanh nhân chủ động tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chứ không đơn thuần chỉ là những người hưởng lợi từ những nỗ lực phát triển bền vững. Nếu chúng ta có kế hoạch sử dụng hài hòa nguồn năng lượng hiện có, chúng ta sẽ có một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam, cũng như trên thế giới.