Bản kế hoạch thể hiện cam kết và ý nguyện cùng chung sức nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trên quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu của Việt Nam với UN.
Theo đánh giá của UN, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, với quyết tâm cải cách nhanh, mạnh. Tuy nhiên, động lực và các nguồn lực cho tăng trưởng hiện đang bị chậm lại, năng suất lao động giảm và tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn.
UN cho rằng, sự thịnh vượng tại Việt Nam gia tăng là do tự do hóa thương mại, tăng dòng vốn và tăng dịch chuyển của lao động di cư. Theo đó, UN cảnh báo, khi cơ hội gia tăng thì rủi ro về bất bình đẳng và tình trạng dễ bị tổn thương cũng tăng theo.
Để cùng Việt Nam vượt qua thách thức, theo UN, các lĩnh vực trọng tâm cần chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng toàn diện, bền vững, dựa trên tăng năng suất cũng như tạo ra một thị trường lao động công bằng, hiệu quả và toàn diện hơn, giúp đảm bảo mọi cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần trong xã hội.
Bên cạnh đó, UN cũng đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung của UN.
“Đây là những minh chứng sống động về mối quan hệ đối tác của UN và Chính phủ Việt Nam, trong đó ghi nhận vai trò, đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong suốt chặng đường vừa qua”, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Theo đại diện UN, Việt Nam đã và đang là quốc gia dẫn đầu UN trong phong trào tiên phong cải cách. Việt Nam không chỉ đạt kết quả cao trong thực hiện sáng kiến UN, mà còn được coi là hình mẫu để học tập và chia sẻ về các sáng kiến thống nhất hành động dựa trên những thành tựu đạt được trong 1 thập kỷ qua.
Ông Kamal Malhotra tái khẳng định cam kết đưa thành công của Sáng kiến Một UN ở Việt Nam bước sang giai đoạn mới, trở thành “chìa khóa” cho cải cách UN để thành công trên toàn cầu. Đồng thời, cam kết nỗ lực đồng hành của 18 cơ quan của UN nhằm đóng góp tốt nhất vào sự phát triển trong tương lai của Việt Nam. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ để đơn giản hóa và hài hoà hóa quy trình quản lý kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thực hiện hiệu quả và có chất lượng.
Đánh giá cao nỗ lực và tham vọng của Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch được ký kết và thực hiện vào thời điểm Việt Nam bắt đầu triển khai Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện.
“Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để phát triển đất nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, bản Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 là một tài liệu khung, định hướng chiến lược quan trọng để UN và Việt Nam xác định những chương trình, dự án cụ thể, tiếp tục triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động, tăng cường liên kết chư¬ơng trình của UN, xác định các lĩnh vực hợp tác hiệu quả hơn, hạn chế trùng lắp, giảm thời gian và chi phí quản lý của các bên tham gia…
Kế hoạch Chiến lược chung 2017-2021 đã dự kiến nguồn ngân sách thực hiện khoảng 423 triệu USD, bao gồm đóng góp của UN và nguồn lực cần huy động từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi các đối tác phát triển tiếp tục ủng hộ Việt Nam thông qua việc đóng góp nguồn lực để thực hiện kế hoạch này như các giai đoạn trước đây. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển, hội nhập và tham gia mạnh mẽ vào sự phát triển chung của quốc tế thông qua việc cung cấp tư vấn, hỗ trợ chính sách cho Chính phủ Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với các nước đang phát triển, giới thiệu những kinh nghiệm chuyên môn, đảm bảo hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội.