Theo nghiên cứu của Criteo, Việt Nam là một trong các quốc gia có tính kết nối cao nhất thế giới. Trong số hơn 96 triệu dân thì có đến 42% dân số sử dụng điện thoại thông minh.
Dự kiến đến năm 2022, sẽ có 34% dân số có hai thiết bị kết nối internet trở lên và 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến.
Lượng người dùng các thiết bị điện tử để mua sắm trực tuyến tại thành thị và nông thôn cũng không quá chênh lệch. Cụ thể, TPHCM có 84% người dùng thiết bị điện tử để người mua sắm trực tuyến, trong khi đó, tỉ lệ này ở khu vực nông thôn là 68%.
Ông Alban Villani, Tổng giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Criteo cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018, người Việt Nam mua trên mạng nhiều nhất là vé máy bay, đồ gia dụng và hàng điện tử. Nhiều loại thực phẩm, vật dụng giải trí có giá trị nhỏ cũng được người dân mua trên mạng.
“Tại Việt Nam thì người dân ở độ tuổi từ 18 – 24 tuổi là những người thường xuyên mua sắm nhất, 94% người dân ở độ tuổi này sẵn sàng chi tiền để mua hàng trực tuyến.
Tuy nhiên vẫn chưa có con số cụ thể về mức độ chi tiêu ở độ tuổi này. Thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai vì người trẻ mua sắm nhiều”, ông Alban Villani nói.
Cũng theo ông Alban Villani thì hình thức nhận hàng rồi chuyển tiền là hình thức mua sắm phổ biến nhất ở Việt Nam. Hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm ít nhất một lần một tháng bằng cách sử dụng một ứng dụng bán lẻ, trong khi 60% làm điều này ba lần hoặc nhiều hơn mỗi tháng.
Lý do dẫn đến kết quả nói trên là vì người tiêu dùng Việt Nam thấy thích thú và thuận tiện hơn khi mua sắm qua ứng dụng di động thay vì web di động.