Phân phối hàng điện tử: Gió đổi chiều

(ĐTCK) Nhiều năm kinh doanh thiết bị điện tử thua lỗ khiến Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (MSC) có những bước lùi lợi nhuận. MSC và nhiều doanh nghiệp khác đã phải chuyển hướng kinh doanh.
Ảnh Internet Ảnh Internet

MSC sa lầy với thương hiệu Arirang

MSC vừa có nghị quyết về việc chuyển nhượng các bất động sản không sử dụng hoặc chưa có điều kiện đầu tư và thanh lý hàng điện tử tồn kho.

Theo đó, Công ty sẽ chuyển nhượng toàn bộ hàng điện tử tồn kho với giá không thấp hơn 25 tỷ đồng, đồng thời chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu karaoke Arirang và quyền bản ghi, quyền tác giả các bản ghi âm midi Karaoke cho bên mua.

Arirang từng là thương hiệu Việt đình đám một thời do MSC là chủ thương hiệu, chuyên cung cấp đầu thu karaoke, loa và amply. Sản xuất - kinh doanh từ năm 1995, đầu karaoke Arirang được người tiêu dùng trong nước biết đến rộng rãi và sử dụng phổ biến. Arirang từng được bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao, được công nhận là “Thương hiệu Quốc gia” năm 2014 và tiếp tục được công nhận trong giai đoạn 2016 - 2018.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội Youtube, các trang âm nhạc nổi lên với nhiều sự lựa chọn như Zingmp3, Nhacuatui…, cùng xu hướng hát karaoke của người tiêu dùng thay đổi đã khiến sức tiêu thụ sản phẩm đầu karaoke Arirang ngày càng sụt giảm. Các sản phẩm karaoke cầm tay của Trung Quốc, Hàn Quốc có gắn bluetooth tiện nghi trở nên phổ biến hơn, nên Arirang dần mất thị phần.

Năm 2018, MSC đạt 927,8 tỷ đồng doanh thu, lỗ 164,3 tỷ đồng, tồn kho hàng điện tử tăng lên 175 tỷ đồng, nợ khó đòi 65 tỷ đồng.

Nhìn lại số liệu doanh thu bán hàng điện tử của MSC cho thấy, doanh nghiệp này đã giảm 4 năm liên tiếp từ mức 600 tỷ đồng năm 2015 xuống 173 tỷ đồng năm 2018. Lợi nhuận bán hàng mảng điện tử năm 2015 lãi 135 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019, MSC dự kiến lỗ 50 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, MSC đạt doanh thu thuần 127,5 tỷ đồng, giảm 81,3% so với cùng kỳ năm 2018 (683 tỷ đồng) và ghi nhận lỗ 35 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 17 tỷ đồng). MSC cho biết, doanh thu giảm mạnh do mặt hàng kinh doanh điện tử sụt giảm và Công ty chấm dứt hoạt động kinh doanh nông sản. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ô tô mới đi vào hoạt động giữa tháng 6 nên mức đóng góp doanh thu chưa nhiều.

Riêng quý II/2019, MSC ghi nhận doanh thu 28 tỷ đồng, giảm trên 90% so với cùng kỳ năm 2018 (hơn 293 tỷ đồng) và lỗ 15,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 6,9 tỷ đồng). Trước đó, quý I/2019, Công ty lỗ 19,6 tỷ đồng, quý IV/2018 lỗ 118 tỷ đồng, quý III/2018 lỗ 28,2 tỷ đồng. Như vậy, MSC đã có 4 quý liên tiếp thua lỗ.

Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh

Sau khi tháo chạy khỏi mảng điện tử, MSC chuyển hướng sang mảng kinh doanh ô tô, cụ thể làm đại lý xe du lịch tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Công ty đặt kế hoạch mảng hoạt động mới sẽ lãi 6 tỷ đồng trong năm 2019, cùng với đó là lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản (23 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh cho thuê các bất động sản, cho thuê bảng quảng cáo (21 tỷ đồng). MSC kỳ vọng, các mảng hoạt động trên sẽ giúp Công ty bắt đầu có lợi nhuận từ năm 2020, chính thức vượt qua giai đoạn khó khăn.

Không chỉ MSC khó khăn kinh doanh thiết bị điện tử, các doanh nghiệp khác cũng cẩn trọng hơn trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt. Kinh doanh mặt hàng điện tử vốn dĩ rất khó khi xu hướng tiêu dùng thay đổi liên tục cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ.

Thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) từ năm 2015 khi phải dừng phân phối điện thoại Nokia do Microsoft bỏ kinh doanh phần cứng; năm 2016, đà giảm doanh thu chậm lại, nhưng chi phí bán hàng và quản lý tăng cao do doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh.

Khi DGW ký hợp đồng phân phối độc quyền với Xiaomi, Công ty mới có sự hồi phục dần về doanh thu, lợi nhuận và có sự bứt phá trong hai năm trở lại đây.

Tổng doanh thu nửa đầu năm 2019 của DGW đạt 3.374 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018; lần lượt hoàn thành 47% và 42% kế hoạch năm. Lãnh đạo DGW cho biết, mảng hàng tiêu dùng có doanh thu tăng trưởng 214%, đạt 63 tỷ đồng, nhờ những hợp đồng mới ký.

Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng sớm nhìn ra sự bão hòa của thị trường phân phối điện tử, cụ thể là sản phẩm điện thoại, nên đã tìm hướng đi mới bằng cách mở rộng lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Theo kế hoạch, Công ty sẽ mở 70 cửa hàng thuốc Long Châu vào cuối năm 2019 và đạt doanh thu 500 tỷ đồng. Trong hai năm 2020 và 2021, mỗi năm, Long Châu sẽ mở thêm 200 cửa hàng và đặt mục tiêu doanh thu tăng gần 9 lần, lên 4.400 tỷ đồng năm 2021.

Công ty cổ phần Ðầu tư Thế giới di động (MWG) đã linh hoạt mở rộng các mảng kinh doanh ngoài mảng lõi là thiết bị điện tử. Cụ thể, Bách hóa xanh, nhà thuốc An Khang…, mới đây là kinh doanh đồng hồ theo mô hình shop in shop. MWG hiện có hơn 50 cửa hàng bán đồng hồ, dự kiến đến tháng 9/2019 sẽ có 100 điểm bán và đến tháng 6/2020 nâng lên con số 500.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục