Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%, nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với một số trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì nếu sử dụng 70% vốn nhà nước thì nên làm đầu tư công. Cũng có ý kiến đề nghị không cần quy định hạn mức sử dụng vốn nhà nước, tỷ lệ cụ thể sẽ được xác định căn cứ vào phương án tài chính của từng dự án.
Đặc biệt, có ý kiến đề nghị làm rõ khi sử dụng 70% vốn nhà nước, thì doanh nghiệp dự án PPP sẽ có 70% là vốn góp nhà nước, 30% là vốn tư nhân, trở thành doanh nghiệp nhà nước.
Trong báo cáo giải trình gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ: Tại Tờ trình số 675/TTr-CP, Chính phủ đã báo cáo cụ thể về thực tiễn triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn.
Các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi thu hút đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Trong trường hợp đầu tư toàn bộ các công trình cấp thiết nêu trên bằng đầu tư công thì áp lực đối với ngân sách nhà nước là rất lớn, không bảo đảm khả năng cân đối.
“Bên cạnh đó, áp dụng phương thức đầu tư PPP sẽ mang lại hiệu quả đầu tư lâu dài khi nhà đầu tư tư nhân cam kết tổ chức kinh doanh, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng công trình trong 20-30 năm, ngân sách nhà nước sẽ không phải bố trí để thực hiện các hoạt động này”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải những trường hợp có thể áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%, tới 70% tổng mức đầu tư.
Hơn thế, quy định một hạn mức vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP cũng là cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp với dự án (đầu tư công hay đầu tư PPP); làm điều kiện để xác định khả năng cân đối, bố trí ngân sách trong từng thời kỳ.
Việc quy định hạn mức vốn nhà nước cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ của ngân sách nhà nước để thu hút nhà đầu tư tư nhân nhưng vẫn bảo đảm có điều kiện cụ thể để tránh áp dụng tràn lan, không đáp ứng hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, theo quy định của Luật PPP và theo thông lệ quốc tế, phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP mang tính chất “hỗ trợ” nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nhằm tăng tính khả thi về tài chính cho dự án, không mang tính chất “góp vốn” vào doanh nghiệp để phân chia lợi nhuận.
Vì vậy, doanh nghiệp dự án PPP do nhà đầu tư thành lập là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp và tuân thủ hợp đồng dự án đã ký kết. Phần vốn nhà nước sẽ được thanh toán, giải ngân cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo tiến độ, tỷ lệ được cam kết tại hợp đồng.